Phương pháp điều trị đông cứng khớp vai

Cần biết - 11/24/2024

Đau khớp vai, sau đó khớp vai cứng dần, không thể đưa tay lên miệng, chải đầu hay với tay ra sau... - đó là những triệu chứng thường gặp của bệnh đông cứng khớp vai, hay gặp ở những người trên 50 tuổi, không có chấn thương.

Em nghe nói về bệnh đông cứng khớp vai, có phải mẹ em bị bệnh này? Có phương pháp nào điều trị mà không phải mổ không?

Đặng Tiến (Bắc Giang)

Đau khớp vai, sau đó khớp vai cứng dần, không thể đưa tay lên miệng, chải đầu hay với tay ra sau... - đó là những triệu chứng thường gặp của bệnh đông cứng khớp vai, hay gặp ở những người trên 50 tuổi, không có chấn thương.

Nguyên nhân của bệnh đến nay vẫn chưa rõ ràng. Quá trình bệnh trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đau: Có thể kéo dài 6 tháng. Đau kèm theo hạn chế vận động khớp vai theo mọi hướng. Điều này để phân biệt với đau khớp vai do viêm gân cơ trên gai, chủ yếu là hạn chế động tác dạng vai.

Đau dần dần giảm đi và thay vào đó là giai đoạn đông cứng khớp vai. Giai đoạn đông cứng khớp: Khớp vai trở nên đông cứng lại (mất biên độ vận động), trong khi triệu chứng đau giảm. Giai đoạn này kéo dài 6-12 tháng.

Giai đoạn phục hồi. Biên độ vận động khớp vai dần dần được phục hồi, tuy nhiên hiếm khi phục hồi hoàn toàn như ban đầu. Việc điều trị đông cứng khớp vai tuỳ giai đoạn bệnh.

Giai đoạn đau: Thuốc giảm đau chống viêm non-steroid, steroid; tập vật lý trị liệu ở giai đoạn này không hiệu quả. Giai đoạn đông cứng khớp:Tập vật lý trị liệu nhằm cải thiện biên độ vận động cho khớp, tuy nhiên hiệu quả khó đoán.

Giai đoạn phục hồi: Tập vật lý trị liệu hoặc vận động khớp dưới gây mê để lấy lại biên độ khớp vai. Phẫu thuật nội soi giải phóng bao khớp sẽ giúp người bệnh phục hồi tốt hơn. Tốt nhất bạn nên đưa mẹ đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!