Chữa nói lắp cho trẻ: Cha mẹ rất quan trọng

Nuôi dạy con - 03/28/2024

Thông qua các trò chơi và sinh hoạt hàng ngày, các bậc phụ huynh có vai trò quyết định trong việc điều trị chứng nói lắp của trẻ.

Nói lắp (nói cà lăm) là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó có sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải. Chứng nói lắp cũng có tính di truyền.

Trẻ nói lắp - Vì sao?

Nguyên nhân của nói lắp hiện nay vẫn chưa rõ. Một vài giả thuyết cho rằng có thể nói lắp là do tổn thương nào đó ở vùng ngôn ngữ của não. Nhưng có nhiều ý kiến đề cập đến yếu tố tâm lý trong việc nói lắp vì người ta thường nói lắp khi tâm trạng căng thẳng, hồi hộp hay lo lắng, run sợ... hoặc vì tò mò, thích bắt chước người khác nói lắp, hoặc thường tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, kết quả tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp. Bị quở phạt hay uy hiếp quá mức, hoặc tinh thần bị tổn thương mà gây nên nói lắp.

Tật nay hay xảy ra ở trẻ tập nói, từ 2,5 - 3 tuổi. Khoảng 80% số trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn. Trẻ nói lắp vì nhu cầu ngôn ngữ của các em quá lớn trong khi khả năng ngôn ngữ lại có hạn. Trẻ hạn chế vốn từ vựng và kỹ năng ngữ pháp trong khi lại luôn muốn diễn đạt rất nhiều nhu cầu, ý kiến của mình. Trẻ nói lặp đi lặp lại, kéo dài, về sau thành cung phản xạ, vi xử lý trung ương ở vỏ não gián đoạn và thành vòng xoắn bệnh lý. Đôi khi, tình trạng nói lắp của trẻ có thể tiến triển nặng khi người lớn có thái độ không đúng: như trách móc, quát mắng, chỉnh sửa không phù hợp... Khi đó, trẻ sẽ tránh nói hoặc phải dùng sức rất nhiều khi nói, khiến mất hẳn từ.

Chữa nói lắp cho trẻ: Cha mẹ rất quan trọng

Trẻ nói lắp vì nhu cầu ngôn ngữ của các em quá lớn trong khi khả năng ngôn ngữ lại có hạn (Ảnh: Internet)

Đối với trẻ em, việc can thiệp điều trị là vô cùng quan trọng, để trẻ không chỉ sớm khắc phục được tật nói lắp, mà còn để các em không phải gặp khó khăn lâu dài với chứng tật đầy bất lợi này khi lớn lên. Có một số những chiến lược điều trị nhất định sẽ giúp trẻ vừa cải thiện được khả năng nói, vừa giúp các em hình thành thái độ tích cực và không e sợ việc giao tiếp nữa. Nhiều chuyên gia khuyến cáo rằng: các bậc cha mẹ cần phải lưu tâm ngay khi trẻ có dấu hiệu nói lắp kéo dài từ 3 - 6 tháng, hoặc có biểu hiện khó khăn khổ sở trong việc giao tiếp, hoặc có người thân trong gia đình cũng có tật nói lắp hay các rối loạn về giao tiếp khác. Một số chuyên gia khác lại cho rằng trẻ nhỏ cần được chẩn đoán tật nói lắp định kỳ 3 tháng/lần, vừa để phát hiện sớm tật nói lắp, vừa để theo dõi xem tật nói lắp có dấu hiệu trầm trọng hơn hay thuyên giảm đi hay không.

Chữa cho trẻ nói lắp - Bố mẹ cần kiên nhẫn

Các bậc cha mẹ phải đóng vai trò chủ đạo trong việc giúp con mình khắc phục tật nói lắp và rèn luyện kỹ năng giao tiếp lưu loát. Cụ thể, các ông bố, bà mẹ nên tạo bầu không khí thoải mái, không làm áp lực hay phán xét để trẻ có thể nói chuyện một cách cởi mở, tự nhiên. Việc này cần phải được xác lập một khoảng thời gian phù hợp trong ngày, tốt nhất là vào thời điểm trẻ cảm thấy háo hức và có nhiều điều muốn chia sẻ với bố mẹ nhất.

