Khi gia đình bạn đón chào thành viên mới, cũng là lúc bạn bắt đầu những thay đổi trong cuộc sống của mình. Sự an toàn cho bé con vừa chào đời không chỉ nhờ vào bàn tay chăm sóc bé cẩn thận của bạn, mà còn phụ thuộc vào môi trường xung quanh và căn nhà đang sống. Khi bạn dạo một vòng quanh nhà, hãy quan sát và thay đổi những điều cần thiết sau để đảm bảo mọi thứ đều an toàn cho bé nhé.
Cửa sổ
Nếu cửa sổ nhà bạn nằm trên nền nhà, hãy lắp cửa bảo vệ theo như chỉ dẫn của nhà sản xuất hoặc điều chỉnh để chúng không thể mở rộng hơn 15 cm. Hãy để những đồ nội thất mà bé có thể leo trèo lên được ra xa cửa sổ.
Những tấm màn
Bạn nên buộc chúng lại để bé không bị vướng vào và bị móc lại. Không đặt cũi hoặc chỗ chơi, ghế hoặc giường mà bé có thể trèo lên nằm trong tầm với của bé tới bất cứ sợi dây nào.
Dây điện
Hãy di chuyển chúng ra xa tầm với của bé, hoặc đặt ngầm trong tường để tránh bị rủi ro điện giật, hoặc tránh trường hợp bé kéo mạnh dây cùng đèn bàn hoặc những vật nặng khác xuống. Ngoài ra, bạn không nên đặt dây điện dưới thảm, nơi chúng có thể sinh nhiệt và gây cháy.
Ổ cắm điện
Hãy che phủ ổ cắm điện lại bằng những tấm bìa hoặc đặt đồ nội thất nặng ở phía trước để ngăn bé cắm bất cứ thứ gì vào (như kẹp tóc chẳng hạn) hoặc nhét ngón tay ướt vào và bị điện giật. Ngoài ra, bạn có thể ra tiệm điện để mua thiết bị nhựa chuyên dùng để cắm vào bịt ổ điện.
Những vật dụng không ổn định
Bạn nên đặt những chiếc ghế, bàn hoặc những đồ nội thất không vững hoặc dễ lung lay và có thể bị đổ nếu bé kéo chúng ra khỏi vị trí hiện tại ra xa tầm hoạt động của bé. Bạn cũng có thể cố định chúng chắc vào tường để tránh trường hợp bé kéo chúng xuống.
Ngăn kéo tủ quần áo
Bạn nên luôn đóng chặt tủ quần áo (và nếu có thể thì hãy chốt an toàn) để bé không trèo lên được và không thể kéo tủ xuống hoặc kéo các ngăn kéo ra ngoài và đè lên bé; nếu tủ không vững thì hãy gắn chúng chặt vào tường.
Những bề mặt sơn trong tầm với của bé
Hãy chắc chắn rằng chúng không có chì; trong trường hợp có chì hoặc bạn không chắc về điều đó, hãy sơn lại hoặc dùng giấy dán tường lên các bề mặt này. Nếu bạn kiểm tra và thấy có chì trong sơn, hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để có hướng giải quyết tốt nhất.
Gạt tàn thuốc
Hãy để chúng xa tầm tay của bé để bé không chạm vào tàn thuốc nóng hoặc mẩu tro thuốc và tàn thuốc. Để đảm bảo cho sức khỏe cũng như sự an toàn của bé, tốt hơn hết bạn nên loại bỏ hoàn toàn thuốc lá khỏi ngôi nhà bạn.
Cây trồng trong nhà
Bạn nên để chúng xa khỏi tầm tay của bé ở những nơi mà bé không thể kéo xuống người hoặc vặt tỉa chúng. Hãy thật cẩn trọng với những cây độc hại.
Những đồ vật nhỏ trong nhà hoặc trong tủ
Bạn nên di chuyển hoặc làm sao để đảm bảo rằng bé sẽ không nuốt phải bất cứ vật gì nhỏ (nếu nhỏ hơn nắm đấm của bé) và bị nghẹn.
Bộ tản nhiệt
Hãy rào chắn hoặc che phủ chúng lại trong thời gian chúng hoạt động mạnh.
