Trong đó, một biện pháp được nhiều gia đình kỳ vọng, đó là sử dụng thuốc bổ hoặc thực phẩm chức năng, được quảng cáo về hiệu quả cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, công dụng của thuốc “bổ não” là gì, sử dụng nó ra sao và khi nào mới được dùng... thì không phải ai cũng nắm được.
Thuốc cải thiện trí nhớ là gì?
Não có thể hoạt động được là nhờ vào hàng tỷ chất dẫn truyền xung thần kinh và thụ thể. Những hoạt chất được gọi là nootropics (chất cải thiện khả năng hoạt động của hệ thần kinh), giúp cải thiện chất lượng dẫn truyền xung thần kinh, nên có thể giúp cải thiện khả năng nhận thức, thường được dùng để tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung và làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức, mất trí nhớ cũng như chứng sa sút trí tuệ do lão hóa. Dựa trên cơ chế hoạt động, nootropics có thể được chia thành nhiều dạng như:
Nootropics tự nhiên: Là những chất có chiết xuất từ thực vật, các nootropics tự nhiên giúp não thực hiện chức năng tốt hơn nhưng hiệu quả vẫn thấp hơn so với các dạng sinh tổng hợp.
Racetams: Là những chất tác động vào acetylcholine trong não hoặc kích thích các thụ thể giải phóng acetylcholine, giúp cải thiện trí nhớ, nhận thức và khả năng tập trung. Đây là một trong những nootropics được sử dụng đầu tiên và vẫn được bán rộng rãi cho đến bây giờ. Các racetams điển hình bao gồm piracetam, aniracetam, oxiracetam, pramiracetam, phenylpiracetam.
Không nên lạm dụng thuốc để tăng cường trí nhớ.
Choline: Vì racetams giúp giải phóng acetylcholine, việc bổ sung các chất có khả năng tăng cường sinh tổng hợp acetylcholine sẽ đảm bảo đủ acetylcholine khi các thụ thể được kích hoạt. Alpha GPC, citicholine và centrophenoxine là những nguồn bổ sung choline phổ biến. Choline cũng có nhiều trong trứng, thịt và hải sản.
Ampakines: Là một trong những nootropics mạnh, nhóm thuốc này tác động và làm tăng hàm lượng của glutamate trong máu. Glutamate là một chất dẫn truyền trung gian, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính dẻo dai của xi náp (synaptic plasticity) thần kinh.
Các dẫn xuất của vitamin B: Sulbutiamine - một dẫn xuất của vitamin B1, là một trong những thuốc được dùng phổ biến để tăng cường trí nhớ và tăng khả năng tập trung hiện nay. Cơ chế chủ yếu của nhóm thuốc này là tăng cường sự dẫn truyền của choline, glutamate và dopamine.
Peptides: Được xem là nootropics mạnh nhất, trong đó noopept - một ví dụ của nhóm thuốc peptides có hoạt lực mạnh gấp 1.000 lần so với piracetam.
Cảnh báo về việc lạm dụng thuốc
Các thuốc nootropics được sử dụng đầu tiên vào những năm 70 của thế kỷ trước và ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, các thuốc nootropics chỉ được kê toa bởi các bác sĩ có chuyên môn và thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân có vấn đề về khả năng nhận thức như Alzheimer’s, sa sút trí tuệ và tăng động suy giảm ở trẻ em (ADHD). Việc lạm dụng các thuốc tác động lên hệ thần kinh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng theo thời gian.Nootropics có thể gây ra những tác dụng phụ lên hệ thần kinh (đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ) và hệ tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy)...
Tuy nhiên, áp lực thi cử cùng với sự xáo trộn thói quen sinh hoạt trong suốt quá trình ôn luyện, nên có khá nhiều học sinh và sinh viên đã lạm dụng các thuốc hỗ trợ khả năng ghi nhớ và tập trung trong mùa thi để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Nhưng sau kỳ thi hầu như các học sinh này rơi vào trạng thái mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ và khó tìm lại được nhịp sinh học bình thường sau mùa thi.
Bên cạnh đó, mặc dù các thuốc như piracetam không có tính chất gây nghiện, nhưng hầu hết những người sử dụng đều cho rằng việc sử dụng thuốc khiến họ cảm thấy hưng phấn, tự tin và bớt lo âu. Điều này khiến họ dần hình thành thói quen dùng thuốc vì muốn tìm lại cảm giác tập trung tinh thần và sự minh mẫn khi làm việc nên dễ lạm dụng.
Biện pháp nào để tăng cường trí nhớ?
Các nhà khoa học đã chứng minh độ tuổi 19-25 là giai đoạn não đang phát triển tốt và khả năng tiếp nhận thông tin còn rất nhanh nhạy, nên hạn chế sử dụng các thuốc tăng cường trí nhớ. Mặc dù khi thuốc được sử dụng rộng rãi ngoài thực tiễn thì đã được trải qua một giai đoạn dài kiểm tra nghiêm ngặt về tính an toàn trên người. Tuy nhiên, nếu não bộ đã phải chịu quá nhiều áp lực từ những con số và sự kiện, mà lại còn phải gồng gánh thêm những hiệu ứng từ thuốc để có thể được sự tập trung và ghi nhớ như mong muốn, thì chắc hẳn sau giai đoạn đó, bộ não trở nên mệt mỏi do quá tải là điều không thể tránh khỏi. Do đó, các bạn học sinh, sinh viên nên có một kế hoạch học tập lâu dài, đảm bảo đủ thời gian ôn luyện trước khi thi. Chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày cũng nên được chú trọng, các phương pháp giúp não bộ có thể tập trung hơn như thiền định mỗi ngày hoặc có thời gian nghỉ sau mỗi 45-60 phút học cũng nên được áp dụng để có thể có được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, các tài liệu học cũng nên được sắp xếp theo hệ thống để dễ ôn bài, tận dụng tối đa việc sử dụng hình ảnh và sơ đồ để lược giản nội dung học để tối ưu hóa giai đoạn gần kề ngày thi. Và cuối cùng, vẫn phải đảm bảo một giấc ngủ sâu để não có thể ghi nhớ lại những thông tin vừa học được. Việc sử dụng thuốc hỗ trợ không phải xấu, nhưng cần hạn chế lạm dụng nhất là ở độ tuổi trí não vẫn đang phát triển tốt. Trong mọi trường hợp nếu muốn dùng thuốc để tăng cường trí nhớ, sự tham vấn của bác sĩ vẫn nên là lựa chọn đầu tiên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!