Không nên có những phản ứng tiêu cực khi trẻ nói lắp. Thay vào đó, bố mẹ nên nhìn nhận tật nói lắp của trẻ một cách công bằng như những khó khăn khác trong cuộc sống mà trẻ sẽ gặp phải trên đường đời. Hãy giúp trẻ sửa chữa sự lắp bắp một cách dịu dàng, đầy thiện chí và khen ngợi mọi nỗ lực nói lưu loát của trẻ. Đừng tạo áp lực hay yêu cầu trẻ phải nói được như thế này thế kia, đặc biệt với những trẻ có tính cách nhạy cảm và dễ lúng túng khi phải đối mặt với áp lực lớn. Trò chuyện với trẻ một cách chậm rãi và từ tốn. Bản thân trẻ có tật nói lắp sẽ cảm thấy tự ti và áp lực hơn nếu bạn nói quá lưu loát hoặc quá nhanh.

Lắng nghe trẻ một cách tập trung và kiên nhẫn đợi các em nói hết câu trước khi hồi đáp. Đừng nóng vội hoàn thành câu chuyện thay cho trẻ. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng, trong cuộc sống có rất nhiều người vẫn thành đạt và giỏi giang dù họ mắc phải tật nói lắp. Mỗi khi bé hỏi bạn về tật nói lắp của mình, hãy trò chuyện và tham vấn cho trẻ một cách chân thành. Hãy động viên bé rằng tật nói lắp thực ra cũng như bao vấn đề khó khăn trong cuộc sống, rằng nó không phải là một điều gì quá ghê gớm và hoàn toàn có thể vượt qua được nếu trẻ cố gắng.

Bài tập dạy cho các phụ huynh có trẻ bị nói lắp

Khi nói chuyện với bé, luôn nhớ phải mặt đối mặt với bé phải ngồi hoặc nằm xuống ngang tầm với bé để bé chú ý đến mình và phải:

A. Xem thái độ của bé.

B. Phải chờ xem bé nói gì.

C. Nghe bé nói, không đoán.

Hãy cho trẻ một lý do để giao tiếp với mình và phải 'CHỜ', thí dụ như:

- Muốn lấy một vật gì đó ở xa.

- Cho trẻ chọn lựa: 'Con muốn ăn táo hay chuối'.

- Giả bộ khờ khạo: bé chọn ăn chuối nhưng đưa bé trái cam và cười.

- Chơi với con mà không dùng đến đồ chơi. Thí dụ: nhấc con lên xuống, nhong nhong nhong...

Chữa nói lắp cho trẻ: Cha mẹ rất quan trọng

Trẻ cần được chẩn đoán tật nói lắp định kỳ 3 tháng/lần (Ảnh: Internet)

Hãy theo sự chỉ dẫn của con:

A. Để ý những gì con thích hay chú ý đến.

B. Giải thích, diễn tả những vật dụng con đã chú ý đến.

C. Bắt chước làm theo bé.

D. Hướng dẫn bé làm theo mình.

Tập chơi với trẻ:

A. Lặp lại những gì mình nói và làm. Thí dụ: cho bé chơi nhảy từ trên ghế xuống, luôn bắt đầu trò chơi bằng 1 câu nói như: chuẩn bị, sẵn sàng, bắt đầu để bé quen thuộc.

B. Để cho trẻ có cơ hội tự thể hiện mình hay lặp lại những hành động của người lớn. Thay phiên với nhau giữa người lớn và trẻ em.

C. Hướng dẫn trẻ rẽ theo ý người lớn, mình phải chỉ cho bé đến lượt bé phải làm thế nào. Thí dụ: khi đang chơi trò tốc con lên trên rồi thả xuống đất, trước khi nhấc lên mình phải nói trước 'lên' và cũng nói 'xuống' trước khi thả bé xuống. Sau vài lần như thế, mình tự để trẻ nói 'xuống' trước rồi mình mới làm tư thế trên.

D. Tiếp tục trò chơi bằng sự phấn khởi để bé không bị nhàm chán.

Quy tắc 4S:

A. Say less: không nói nhiều, ngắn gọn dễ hiểu.

B. Stress and go: nhấn mạnh những từ chính để trẻ hiểu.

C. Slow: chậm rãi, sau mỗi câu mình phải ngừng lại một chút để trẻ thấu hiểu.

D. Show: hành động để trẻ thấy để trẻ có thể bắt chước mình.

Nhớ phải lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần thì trẻ mới quen thuộc được. Dùng những hình ảnh để hướng dẫn trẻ dễ dàng hơn. Thí dụ: dán những hình nhỏ và chỉ cho bé cách vệ sinh cá nhân như thế nào, rửa mặt, súc miệng, đi toilet, rửa tay...

BS. Từ Tấn Tài

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!