Các dấu hiệu nhận biết bệnh Parkinson

Cần biết - 04/28/2024

Parkinson là một bệnh thần kinh xảy ra do thoái hóa một nhóm tế bào (motor neuron) nhân xám ở đáy não, làm giảm sút một chất dẫn truyền thần kinh có tên là dopamin. Bệnh có thể tiến triển nặng dần trong vài năm cho đến vài chục năm và đa số người bệnh ở giai đoạn cuối cùng đều bị mất khả năng vận động, sau đó tử vong do suy kiệt.

Ở người bệnh Parkinson, giai đoạn đầu các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo. Người bệnh mệt mỏi, có cảm giác cứng lưng, cổ, vai, háng. Cột sống và các chi có xu hướng gấp, kém mềm mại, các động tác bị chậm lại. Khi đi, cánh tay ít hoặc không đung đưa theo nhịp bước. Dần dần, bước đi ngắn lại. Tần số chớp mắt cũng giảm đi. Khe mi có vẻ rộng ra tạo cảm giác người bệnh luôn nhìn “chăm chú” (dấu hiệu Stellwag). Nếu gõ vào gốc mũi, người bệnh mất khả năng ức chế nháy mắt gây hiện tượng rung giật mi mắt (dấu hiệu Myerson).

Các dấu hiệu về vận động

Run khi nghỉ, xuất hiện khi các cơ ở trạng thái nghỉ. Dấu hiệu này biến mất khi vận động, khi ngủ. Run tăng lên khi xúc động, tập trung. Run của bệnh Parkinson có đặc điểm đều đặn, bốn chu kỳ/giây. Run thường xuất hiện ở các ngón tay, gây ra động tác như “vê thuốc lào hoặc đếm tiền”. Run có thể gặp ở chi dưới, miệng hoặc vùng đầu.

Giảm động là triệu chứng cơ bản và xuất hiện sớm ở bệnh nhân Parkinson. Các động tác khởi đầu chậm chạp. Tốc độ thực hiện các động tác chậm (bradykinesia) và giảm biên độ của các động tác (hypokinesia) làm động tác trở nên nghèo nàn. Hiện tượng bất động thấy rõ ở chi trên. Giảm động có thể gặp ở các loại hình vận động như dáng đi, nét mặt, lời nói.

Tăng trương lực cơ ngoại tháp gây ra hiện tượng “cứng kiểu ống chì hay uốn sáp”. Khi vận động thụ động, dấu hiệu cứng thường kèm dấu hiệu “bánh xe răng cưa”. Khi làm động tác duỗi, thầy thuốc cảm nhận hiện tượng duỗi xảy ra từng nấc chứ không liên tục.

Tư thế gấp do tăng phản xạ tư thế quá mức là hiện tượng tăng trương lực cơ thuộc nhóm cơ gấp chiếm ưu thế tạo nên dáng người hơi gấp về phía trước. Lúc đầu gấp ở khuỷu tay. Giai đoạn sau, đầu và thân chúi ra trước, chi trên gấp và khép, chi dưới gấp ít hơn. Phản xạ điều chỉnh tư thế giảm nên bệnh nhân dễ bị ngã “như cây chuối đổ” khi bị đẩy nhẹ từ trước ra sau. Ở giai đoạn muộn, có dấu hiệu “đông cứng”. Mỗi lần bắt đầu ngồi dậy hoặc đi, người bệnh rất khó cử động. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong tất cả các hoạt động trong ngày như nói, viết làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.

Ngã là hậu quả của sự rối loạn thăng bằng và điều phối các cơ trục thân thể, rối loạn phản xạ tư thế. Hậu quả của ngã có thể làm gãy xương khiến bệnh nhân liệt giường.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh ParkinsonCác biểu hiện phổ biến của bệnh Parkinson.

Các triệu chứng phối hợp

Đau: Có thể do cứng cơ hoặc do nguồn gốc tủy sống, thường khó định khu, nặng thêm khi có trầm cảm nặng và ưu thế ở bên bất động nhiều hơn.

Những triệu chứng không thuộc về vận động: Có thể xuất hiện từ rất sớm, bao gồm thay đổi về giọng nói (giọng nói nhỏ và khó nghe), rối loạn giấc ngủ (mất ngủ về đêm, thường cảm thấy khó ngủ, hay gặp ác mộng), khuôn mặt ít biểu cảm (ít biểu lộ các cảm xúc như buồn vui, giận dữ hay chán nản...), táo bón (có thể xuất hiện từ rất sớm, là do bệnh làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, làm giảm nhu động ruột và gây ra táo bón), thay đổi về khứu giác (bệnh Parkinson có thể làm tổn thương khứu giác, khiến người bệnh mất dần khả năng nhận biết mùi, ngửi mùi vị không chính xác), rối loạn chức năng tình dục (giảm hoặc tăng ham muốn tình dục), rối loạn cơ vòng bàng quang (mót đái liên tục, đái són, đái nhiều hoặc đái dầm ban đêm).

Cho tới nay, y học hiện đại cũng chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các thuốc điều trị có thể làm giảm triệu chứng của bệnh. Người bệnh cần đi khám để được dùng thuốc và có những tư vấn thích hợp trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!