Chảy máu cam là chuyện thường gặp ở các mẹ bầu, đặc biệt là ở giai đoạn từ tháng thứ 4 trở về sau. Khoảng 20% mẹ bầu sẽ bị chảy máu cam, trong khi ở các phụ nữ không mang thai thì tỉ lệ đó là 6%.
Nguyên nhân nào khiến chảy máu cam lại phổ biến ở phụ nữ mang thai?
Đó là do khi mang thai, các hormone được tiết ra trong thai kì là estrogen và progesterone làm các mạch máu giãn rộng ra. Lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên để đáp ứng cho cả mẹ và thai nhi, lượng máu này sẽ tạo áp lực lên các mạch máu mỏng manh ở mũi, dẫn đến chảy máu cam.
Các nguyên nhân khác khiến cho mẹ bầu bị chảy máu mũi là do ngoáy/hỉ mũi hoặc cấu trúc mũi bị bất thường (có thể là do bẩm sinh hoặc do chấn thương). Mẹ bầu cũng có thể bị chảy máu mũi nếu sống ở môi trường có độ ẩm thấp hoặc mắc các bệnh như cảm lạnh hoặc dị ứng. Các loại thuốc cũng có thể làm cho mẹ bầu chảy máu cam như aspirin, warfarin, enoxaparin, clopidogrel hoặc các thuốc chống viêm không steroid. Ngoài ra bạn cũng nên cẩn thận đối với các loại thuốc kháng histamin, thuốc làm thông mũi và các loại thuốc xịt mũi.
Một số vấn đề sau cũng có thể làm cho mẹ bầu chảy máu mũi nhiều lần là vỡ mạch máu mũi, các khối u (lành tính hoặc ác tính) ở mũi hoặc ở xoang, một số bệnh lý có ảnh hưởng đến tính chất đông của máu. Các mạch máu bất thường ở mũi như trong hội chứng Osler-Weber-Rendu cũng có thể làm cho bạn bị chảy máu cam nhiều lần. Hội chứng này là bệnh di truyền và có thể khiến bạn khó kiểm soát tình trạng chảy máu cam.
Nếu bạn chảy máu cam nhiều hơn 4 lần trong một tuần thì hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem bạn có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không. Nếu bạn chảy máu cam từ 2-3 lần trong một tuần thì có thể nguyên nhân là do bạn đang mắc phải một căn bệnh mạn tính nào đó như dị ứng chẳng hạn.
Mẹ bầu phải làm sao để ngăn máu chảy?
Khi bị chảy máu cam, các mẹ bầu nên ngồi xuống và bịt chặt phía trên cánh mũi rồi thở bằng miệng. Sau đó giữ chặt trong vòng 10-15 phút. Nên cúi người về phía trước, mục đích là để máu còn đọng lại chảy ra khỏi lỗ mũi, ngăn máu chảy ngược lại vào trong họng và dạ dày. Dân gian Việt Nam lại có quan niệm là ngửa đầu về sau để máu chảy ngược vào trong, đây là điều hoàn toàn KHÔNG NÊN làm, vì nếu máu chảy vào họng với lượng nhiều sẽ gây kích thích đường thở rất nguy hiểm. Nếu bạn bị chóng mặt thì hãy nằm nghiêng qua một bên nhé.
Mẹ bầu nên nhớ canh thời gian chảy máu. Hầu hết các cơn chảy máu mũi sẽ ngưng trong vòng 20 phút, nếu thời gian này kéo dài hơn thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay.
Khi máu đã ngưng chảy, để tránh bị lại thì trong vòng 24 tiếng mẹ bầu KHÔNG nên nằm ngửa, luyện tập hoặc làm những việc nặng. Bạn cũng không nên làm việc nặng hoặc tập thể thao, uống bia rượu hoặc những thức uống nóng vì chúng có thể làm cách mạch máu ở mũi giãn ra.
Làm gì để mẹ bầu phòng ngừa chảy máu cam?
Mẹ bầu không nên để cho mũi bị khô hoặc ở trong môi trường có độ ẩm thấp như các phòng có máy lạnh. Nếu bạn phải làm việc trong máy lạnh nhiều thì hãy sử dụng máy tạo độ ẩm. Đồng thời, bạn cũng không nên ngoáy hay móc mũi vì điều này sẽ làm tổn thương đến mũi, khiến cho bạn dễ bị chảy máu cam. Ngoài ra, mẹ bầu nên uống nhiều nước để giúp các niêm mạc và các mô trong mũi không bị mất nước nhé.
Chảy máu cam có ảnh hưởng gì đến thai kỳ không?
Chảy máu cam khi mang thai hiếm khi nguy hiểm. Tuy nhiên nó có thể làm tăng nguy cơ bị băng huyết sau sinh. Nghiên cứu cho thấy 10% phụ nữ bị chảy máu mũi khi mang thai sẽ bị băng huyết sau sinh. Trong khi ở nhóm các phụ nữ không bị chảy máu cam thì tỉ lệ đó là 6%. Tuy vậy, vẫn chưa chắc chắn chuyện chảy máu cam khi mang thai sẽ dẫn đến biến chứng này.
Chảy máu mũi rất hiếm khi làm ảnh hưởng đến cách sinh con. Tuy nhiên, nếu bạn chảy máu cam nặng và kéo dài đến tận 3 tháng cuối của thai kỳ thì có thể bạn sẽ phải sinh mổ.
Khi nào thì mẹ bầu cần đi bệnh viện?
Nếu bạn đã bịt chặt mũi trong suốt 20 phút mà máu vẫn chưa ngưng chảy, hoặc trường hợp máu chảy rất nhiều và chảy ra từ miệng thì rất khó để tự cầm máu được nên bạn nên đến bệnh viện ngay để được hỗ trợ kịp thời.
Các mẹ bầu hãy an tâm vì mặc dù chảy máu cam có hơi phiền phức nhưng đây chỉ là tình trạng nhất thời mà thôi và sẽ tự khỏi sau khi sinh con đấy.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Bị cảm lạnh khi mang thai có nên dùng thuốc?
- 12 cách giảm bớt tình trạng ốm nghén
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!