Loét miệng (nhiệt miệng) là những tổn thương nhỏ, nông, phát triển trên các mô mềm ở miệng hoặc trên nướu răng của bạn. Bạn có thể có một hoặc nhiều vết loét miệng. Chúng có thể gây đau đớn, ảnh hưởng đến việc ăn uống và nói chuyện. Nhiệt miệng không phải là bệnh lây nhiễm.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiệt miệng. Nhưng thiếu niên, người lớn và phụ nữ là những người thường mắc phải chứng này nhất. Loét miệng dạng nghiêm trọng tuy rất hiếm xảy ra những bạn sẽ có nguy cơ mắc phải nếu từng có tiền sử loét miệng dạng đơn giản.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng tuy vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng một vài chuyên gia tin rằng hội chứng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch có vấn đề, hoặc liên quan đến vi khuẩn hay virus. Trong một vài trường hợp, chấn thương mô mềm ở miệng cũng có thể gây ra loét miệng.
Dấu hiệu và triệu chứng của loét miệng là gì?
Phần lớn các vết loét miệng có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục với vùng trung tâm có màu trắng hoặc vàng và xung quanh là màu đỏ. Chúng hình thành trong miệng, trên hoặc dưới lưỡi, bên trong má hoặc môi, trên nướu hoặc trên vòm miệng. Bạn có thể cảm thấy ngứa hoặc nóng ran 1 – 2 ngày trước khi vết loét xuất hiện.
Có nhiều loại loét miệng bao gồm lở loét nhỏ, thể nặng hoặc loét dạng cụm.
Loét miệng nhỏ là dạng phổ biến nhất:
- Thường có kích cỡ nhỏ;
- Hình bầu dục với viền loét màu đỏ;
- Lành và không để lại sẹo từ 1 đến 2 tuần.
Loét miệng thể nặng ít phổ biến hơn:
- Thường xuất hiện với dạng rộng và loét sâu;
- Vết loét thường có dạng hình tròn với phần viền rõ ràng, nhưng cũng có thể khó xác định nếu vết loét lớn;
- Có thể rất đau;
- Lành sau 6 tuần và có thể để lại sẹo lớn.
Loét dạng cụm không phổ biến và thường chỉ xuất hiện khi bạn lớn tuổi. Đây là dạng loét không phải do virus herpes gây ra. Loét dạng cụm thường:
- Có kích thước rất nhỏ;
- Xuất hiện theo cụm từ 10 đến 100 nốt, có thể hợp thành một vết loét lớn;
- Có rìa, cạnh không đều;
- Lành sau 1 đến 2 tuần mà không để lại sẹo.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.
Bạn nên làm gì để giảm đau và vết loét mau lành?
- Súc miệng: dùng nước muối hoặc baking soda để súc miệng. Với baking soda, bạn có thể hòa tan 1 muỗng cà phê baking soda vào 1/2 ly nước ấm và ngậm rồi nhổ ra như nước muối;
- Thoa một lượng nhỏ sữa magiê oxit vào vết loét miệng của bạn vài lần một ngày;
- Không nên ăn các loại thực phẩm có hại cho răng như thực phẩm chua, cay để tránh gây kích ứng vết loét và gây đau đớn;
- Dùng đá để làm dịu vết loét miệng;
- Đánh răng nhẹ nhàng, sử dụng bàn chải lông mềm và kem đánh răng không tạo bọt như Biotene hoặc Sensodyne ProNamel.
Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?
Nếu vết loét có các biểu hiện sau, bạn nên đến gặp bác sĩ:
- Miệng vết loét rộng bất thường;
- Vết loét xuất hiện nhiều lần, thường xuyên, vết loét mới xuất hiện ngay trước khi vết cũ lành;
- Lở loét kéo dài 2 tuần hoặc hơn;
- Loét lan ra trên môi;
- Bạn không thể giảm đau bằng các biện pháp giảm đau tại nhà;
- Cực kì khó khăn trong việc ăn và uống;
- Sốt cao đi kèm với loét miệng.
Hãy đến gặp nha sĩ nếu bạn nghĩ vết loét bị gây ra bởi bề mặt răng sắt nhọn hoặc các thiết bị nha khoa trong miệng.
Bạn có thể phòng ngừa loét miệng như thế nào?
Loét miệng rất hay xuất hiện nhưng bạn có thể làm giảm tần suất thường xuyên của các vết loét bằng những mẹo sau:
- Chú ý chế độ ăn uống: cố gắng tránh các loại thực phẩm có thể gây kích ứng miệng như các loại hạt, khoai tây chiên, bánh quy, các món có vị cay, thức ăn mặn và các loại trái cây chua như dứa, bưởi và cam. Tránh các loại thực phẩm mà bạn dị ứng.
- Chọn thực phẩm lành mạnh. Để giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt dinh dưỡng, hãy ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
- Thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng tốt: thường xuyên đánh răng sau khi ăn và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần có thể giữ cho miệng của bạn sạch sẽ. Sử dụng bàn chải mềm để giúp ngăn ngừa kích ứng mô miệng, tránh các loại kem đánh răng và nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate (chất tẩy rửa).
- Bảo vệ miệng của bạn: nếu bạn niềng răng hoặc đeo các thiết bị nha khoa khác, hãy hỏi nha sĩ về các loại sáp dành cho răng để phủ các cạnh sắc của các thiết bị này.
- Giảm căng thẳng, giảm stress: nếu bạn nghĩ chứng loét miệng của bạn có liên quan đến tình trạng căng thẳng, hãy tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật giảm stress như thiền.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!