Nhưng cô Amanda MacMillan (Mỹ) lại mắc căn bệnh này khi vừa đón sinh nhật lần thứ 34 – điều mà cô và chồng cô đều vô cùng bất ngờ. Dưới đây là câu chuyện của cô Amanda và những cảnh báo cô muốn gửi tới mọi người để đề phòng nguyên nhân gây bệnh zona.
Một vài tuần sau sinh nhật lần thứ 34, hai vợ chồng tôi cùng đi bộ vào thứ 7 – một trong những thói quen của chúng tôi hàng tuần. Chúng tôi bắt đầu di chuyển đến vùng Catskill Mountains (New York) vài tháng trước. Không khí ở đây có vẻ rất trong lành và hi vọng tiết trời mùa thu nơi đây sẽ giúp mình cảm thấy thoải mái hơn.
Tôi đã bị zona tấn công khi mới ngoài 30.
Thật không may mắn cho tôi. Đến đêm, tôi chợt tỉnh giấc vì cảm giác ớn lạnh giống như bị cúm và làn da dường như nhạy cảm hơn, cơ vùng ngực và lưng như bị co kéo rất khó chịu. Khi tôi hít thở hoặc kéo căng cơ thể thì càng cảm thấy đau đớn hơn. Tôi đổ lỗi cho yoga.
Trong 2 ngày tiếp theo, cơ thể tiếp tục chống đối lại tôi bằng việc xuất hiện thêm những dấu hiệu kỳ lạ. Những vệt đỏ đau nhức xuất hiện dưới nách và lưng dưới. Lúc đầu tôi nghĩ chắc là do chiếc áo ngực thể thao khiến cơ thể căng thẳng. Nhưng khi chúng ngày càng lan rộng và khiến tôi thêm nhức nhối, tôi tự hỏi có lẽ nào là một con nhện nâu đã tấn công khi mình say giấc nồng?
Khi tôi cố gắng dùng tay để xoa vào những vết lở loét đó để dịu cơn đau thì cảm giác lại càng giống như bị lửa thiêu đốt trên da thịt vậy. Tôi quay cuồng với những ý nghĩ đâu là thủ phạm? Côn trùng tấn công? Áo ngực thể thao quá chật? Tập luyện kéo cơ quá mức?... Tất cả mọi thứ trong ngày đều khiến tôi nghi ngờ là nguyên nhân gây nên những vết lở loét đáng sợ.
Khi tôi cố gắng dùng tay để xoa vào những vết lở loét đó để dịu cơn đau thì cảm giác lại càng giống như bị lửa thiêu đốt trên da thịt vậy.
Thứ 3 – ngày bầu cử năm 2016 – tôi tỉnh dậy với cảm giác không thể tồi tệ hơn nên chồng tôi đề nghị hay là gặp bác sĩ. Bác sĩ hỏi tôi: 'Bạn có chắc chắn mình không bị zona không?', trong khi tôi khăng khăng cho rằng: 'Tôi không thể bị zona được. Những người trong độ tuổi 30 như tôi không thể nào bị được, nhất là với người viết về sức khỏe và luôn chạy marathon đều đặn'.
Mặc dù vậy, sau đó tôi vẫn lên google tìm kiếm thông tin. Sau khi đọc mô tả triệu chứng kèm hình ảnh, tôi chỉ biết há hốc mồm. Phát ban trên da, đau nhức, chạy một bên cơ thể, các triệu chứng giống như cúm, độ nhạy cảm trên da, tức ngực… Không còn nghi ngờ gì nữa! Tôi đã bị zona.
Tôi quay lại thị trấn khám và trình bày những nghi ngờ của mình. Người khám bệnh cho tôi bảo tôi hãy ngồi đợi, còn cô ấy thì rời phòng để hỏi ý kiến của một bác sĩ có trình độ cao hơn. Bác sĩ đó cũng hoài nghi cho đến khi nhìn tận mắt tấm lưng tôi. Mặc dù phát ban mới ở giai đoạn đầu nhưng ông ấy khẳng định nó giống như zona vậy.
Tôi quay lại thị trấn khám và trình bày những nghi ngờ của mình.
Vị bác sĩ hỏi tôi gần đây có thường xuyên căng thẳng không vì bệnh zona và stress thường liên quan đến nhau. Tôi cười và nói, mình đã phải chuyển khỏi trung tâm New York để xuống phía Bắc vì quá căng thẳng. Thêm nữa, gần đây tôi phải mua nhà, sống xa bạn bè, bắt đầu công việc mới và phải làm nhiều hơn bình thường vì sang nơi mới, chồng tôi vẫn chưa có công việc mới. Tôi thực sự luôn sống trong căng thẳng, lo âu. Bác sĩ khuyên tôi nên 'tránh những căng thẳng không cần thiết'.
