Cảnh giác tăng huyết áp do thuốc

Cần biết - 11/24/2024

Cho đến nay, nguyên nhân gây tăng huyết áp vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn. Tuy vậy, có một số yếu tố có nguy cơ cao đối với tăng huyết áp như nghiện thuốc lá...

Cho đến nay, nguyên nhân gây tăng huyết áp vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn. Tuy vậy, có một số yếu tố có nguy cơ cao đối với tăng huyết áp như nghiện thuốc lá, nghiện cà phê, người thường xuyên ăn mặn, tuổi cao. Ngoài ra, tăng huyết áp có thể do dùng một số thuốc xảy ra ở người chưa từng tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp ở người đang sẵn có bệnh này (trường hợp này rất nguy hiểm). Vì vậy, cần cẩn thận khi dùng một số thuốc có khả năng làm tăng huyết áp.

Những thuốc thường gây tăng huyết áp

Thuốc sủi: Thông dụng nhất là thuốc giảm đau, hạ sốt chứa thành phần paracetamol (acetaminophen) hoặc thuốc có chứa natri (thuốc điều trị bệnh dạ dày bicarbonat), trong đó chứa nhiều ion natri (Na+). Ion natri không gây co cơ trơn thành tiểu động mạch nhưng kéo ion canxi (Ca+2) vào nội bào. Chính ion canxi khi vào nội bào nhiều sẽ gắn kết với phức tropomin C, làm thay đổi cấu trúc không gian của phức này, bộc lộ actin, tạo điều kiện cho actin kết hợp với myosin gây nên co cơ. Sự co cơ thành tiểu động mạch tăng lên sẽ cản trở lưu thông máu dẫn tới tăng huyết áp.

Cảnh giác tăng huyết áp do thuốc

Lưu ý tác dụng phụ tăng huyết áp khi dùng thuốc tránh thai, giảm cân, NSAIDs...

Thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, felden, miloxicam... cũng có thể gây tăng huyết áp do thuốc này làm thay đổi nồng độ của chất prostaglandins có nghĩa là làm thay đổi giá trị đo huyết áp, huyết áp sẽ tăng. Loại thuốc kháng viêm được dùng khá phổ biến trong điều trị bệnh khớp, dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn là corticoid. Loại này có tác động lên sự chuyển hóa giữ muối và nước, làm cho nước trong máu, trong dịch gian bào tăng, làm tăng glucose máu dẫn tới tăng huyết áp.

Một nhóm thuốc có tác dụng giãn phế quản, mao mạch thường dùng trong chống nghẹt mũi (ephedrine, phenylephrin, pseudoephedrin), có tác dụng phụ là cường giao cảm làm cho tim đập nhanh, co mạch ngoại vi, gây tăng huyết áp.

Thuốc tránh thai: Các viên thuốc tránh thai hỗn hợp estrogen và progesteron có khuynh hướng làm tăng huyết áp, trung bình mức độ tăng là 5/3mmHg. Cơ chế gây tăng huyết áp chưa rõ nhưng huyết áp sẽ trở về mức độ bình thường sau khi ngừng dùng thuốc, tuy nhiên cần nhiều thời gian, có khi tới 18 tháng. Nếu quá 18 tháng mà huyết áp không trở về bình thường thì sự tăng huyết áp không phải do thuốc tránh thai. Với một số phụ nữ, sau khi dùng viên thuốc tránh thai hỗn hợp được vài tháng thậm chí vài năm, huyết áp mới bắt đầu tăng nhanh. Viên thuốc tránh thai chỉ chứa có progesteron thì không gây tăng huyết áp.

Một số thuốc giảm cân: Có thể gây tăng huyết áp, bởi vì trong thành phần của các loại thuốc này có chứa những dược thảo gây tăng huyết áp như guanara, yerba... Một số loại thuốc giảm cân cũng có chứa cafein, vì vậy sẽ gây ra nhịp tim bất thường và làm tăng huyết áp. Không nên tự ý mua các loại thuốc giảm cân để sử dụng, nhất là thuốc có chứa cafein đối với những người có khuynh hướng cao huyết áp. Bởi vì, cafein là một chất thuộc nhóm xanthin có tác dụng làm tăng khối lượng máu do tim phát ra, vì vậy là thuốc được sử dụng trong cấp cứu khi bị trụy tim mạch nhằm nâng huyết áp (làm cho huyết áp tăng lên). Với cafein, ngay cả khi uống cà phê cũng có thể làm cho huyết áp tăng.

Ngoài ra, một số thuốc giảm đau có chứa cafein hoặc thuốc điều trị bệnh Parkinson hoặc một số loại thuốc ngừa thai cũng có thể gây tăng huyết áp nhẹ ở một số phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi.

Thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm: Hội chứng an thần kinh ác tính (neuroleptic malignant syndrome) thường gặp sau khi dùng các thuốc an thần hoặc một số thuốc khác, như các thuốc chống trầm cảm, có thể ảnh hưởng đến chức năng điều hòa huyết áp. Các triệu chứng điển hình trong hội chứng này gồm có: Thay đổi trạng thái tâm thần, cứng cơ, nhịp tim nhanh, mất ổn định trong các hệ tự động như huyết áp dễ thay đổi, thường là tăng huyết áp. Một số thuốc chống trầm cảm như các thuốc chống trầm cảm ba vòng, các thuốc ức chế tái thu hồi serotonin và nhiều loại thuốc khác có thể gây tăng huyết áp hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp sẵn có.

Lời khuyên của thầy thuốc

Do có một số thuốc có thể làm tăng huyết áp cho dù người sử dụng chưa có tiền sử bệnh nên cần hết sức chú ý khi dùng, đặc biệt là người đã hoặc đang bị bệnh vì dùng các thuốc này gây gia tăng tình trạng tăng huyết áp sẽ nguy hiểm hơn. Do đó, khi muốn dùng thuốc cần có chỉ định và tư vấn của bác sĩ. Ví dụ, dùng thuốc uống ích lợi hơn thuốc tiêm hoặc dùng dạng xịt, hít hay hơn dùng uống, tiêm (dùng corticoid trong bệnh hen) hoặc người đang bị bệnh tăng huyết áp không dùng viên sủi. Một số loại đồ ăn, uống, cho dù không phải thuốc nhưng có thể làm tăng huyết áp như thực phẩm chứa nhiều muối (cà muối, dưa muối...) cà phê, cũng nên hạn chế sử dụng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!