Ở độ tuổi này, bé cần từ 750-900 calo một ngày, khoảng 400-500 trong số đó đến từ sữa mẹ hoặc sữa bột (bé sẽ cần khoảng 720 ml sữa một ngày). Bạn đừng ngạc nhiên nếu bé ít thèm ăn hơn hơn so với thời điểm 8 tháng đầu. Nguyên nhân cho việc này là bởi tốc độ phát triển của bé đang chậm dần, đồng thời nhiều hoạt động mới và thú vị trong quá trình phát triển đang thu hút sự chú ý của bé.
Khi bé được khoảng 8 tháng tuổi, bạn có thể cho bé ăn thức ăn dặm. Loại thức ăn này đòi hỏi bé phải nhai nhiều hơn. Bạn có thể cho bé ăn thêm những thức ăn mềm, chẳng hạn như sữa chua, bột yến mạch, chuối nhuyễn, khoai tây, rau củ nghiền đặc. Trứng (bao gồm cả trứng bác) cũng như phô mai tươi, sữa chua và bơ là một nguồn protein (chất đạm) tuyệt vời. Bạn nên cho bé ăn từng loại thức ăn một, rồi đợi trong vòng 3-5 ngày trước khi thử những món khác để chắc chắn rằng bé không bị phản ứng dị ứng với các thức ăn trên.
Thói quen ăn uống của bé
Vào thời điểm này, khả năng điều khiển tay của bé đã phát triển, vậy nên bạn hãy để bé cầm muỗng và chơi đùa vào giờ ăn. Một khi bé đã biết cách cầm muỗng, hãy dành một chiếc muỗng cho riêng bé và để bé tự ăn.
Bạn đừng kì vọng quá nhiều, bởi bé sẽ làm rơi vãi thức ăn ra xung quanh nhiều hơn là thực sự đưa chúng vào miệng của mình. Hãy kiên nhẫn và tránh nóng giận tới mức không cho bé sử dụng muỗng nữa. Bé không chỉ cần tập luyện mà còn cần bạn tin tưởng vào khả năng bé có thể tự dùng muỗng. Tốt nhất bạn nên trang bị một miếng nhựa dưới ghế để giảm thiểu thời gian dọn dẹp các vết rơi vãi của bé khi ăn.
Sau một khoảng thời gian, bạn có thể thay thế muỗng của bé bằng muỗng mà bạn đang sử dụng. Một khi bé dứt khoát chỉ dùng muỗng (có thể bạn phải chờ đến tận sinh nhật đầu tiên của bé), bạn có thể tự tay cho thức ăn vào muỗng của bé để hạn chế rơi vãi và lãng phí, nhưng hãy cứ để bé tự đút thức ăn cho mình.
Mặc dù hiện giờ bé ăn ba bữa một ngày như mọi người trong gia đình, bạn có thể không muốn hành vi ăn uống mất trật tự của bé làm ảnh hưởng tới bữa ăn của mọi người. Nhiều gia đình xử lý vấn đề này bằng cách cho bé ăn gần hết trước và sau đó để bé tự chơi với thức ăn trong khi mọi người dùng bữa. Thức ăn cho bé chơi đùa có thể là rau hấp thái nhỏ, các loại trái cây mềm như chuối, mì nấu chín, mẩu nhỏ bánh mì lúa mạch, gà, trứng bác hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Hãy thử cho bé ăn nhiều loại thức ăn có hương vị, hình dáng, màu sắc khác nhau nhưng luôn trông chừng bé có thể bị nghẹn vì ăn miếng ăn quá lớn.
An toàn trong bữa ăn cho bé
Bởi bé có khuynh hướng nuốt không cần nhai nên bạn đừng bao giờ cho bé ăn hạt đậu phộng, rau sống, hạt nguyên vỏ, nho nguyên quả, bắp rang, đậu chưa nấu chín, cần tây, kẹo cao su, kẹo cứng. Ngoài ra, bạn nên luôn trông chừng khi bé ăn. Tình trạng nghẹn dễ xảy ra khi bé ăn hotdog, nho, phô mai hoặc thịt xiên, do đó bạn nên cắt nhỏ các món ăn này trước khi cho trẻ em ở độ tuổi này ăn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!