Tôi nên xử lý thế nào? Dùng thuốc gì cho nhanh khỏi? Nguyễn Thị Hà(Bắc Giang)
Chị Hà Thân mến!
Bỏng bô xe máy là bỏng nhẹ, là tai nạn thường gặp, có thể sơ cứu và dùng các thuốc thông thường đúng cách tại nhà thì vết thương sẽ mau liền.
Việc rắc bột thuốc kháng sinh vào vết bỏng là một sai lầm, có thể làm nặng thêm vết thương. Sau khi rắc chỉ vài giờ, bột kháng sinh sẽ làm thành một lớp vỏ khô, dày như là một hàng rào vật lý cản trở việc thâm nhập của các yếu tố bảo vệ đến vết thương như máu, kháng thể, bạch cầu, kháng sinh đường uống, đồng thời hạn chế lên mô hạt và kéo da non (sự lành vết thương); làm phản ứng viêm tại chỗ tăng lên. Có những trường hợp vết thương rộng, sau rắc thuốc vài ngày sẽ nóng đỏ lên do bị nhiễm khuẩn, người bệnh có sốt. Khi lột lớp vỏ đó ra thì bên dưới có nhiều mủ và mô hoại tử...
Khi bị bỏng, phải xử trí ngay, nếu để quá 15 phút thì hiệu quả sẽ giảm đi một nửa. Cần ngâm vùng da bị bỏng vào nước mát, sạch trong khoảng 15 phút để giảm nóng rát ngay tức thì, giảm viêm, giảm phù nề, làm giảm độ sâu của tổn thương bỏng. Không dùng nước lạnh, nước đá vì vùng da bị bỏng ngâm nước quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng nặng hơn. Có thể dùng nước muối nhạt để lau nhẹ vết bỏng phồng rộp. Không chọc vỡ các chỗ phồng ra, kể cả nốt phồng phát triển quá lớn hoặc tạo cảm giác rất đau đớn. Khi các nốt phồng nước vỡ, cần lau rửa, bôi thuốc và băng gạc lại cho đến khi lành hẳn.
Thuốc khi bị bỏng nhẹ có thể dùng là các thuốc kháng khuẩn, sát khuẩn như axit boric, silver sunfadiazine 1%, sulfamylon acetat (mỡ mafenide 11,2%)... Ngoài ra còn sử dụng thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng như: thuốc mỡ rau má, biafine, madecassol, hebermin, chitosan... Thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, ibuprofen, diclofenac...), dùng trong trường hợp người bệnh bỏng thấy đau rát nơi tổn thương.
Trong khi dùng thuốc, cần theo dõi nhiễm trùng tổn thương bỏng. Nếu nước chảy ra từ chỗ phồng có mùi hôi, vết phồng bất thường (đau, đỏ, lan rộng, lâu lành da...) là vết phồng đã bị nhiễm khuẩn. Đi khám bác sĩ nếu thấy sốt nhẹ, đau nặng dần, xơ cứng vùng vết thương, tổn thương bỏng không lành trong 1 tuần...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!