Bật mí 6 ảnh hưởng nghiêm trọng của việc thức khuya

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/26/2024

Một số người nghĩ thức khuya làm việc mang lại sự tập trung và sự hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thức khuya ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe.

Một số người cho rằng thức khuya sẽ mang lại cho họ sự tập trung và làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thức khuya ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe.

Đã bao giờ bạn gặp trường hợp chỉ muốn có thêm 5 phút để thỏa mãn cơn thèm ngủ mỗi buổi sáng thức dậy? Hay việc bạn phải đặt báo thức ít nhất 3 lần và nạp vài cốc cà phê mới đủ tỉnh táo để đi làm? Có khi nào bạn tự hỏi tại sao mình không thể dậy sớm? Lý do đơn giản là vì mỗi đêm bạn đều thức đến 2, 3 giờ sáng để học tập, làm việc hay tám chuyện với bạn bè, thậm chí là thức khuya chỉ để lướt báo mạng.

Tuy nhiên, tác hại không chỉ dừng lại ở mức bạn không tỉnh táo vào sáng hôm sau mà còn những hậu quả khác nghiêm trọng hơn. Bạn có vẻ thích thú khi nói mình là cú đêm, nhưng có vẻ cơ thể bạn đang báo động một câu chuyện khác. Có thể nói thức khuya là một loại độc dược bào mòn sức khỏe của bạn. Dưới đây là 6 tác hại chính của việc thức khuya.

1. Mất ngủ do thức khuya

Tác hại đầu tiên của việc thức quá khuya chính là làm mất nhịp sinh học của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến chứng mất ngủ. Khi thức khuya quá thường xuyên, nhịp sinh học của bạn sẽ bị rối loạn, do đó khó có thể chìm vào giấc ngủ cũng như khó ngủ say. Ngay cả khi đã sắp xếp lịch trình đi ngủ và thức dậy sau đó, bạn vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Thông thường, tiếng ồn và sự xáo trộn trong ngày sẽ dễ dàng đánh thức giấc ngủ của bạn.

2. Hiệu quả làm việc giảm sút

Nếu thức quá khuya, hiệu quả và khả năng làm việc của bạn sẽ theo đó mà giảm xuống. Bạn sẽ dễ mắc lỗi trong quá trình làm việc sau những đêm thức khuya hơn là khi bạn ngủ đủ giấc. Nếu bạn làm nghề lái xe, đó sẽ là một cơn ác mộng. Bạn sẽ dễ gặp tai nạn do chất lượng giấc ngủ kém, thời gian ngủ không đủ và buồn ngủ vào ban ngày. Theo thống kê mới nhất, việc buồn ngủ khi lái xe gây ra hơn 100.000 tai nạn xe mỗi năm, làm cho hơn 1.550 người chết.

3. Làm suy yếu hệ miễn dịch

Tác động của việc thiếu ngủ lên hệ miễn dịch thường không nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, mặc dù chứng thiếu ngủ đã được chứng minh làm kích hoạt các cơ chế bảo vệ và làm gia tăng việc sản xuất các cytokine gây viêm trong cơ thể ở người trưởng thành.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng sản xuất ra kháng thể. Ở những người tham gia tiêm phòng cúm ngay sau khi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm thì chỉ sau 10 ngày, mức độ kháng thể của họ giảm hơn 50% so với những người ngủ đủ giấc tham gia tiêm chủng.

4. Thức khuya làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ngủ trễ cũng liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề về tim. Các nhà nghiên cứu cho biết những người phụ nữ chỉ ngủ 7 tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm thường có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với những người ngủ trung bình tám giờ mỗi đêm.

Trong một nghiên cứu khác, những người ngủ 5 tiếng hoặc ít hơn mỗi đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc nhồi mắc cơ tim cao gấp đôi hoặc gấp ba những người ngủ đủ giấc. Những phát hiện tương tự đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu kiểm tra sức khỏee tim mạch ở những người lao động có những rối loạn trong nhịp sinh học của họ.

5. Ung thư

Những phụ nữ có thời gian ngủ ban đêm ngắn hơn 6 giờ hoặc ít hơn sẽ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn so với những phụ nữ ngủ 7 giờ mỗi đêm. Khi bạn thức quá khuya hoặc ngủ không đủ giấc thì cơ thể sẽ tiết ra ít melatonin hơn bình thường và đó chính là nguyên nhân khiến bạn dễ dàng mắc bệnh ung thư vú.

6. Béo phì

Ngày càng có nhiều nhà khoa học giả thuyết rằng việc thiếu ngủ có thể gây ra chứng béo phì. Việc ngủ quá ít dường như làm thay đổi hormone điều chỉnh việc thèm ăn. Hơn nữa, việc thức khuya khiến bạn cảm thấy đói và sẽ kích thích nhu cầu ăn uống vào giữa đêm. Bạn sẽ phải hấp thu nhiều calo qua những món ăn vào ban đêm và do đó nguy cơ mắc chứng béo phì càng tăng.

Với 6 tác hại của việc thức khuya kể trên, hẳn nhiều “cú đêm” sẽ phải cân nhắc lại chế độ ngủ nghỉ của mình đấy. Làm gì cũng phải bảo vệ sức khỏe của mình trước bạn nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Mất ngủ, nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên luôn cảm thấy mệt mỏi (P1)
  • Mất ngủ và những nguyên nhân bạn không ngờ tới
  • Bí quyết để không còn mệt mỏi khi thức khuya

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!