Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối gây nhiều mệt mỏi, đau đớn không chỉ cho người bệnh mà cả người thân của họ. Những người nhà của bệnh nhân luôn cố gắng từng ngày chăm sóc, an ủi để người bệnh thoải mái hơn về mặt thể chất và tinh thần.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối gây nhiều mệt mỏi, đau đớn không chỉ cho người bệnh và cả người thân của họ. Những người nhà của bệnh nhân luôn cố gắng từng ngày chăm sóc, an ủi để người bệnh thoải mái hơn về mặt thể chất và tinh thần.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao và là loại ung thư gây tử vong thứ hai ở phụ nữ sau ung thư vú. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh mới và 2.500 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Nhiều trường hợp phát hiện ung thư cổ tử cung thì đã ở giai đoạn cuối, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh và đau đớn cho người bệnh.

Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối dưới đây để hiểu rõ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sẽ phải trải qua những triệu chứng gì, gặp những khó khăn gì và cần được điều trị, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe như thế nào.

Hiểu đúng về ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình hoặc người thân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, mọi người đều trải qua một cú sốc lớn và rất hoang mang. Trước tiên, để nhận định rõ tình hình của mình cũng như lựa chọn phác đồ điều trị và cách chăm sóc phù hợp, bạn cần hiểu đúng thế nào là ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

1. Tiên lượng khả năng sống sau 5 năm

Ung thư cổ tử cung được chia làm 5 giai đoạn. Theo số liệu thống kê năm 2017, tiên lượng khả năng sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư cổ tử cung từng giai đoạn cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 0: 93%
  • Giai đoạn IA: 93%
  • Giai đoạn IB: 80%
  • Giai đoạn IIA: 63%
  • Giai đoạn IIB: 58%
  • Giai đoạn IIIA: 35%
  • Giai đoạn IIIB: 32%
  • Giai đoạn IVA: 16%
  • Giai đoạn IVB: 15%

Khi bước sang giai đoạn IV (ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối), khối u ở tử cung đã có kích thước lớn và bắt đầu di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như dạ dày, buồng trứng, bàng quang, phổi…

2. Những phác đồ chữa trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối vẫn có 16% cơ hội kéo dài thời gian sống ít nhất 5 năm nếu được điều trị tích cực và sức khỏe của bệnh nhân cho phép thực hiện điều trị. Các liệu pháp điều trị cho giai đoạn này bao gồm:

• Phẫu thuật: Tùy vào tình hình phát triển và di căn của khối u, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để cắt bỏ khối u ở tử cung, hạch và một số vị trí khối u đã di căn đến. Việc phẫu thuật cần thực hiện nhanh chóng nhất có thể.

• Xạ trị và hóa trị: Sau phẫu thuật, nếu tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép vượt qua các tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị để kiểm soát sự phát triển của khối u. Dựa trên hiệu quả điều trị, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân biết về các phương án tiếp theo.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần giữ tinh thần lạc quan, chăm sóc sức khỏe tốt và quyết tâm điều trị.

3. Khi nào ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn khả năng chữa trị?

Thời điểm được bác sĩ thông báo tình trạng của bệnh nhân không còn khả năng chữa trị là lúc:

√ Khối u đã phát triển quá lớn và di căn, xâm lấn tới nhiều cơ quan của cơ thể nên không liệu pháp nào có thể kiểm soát được khối u nữa.

√ Do tuổi tác quá cao hoặc sức khỏe và thể trạng của bệnh nhân quá yếu không thể tiến hành điều trị bằng phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị do các tác dụng phụ.

√ Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật và xạ trị, hóa trị nhưng ung thư không đáp ứng với điều trị và vẫn tiếp tục lan rộng ngoài tầm kiểm soát.

Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể phải ngưng chữa trị ung thư và xem xét các phương án khác. Tùy vào điều kiện sức khỏe, nơi sống và kinh tế, bệnh nhân có thể lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện và trung tâm y tế hoặc điều trị tại nhà.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối khi điều trị

Bạn có thể chọn để bệnh nhân ở bệnh viện để được tiếp cận tới trang thiết bị y tế đầy đủ hoặc đưa bệnh nhân về nhà để tạo không gian nghỉ ngơi thoải mái.

Chăm sóc tại bệnh viện

Hầu hết phẫu thuật, xạ trị (mỗi liệu trình thường từ 5–8 tuần) và hóa trị đều được thực hiện tại bệnh viện dưới sự kiểm soát của các bác sĩ và nhân viên y tế. Bạn cần tìm hiểu chăm sóc sau phẫu thuật, chăm sóc khi xạ trị, hóa trị và trao đổi với bác sĩ nếu thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào. Các bác sĩ cũng sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát các tác dụng phụ trong điều trị cụ thể và hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân.

Chăm sóc tại nhà

Nhiều bệnh nhân và gia đình lựa chọn chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối tại nhà. Khi đó cơ hội tiếp cận với máy móc, trang thiết bị y tế sẽ hạn chế hơn. Trước khi đưa bệnh nhân về nhà, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ về cách chăm sóc tại nhà cũng như những cách liên lạc với bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp. Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc và các hướng dẫn cần thiết để chăm sóc bệnh nhân tại nhà.

Dưới đây là một số hướng dẫn và lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối tại nhà để giúp bệnh nhân giảm bớt đau đớn và được chăm sóc cũng như hỗ trợ y tế tốt nhất.

1. Cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối sẽ phải trải qua nhiều đau đớn và khó khăn. Dưới đây là các vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân gặp phải và hướng dẫn người chăm sóc cách xử lý, hỗ trợ bệnh nhân.

Khó thở

Trên 70% bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bị tức ngực, khó thở do bị suy hô hấp, tắc nghẽn phế quản. Người chăm sóc nên tìm cách hỗ trợ bệnh nhân bằng cách:

√ Giúp bệnh nhân thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi khi cần để bệnh nhân dễ thở hơn.

√ Dùng một số loại gối, nệm, giường hỗ trợ để bệnh nhân có thể nâng cao đầu hoặc nghỉ ngơi thoải mái hơn.

√ Cho bệnh nhân dùng bình thở oxy và các thiết bị hỗ trợ thở. Hiện nay, có nhiều dịch vụ giúp lắp đặt bình oxy sử dụng tại nhà an toàn, gia đình bệnh nhân có thể tìm hiểu để lắp đặt thiết bị hỗ trợ thở đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân sử dụng.

√ Nếu bệnh nhân gặp vấn đề khó thở nghiêm trọng thì cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Đau vùng chậu và lưng dưới

Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân ung thư cổ tử cung thường phải chịu đựng những cơn đau bất thường ở vùng chậu. Người chăm sóc nên massage, xoa bóp giúp giảm nhẹ cơn đau và dùng thuốc giảm đau (nếu cần) theo chỉ định của bác sĩ.

Đi tiểu ra máu

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường gặp khó khăn khi đi tiểu tiện, đau khi đi tiểu và bị đi tiểu ra máu. Dịch tiết âm đạo cũng nhiều và có thể bị chảy máu âm đạo. Nếu bị chảy máu ồ ạt, bạn cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và hỏi ý kiến bác sĩ về các biện pháp xử lý. Ngoài ra, cần giúp bệnh nhân giữ vệ sinh đường niệu để tránh bị nhiễm trùng.

Táo bón, chướng bụng, buồn nôn và nôn

Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng tới trực tràng và có thể di căn đến ruột nên ở giai đoạn cuối bệnh nhân thường gặp phải nhiều vấn đề về tiêu hóa. Bạn cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Mệt mỏi, sụt cân nhanh và chán ăn

Ở giai đoạn cuối do khối u chèn ép, bệnh nhân thường xuyên ở trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân nhanh. Bạn có thể nhờ bác sĩ đưa ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh.