2 ngày tiếp theo, chẩn đoán bệnh càng trở nên rõ nét. Phát ban lây lan từ giữa lưng đến giữa ngực và cơn đau khi hít thở đã tăng lên gấp 10 lần. Tôi phải vật lộn khó khăn với ngày làm việc hôm ấy, nghỉ làm sớm và khóc nức nở vì quá đau nhức.
Bạn có thể thấy phát ban là một hình ảnh vốn chẳng đẹp đẽ gì. Đúng như vậy! Trông nó giống như cháy nắng, bầm tím thâm lại và tôi không thể mặc áo ngực trong vòng 1 tuần. Nhưng cảm giác đau nhức mới kinh khủng. Không phải là cảm giác bị cắn vào da nữa mà tôi thấy như ngực mình đang bị cào xé sâu vào, lôi mọi thứ bên trong ra khỏi cơ thể, đau đớn kèm nóng như lửa cháy. Và đó chính là cảm giác đau nhức khó chịu nhất tôi phải trải nghiệm từ trước đến nay. Bác sĩ trấn an tôi rằng đó là một trong những biểu hiện bình thường của bệnh zona. Tùy vào những dây thần kinh bị ảnh hưởng bởi virus, đau do zona dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề thường gặp ở tim, phổi hoặc thận.
Stress có thể khiến bệnh zona phát triển nhanh chóng.
May mắn cho tôi là thuốc kháng virus nhanh chóng phát huy tác dụng, nhất là với những người mới chớm bị zona 3 ngày đầu tiên. Trong tuần tiếp theo, cơn đau ngực đã giảm dần và những nốt mẩn đỏ từ từ biến mất.
Sau 1 tuần chữa trị, tôi đã có thể đi lang thang dạo quanh nhà dễ dàng. Gần một tháng trước, tôi đã tự tin chạy bộ cũng như tập luyện cường độ cao. Tôi thực sự hạnh phúc khi có thể hít thở sâu mà không bị đau. Nhưng phải mất vài tháng những nốt phát ban trên cơ thể tôi mới biến mất. Thật may mắn là nó không để lại sẹo vĩnh viễn cũng như đau thần kinh lâu dài như nhiều người.
Khi tôi nói với bạn bè của mình rằng mình bị zona, đa số đều tròn mắt ngạc nhiên. Nhưng cũng có một số người bạn trẻ như tôi nói rằng họ đã từng bị zona. Điều đó có nghĩa là quan niệm chỉ người già mới bị zona là không đúng. Bác sĩ còn nói với tôi rằng nếu tôi từng bị zona khi còn trẻ thì có nguy cơ tái phát cao hơn. Mặc dù tôi biết căn bệnh có thể xảy ra ngẫu nhiên nhưng dường như stress đã đẩy nguy cơ mắc bệnh lên cao hơn.
Hiện tại, tôi luôn cố gắng chăm sóc bản thân mình thật tốt với việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ nghỉ hợp lý hơn và tránh những căng thẳng không cần thiết bất cứ lúc nào có thể để chiến đấu với bệnh zona.
Theo Webmd, zona là một chứng phát ban đau đớn trên da, do virus varicella zoster gây nên. Bệnh zona thường xuất hiện thành một nhúm nhỏ, lan ra thành một dải, một vùng nhỏ trên khuôn mặt hoặc cơ thể. Nó còn có tên gọi khác là bệnh do virus herpes zoster (VHZ). Virus này cũng chính là tác nhân gây nên bệnh thủy đậu. Bệnh zona phổ biến ở những người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu do căng thẳng, bị thương tật... Người từng bị zona vẫn có khả năng mắc bệnh vào những lần sau.
Theo BS Nguyễn Tiến Lâm (Trưởng khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), triệu chứng đầu tiên của người bị zona (hay còn gọi là giời leo) cảm giác đau, ngứa, căng, bỏng, nhức ở một phía của cơ thể. Bình thường sau khi cơn đau xuất hiện 1-3 ngày, những dải ban sẽ nổi phồng, tấy đỏ lên ngay ở vị trí đau, sau đó sẽ tụ mủ, đóng vảy trong 10-12 ngày. Sau 2-3 tuần, ban sẽ biến mất, vảy rơi ra, có thể để lại sẹo. Nếu cảm thấy đau hoặc nổi ban thành dải ở một phía của cơ thể bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn tốt hơn.
(Nguồn: Health/Webmd)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!