Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi ghép thận

Người bệnh ăn gì - 11/24/2024

Sau phẫu thuật ghép thận, bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, để phục hồi và duy trì sức khỏe, người bệnh cần hết sức cẩn trọng trong ăn uống, sinh hoạt và tuân thủ chặt chẽ những quy định trong điều trị.

Ăn uống

Sau khi ghép thận, cơ thể đòi hỏi nhiều protein hơn để phục hồi nhanh hơn và cải thiện hệ miễn dịch. Ngoài ra, những bệnh nhân trước đây từng chạy thận nhân tạo chỉ được hấp thu ít protein thì sau khi ghép thận được khuyến nghị tăng cường protein.

Tuy nhiên, việc bổ sung protein trong giai đoạn đầu ở mỗi người cũng khác nhau. Trong phần lớn các trường hợp sau ghép thận, bệnh nhân dần hồi phục cảm giác thèm ăn, do vậy, không cần bất cứ chế phẩm bổ sung nào. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cảm thấy lượng protein hấp thu của mình chưa đủ thì có thể tiếp tục dùng các chế phẩm bổ sung sau cấy ghép nhưng chỉ sau khi đã tư vấn bác sĩ chuyên khoa thận.

Không giống như quan niệm sai lầm phổ biến trước đây là bệnh nhân ghép thận có thể ăn tất cả mọi thứ sau khi ghép thận, người bệnh cần tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt phụ thuộc vào sự hồi phục và sức khỏe toàn thân. Bệnh nhân có thể bắt đầu ăn bình thường sau 3-6 tháng ghép thận vì đây là thời gian trung bình cần để ức chế miễn dịch ổn định trở lại và có nguy cơ thấp.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi ghép thận

Sau ghép thận, bệnh nhân cần bổ sung thêm lượng protein nhưng không nên ăn cùng các loại salad vì tránh ăn rau sống.

Ăn đồ đã nấu chín. Không ăn đồ sống, đồ biển (dễ nhiễm khuẩn E.colilegionella), nước chưa đun sôi, sữa tươi, rau quả đã dập nát. Không nên ăn các loại đồ nóng, đậu các loại.

Kiêng rượu và các đồ uống có cồn khác.

Thực hiện chế độ ăn điều độ, ít muối, chất béo và đường. Cụ thể là: đạm 0,55-1g/kg; dầu cá: 3-6g (dầu cá tốt cho lọc cầu thận); muối: 2-3g; vitamin C: hơn 100mg (vitamin C giúp tránh lắng đọng oxalate ở thận ghép).

Sinh hoạt cá nhân

Theo dõi tình trạng sức khỏe chung và thận ghép, bao gồm theo dõi nước tiểu trong 24 giờ và tình trạng các bệnh kèm theo (tăng huyết áp, tiểu đường, bướu cổ, viêm gan…). Bệnh nhân tăng huyết áp phải có sổ tự theo dõi huyết áp.

Thường xuyên luyện tập sức khỏe để đề phòng rối loạn dị hóa đạm, yếu cơ, tăng mỡ trong máu, béo phì, loãng xương…

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Khi ra ngoài trời phải mang khẩu trang, đội nón. Dùng kem chống nắng khi đi biển hoặc khi phải ở ngoài trời nhiều giờ liên tục.

Tránh để mắc cảm cúm, tránh gần những người bị các bệnh truyền nhiễm; các loại gia súc, gia cầm.

Môi trường trong nhà cần sạch sẽ, thoáng mát. Không nuôi chim, súc vật nếu không thể kiểm soát lây nhiễm. Với môi trường bên ngoài, cần tránh khu vực ô uế, đám tang người có bệnh truyền nhiễm, nơi đông người (nhất là trong mùa có dịch bệnh hô hấp).

Những điều cần lưu ý

Bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời. Do loại thuốc này có độc tính cao.

Bệnh nhân không được tự ý:

- Ngừng uống thuốc vì tác dụng phụ hay vì cảm thấy đã khoẻ mạnh.

- Thay đổi liều lượng thuốc cũng như thời gian uống thuốc.

- Uống gấp đôi liều lượng thuốc khi lỡ quên một liều mà phải báo ngay cho bác sĩ của bạn.

- Uống thuốc mà không được chỉ dẫn hoặc ghi đơn của bác sĩ theo dõi sau ghép cho bạn kể cả các loại thuốc cảm cúm thông thường.

- Uống thuốc nếu có nghi ngờ rằng thuốc đó không giống với lần trước bệnh nhân đã mua.

BS. Trần Anh Ngọc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!