Đau

Tùy vị trí di căn của khối u, bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể cảm thấy đau ở vị trí khác nhau, phổ biến nhất là đau bụng, đau vùng chậu và nhức mỏi toàn thân. Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất mà bệnh nhân phải chịu đựng.

Các biện pháp giảm đau và kiểm soát cơn đau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bao gồm:

  • Thiền
  • Châm cứu
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật điều trị triệu chứng
  • Dùng thuốc giảm đau dạng tiêm, truyền hoặc uống

Các cách điều trị giảm đau gồm:

• Can thiệp nguyên nhân gây nên cơn đau:Nếu có một khối u tạo áp lực vào dây thân kinh và gây đau thì bệnh nhân có thể phải cắt bỏ khối u này bằng phẫu thuật hoặc làm nhỏ kích cỡ của khối u bằng hóa trị liệu hoặc xạ trị.

• Điều trị cảm giác đau: Một số loại thuốc giảm đau có thể thay đổi cách cơ thể cảm nhận về cơn đau. Khi dùng thuốc này, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

• Tác động vào quá trình truyền tín hiệu thần kinh: Nếu các loại thuốc giảm đau không có tác dụng, bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân tới một chuyên gia về giảm đau để thực hiện một số liệu pháp điều trị giảm đau đặc biệt, ví dụ như tiêm thuốc vào tủy sống, dây thần kinh hoặc các mô xung quanh dây thần kinh để có thể tác động tới quá trình dẫn truyền tín hiệu về cơn đau.

Sử dụng thuốc giảm đau là cách phổ biến nhất để kiểm soát cơn đau. Sử dụng thuốc giảm đau cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý mua và sử dụng. Có các loại thuốc giảm đau sau đây:

• Thuốc giảm đau không chứa opioid: Đây lựa chọn cho các bệnh nhân bị đau ở dạng nhẹ. Các bác sĩ đôi khi cũng kê đơn thuốc giảm đau này kết hợp với một số loại thuốc giảm đau khác khi cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Thuốc nhóm này bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen (Advil) hoặc Motrin, acetaminophen (Tylenol).

• Thuốc giảm đau dây thần kinh: Bao gồm một số loại thuốc chống trầm cảm như duloxetine (Cymbalta), thuốc ngăn ngừa động kinh như gabapentin (Gralise, Neurontin) và pregabalin (Lyrica).

• Thuốc giảm đau opioid:Thuốc này còn gọi là thuốc phiện dùng trong y tế. Các loại thuốc này thường được sử dụng song song với thuốc giảm đau không chứa opioid. Nhóm này bao gồm nhiều loại từ các nhà sản xuất khác nhau như Hydrocodone, Fentanyl, Hydromorphone, Methadone, Morphine, Oxycodone, Oxymorphone.

Các bác sĩ sẽ xem xét và kê đơn thuốc giảm đau opioid cho các bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau trước đó. Loại thuốc giảm đau này có nguy cơ gây nghiện cao nên cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ và bảo quản thuốc cẩn thận, không để lẫn với thuốc khác.

2. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối thường bị táo bón nặng, chướng bụng, buồn nôn và nôn do khối u chèn ép trực tràng và khối u di căn ruột. Bệnh nhân cũng trải qua nhiều đau đớn nên mệt mỏi, chán ăn, sút cân nhanh. Vậy nên, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nên đảm bảo các yêu cầu sau:

• Dinh dưỡng: Bệnh nhân cần được bổ sung các loại thực phẩm giàu năng lượng qua chế độ ăn lành mạnh và cân đối. Bạn hãy bổ sung cho bệnh nhân các món ăn giàu đạm có nguồn gốc thực vật, động vật như thịt nạc, thịt bò, cá, tôm, lạc, đậu nành, rau xanh, hạt, củ… Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên uống đủ 8–12 cốc nước mỗi ngày và bổ sung thêm sữa.

