Nhận biết một số tác hại của thuốc

Cần biết - 04/25/2024

Bất kỳ một loại thuốc nào đều có thể gây ra các tác dụng phụ, có thể từ nhẹ đến nặng. Khi dùng thuốc người bệnh cần nhận biết được để ứng phó, xử lý thích hợp. Một số bất lợi sau thường gặp khi dùng thuốc.

Bất lợi trên đường tiêu hóa

Do hầu hết các thuốc đều được hấp thu qua hệ tiêu hóa, nên tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là các vấn đề tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy và viêm loét đường tiêu hóa (viêm loét thực quản, viêm loát dạ dày - tá tràng…).

Mặc dù buồn nôn và nôn không phải là những tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng tiềm ẩn các nguy cơ gây ra các vấn đề y tế khác như mất nước và làm tổn thương thực quản (gây loét thực quản dẫn tới những biến chứng khó lường).

Các thuốc thường gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa có thể kể đến là thuốc chống viêm không steroid (diclofenac, phenybutazol, indomethacin, ibuprofen, meloxicam, entodolac, tenoxicam...) là những thuốc đứng đầu về việc gây hại cho hệ tiêu hóa.

Mặc dù chúng có tác dụng chống viêm, hạ sốt, giảm đau rất hiệu quả nhưng cũng có thể gây viêm loét và chảy máu, thậm chí là làm thủng dạ dày, ruột vô cùng nguy hiểm. Biến chứng xảy ra phụ thuộc vào thời gian sử dụng thuốc, nồng độ và sự kết hợp thuốc.

Thứ hai là thuốc ức chế phân hủy serotonin. Đây là một loại thuốc dùng để điều trị bệnh trầm cảm, tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là tai biến chảy máu tiêu hóa (chảy máu dạ dày).

Thứ ba là thuốc kích thích tiêu hóa chiết xuất từ men của dạ dày, tụy. Đây là loại thuốc mang đến hiệu quả tích cực đối với những người bị các chứng bệnh như viêm tụy hay viêm dạ dày mạn tính. Nhưng nếu dùng quá liều, loại thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ gây ra viêm loét bởi lớp niêm mạc đã bị tiêu hủy, đồng thời có thể gây ra biến chứng nặng như thủng và chảy máu dạ dày.

Nhận biết một số tác hại của thuốc

Hình ảnh viêm loét dạ dày - tá tràng.

Thứ 4 là kháng sinh đường uống (metronidazol, erythromycin, cephalosporin, spiramycin, tetracyclin...), các loại thuốc thuộc nhóm này có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh, nhưng cũng tiêu diệt luôn cả những khuẩn có lợi gây ra rối loạn hệ tiêu hóa (đi ngoài,…), đặc biệt là ở người già và trẻ em hoặc có thể gây buồn nôn, nôn…

Thuốc gây chóng mặt, mất ý thức

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là chóng mặt và nôn. Ví dụ như khi dùng các thuốc trị bệnh mạn tính như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp...

Các loại thuốc này ức chế sự chuyển hóa men trong cơ thể và dẫn đến chóng mặt hoặc nếu dừng thuốc một cách đột ngột cũng có thể gây ra tình trạng này.

Biểu hiện của chóng mặt có thể là cảm thấy choáng, mất phương hướng hoặc mất cân bằng, hoặc mất ý thức trong một thời gian ngắn… Đây là những tác dụng phụ mà người dùng phải hết sức cảnh giác…

Tổn thương da do thuốc

Đây là biểu hiện của dị ứng thuốc mà người bệnh dễ dàng nhận biết. Các biểu hiện trên da thường xuất hiện sau khi uống thuốc là:

Mày đay: Là các sẩn đỏ phù nề, ngứa nhiều. Sau khi dùng thuốc từ 5-10 phút, thậm chí là vài ngày, trên da nổi ban. Mày đay cấp diễn biến trong khoảng 1 tuần, kéo dài hơn 3 tuần là đã chuyển thành mạn tính.

Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là kháng sinh, đặc biệt là penicillin, captopril và các thuốc ức chế men chuyển khác, thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs)…

Ban đỏ: Là dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng một tuần và tồn tại đến một vài tuần. Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là: ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, carbamazepine, cefaclor…

Viêm da bong vảy: Dạng tổn thương này tuy ít gặp (với biểu hiện đỏ da bong vảy và ngứa toàn thân), nhưng bệnh có thể tiến triển nặng và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Dạng này thường xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại trong 3 - 4 tuần sau đó. Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: allopurinol, thuốc chống sốt rét, giảm đau, hạ nhiệt, carbamazepine, penicillin, streptomycin, chloramphenicol, tetracyclin và sulfonamide.

Phù Quincke: Là tình trạng phù cục bộ, có thể do kháng sinh, vắc-xin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid... Sau khi dùng thuốc, phù thường xuất hiện nhanh ở những vùng da mỏng như môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục...

Kích thước phù Quincke thường to, có khi bằng bàn tay, nếu ở gần mắt làm cho mắt híp lại, ở môi làm môi sưng to, biến dạng. Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay.

Khiến da nhạy cảm ánh nắng: Khi dùng một số loại thuốc như: thuốc ức chế men chuyển, NSAIDs, quinolone, nalidixic acid, phenothiazine, tetracycline, griseofulvin, amiodarone, sulfonamide và thiazide thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và dễ bị tổn thương khi gặp ánh nắng như: Da đỏ giống bị bỏng, sạm da, đen da hoặc mất sắc tố da…

Vị trí thường gặp là ở các vùng da hở (mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân). Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!