Cầu thang
Bạn nên dựng cửa chặn có thanh chắn bảo vệ và hàng rào chắn ở đầu cầu thang và một cái khác ở bậc thứ 3 tính từ dưới lên. Hãy chắc chắn rằng khoảng cách giữa những cây chắn cầu thang hoặc rào ban công nhỏ hơn 10cm, và không bị lỏng. Nếu khoảng cách quá lớn, hãy lắp một miếng Plexiglas, một loại nhựa trong suốt hoặc gắn rào chéo qua hàng rào chắn để ngăn bé tự ý đi khắp nhà và gặp phải nguy hiểm.
Nơi có lửa, bếp, lò, lò sưởi ở sàn nhà
Hãy dựng lưới sắt bảo vệ hoặc các hàng rào chắn khác để giữ không cho bé thò ngón tay vào bề mặt nóng (thậm chí các khung lưới sắt trên các lò sưởi sàn nhà có thể khiến bé bị bỏng cấp độ 2) cũng như lửa. Hãy rút ổ cắm lò sưởi khi không sử dụng và cất nó ở những nơi mà bé không thể tiếp cận được.
Khăn trải bàn
Nếu chúng được trải ra và nằm ngay cạnh bàn và không được mắc cẩn thận, hãy chuyển chúng đi chỗ khác cho đến khi bé đủ nhận thức để biết rằng không được kéo chúng. Một biện pháp khác là không để bé dưới sàn khi bàn đang trải khăn.
Bàn kính
Hãy phủ chúng bằng một miếng lót bàn nặng hoặc để chúng ở nơi nào đó để tạm thời tránh xa tầm tay bé.
Cạnh sắc hoặc góc bàn, góc tủ
Nếu bé có thể sẽ va phải chúng, hãy che các cạnh sắc lại bằng những miếng đệm tự làm hoặc mua những mảnh vải lót và miếng chắn góc.
Thảm nhỏ
Hãy chắc chắn chúng có những khía nhỏ không gây trượt. Đừng bao giờ đặt chúng ở đầu cầu thang hoặc để chúng lộn xộn.
Đá lát sàn nhà
Bạn nên sửa tất cả những miếng đá bị rời để ngăn chặn việc bé trượt ngã.
Miếng cao su trong các móc chặn cửa
Hãy bỏ chúng đi vì chúng có thể khiến bé bị kẹt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên bỏ luôn các móc chặn cửa và lắp bản lề hình chữ V ở đầu cánh cửa.
Những vật dụng trang trí nặng và những tấm chắn giữa các hàng sách trong kệ sách
Hãy đặt chúng ở nơi bé không thể với tới và kéo chúng ra vì bé con khỏe hơn bạn tưởng đấy.
Tủ đồ chơi
Những cái tủ này nên có nắp nhẹ với cơ chế đóng mở an toàn (hoặc không có nắp), cũng nên có những lỗ thông khí (phòng trường hợp bé bị khóa ở bên trong). Nhưng tốt hơn hết là bạn không dùng tủ đồ chơi. Nói chung, kệ đồ chơi kiểu mở sẽ an toàn hơn để làm nơi giữ đồ chơi cho bé.
Cũi
Một khi bé nhà bạn bắt đầu cho thấy hứng thú với việc trèo lên (đừng đợi đến khi chúng làm được), đó là lúc nên có một vài sự điều chỉnh cho cũi của bé.
Đống đồ bề bộn dưới sàn nhà
Bạn nên dọn chúng tránh xa lối đi để đề phòng việc trượt chân. Hãy lau dọn những vũng nước và nhanh chóng thu nhặt giấy tờ.
Gara xe, tầng hầm và những nơi chứa đồ dùng nguy hiểm
Hãy khóa chúng lại và giữ không cho bé đến vì những nơi này luôn chứa nhiều thứ nguy hiểm và những chất độc hại.
Ngoài ra, những nơi có các vật dụng nguy hiểm, dễ vỡ, như phòng khách có để bộ ấm tách. Bạn hãy dựng một hàng rào chắn để giữ bé không lại gần hoặc cất các vật dụng đó đi để giữ an toàn cho bé khi ở nhà nhé.
Mời bạn tiếp tục theo dõi phần 2 về việc cẩn thận các vật dụng khi nhà có em bé.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!