• Cách chế biến: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối nên có các thức ăn mềm như các món cháo, hầm, súp và các món nghiền… vừa dễ nuốt, dễ tiêu hóa lại giàu dinh dưỡng. Bạn cũng nên nấu theo khẩu vị của bệnh nhân và thường xuyên đổi món cũng như trang trí đẹp mắt để tăng khẩu vị cho bệnh nhân.

• Phẩu phần ăn: Vì bệnh nhân có thể không ăn được nhiều nên bạn cần chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân trong bữa ăn.

3. Tôn trọng mong muốn của bệnh nhân và động viên tinh thần

Phụ nữ thường yếu đuối và luôn muốn được chia sẻ, đặc biệt là phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Bạn hãy lắng nghe tâm sự, mong muốn, nhu cầu của người bệnh để giúp đỡ khi cần thiết. Ngoài ra cũng nên tôn trọng nếu người bệnh muốn có thời gian riêng tư. Đôi lúc vì những mệt mỏi, đau đớn, người bệnh có thể trở nên khó tính, dễ cáu gắt hoặc buồn chán. Vì vậy, bạn hãy hết sức thông cảm, nhẹ nhàng, tế nhị để người bệnh an tâm.

Cắm hoa tươi hoặc trồng cây cảnh trong phòng người bệnh là cách giúp họ thư giãn và giảm đau rất hiệu quả. Phòng của người bệnh cần luôn giữ sạch sẽ, khô thoáng, yên tĩnh để họ có thể nghỉ ngơi.  

Người bệnh cũng cần được đi dạo thư giãn, tắm nắng, nên bạn hãy giúp họ bằng cách dìu hoặc đẩy xe lăn cho bệnh nhân. Nếu cần, bạn hãy giúp người bệnh massage, xoa bóp để tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau mỏi.

Động viên người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối về mặt tinh thần là hết sức quan trọng vì nếu người bệnh cảm nhận được mình được yêu thương, chia sẻ sẽ có động lực để vượt lên bệnh tật, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống hàng ngày.

Sau phẫu thuật và giữa hai liệu trình điều trị, bệnh nhân có thể được về nhà nghỉ ngơi một vài tuần để hồi phục sức khỏe cho liệu trình điều trị tiếp theo. Người bệnh cần tuân thủ mọi hướng dẫn của bác sĩ và giữ liên lạc với bác sĩ để xin hỗ trợ khi cần thiết.

Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Cách chăm sóc bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp điều trị, kiểm soát các triệu chứng của bệnh chứ không nhằm chữa trị ung thư. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện song song với các liệu pháp chữa trị ung thư, hoặc thực hiện sau khi liệu pháp chữa trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không còn phát huy tác dụng.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện một số liệu pháp khá tương tự như điều trị ung thư, ví dụ dùng xạ trị để giảm đau xương trong trường hợp ung thư đã di căn tới xương. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc để kiểm soát cơn đau, giảm đau hoặc chống nôn hay thực hiện một số thủ thuật để giúp bệnh nhân dễ thở, bớt đau đớn. Các liệu pháp, thủ thuật dùng trong chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối rất đa dạng.

Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc bệnh viện để có cơ hội tiếp cận chăm sóc giảm nhẹ. Một số nơi có các trung tâm, khoa hay dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ ngay trong bệnh viện. Tại đây, người bệnh sẽ được hỗ trợ tối đa để kiểm soát triệu chứng bệnh, giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không những khó chữa mà còn thay đổi cuộc sống của người bệnh và gia đình rất nhiều. Bệnh này đòi hỏi người nhà phải thật kiên nhẫn, tinh tế và thấu hiểu để tạo khoảng thời gian đáng nhớ cho bệnh nhân.

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cách chăm sóc người thân bị ung thư phổi giai đoạn cuối
  • Ung thư phổi giai đoạn 4 còn có thể điều trị hay không?
  • 10 bí quyết giúp bạn sống chung với bệnh mãn tính

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!