12 năm miệt mài đèn sách, đến hẹn lại lên, các sĩ tử đang vào giai đoạn chạy nước rút cho kỳ thi đại học, cao đẳng. Việc gìn giữ sức khỏe trong quá trình ôn luyện cũng như đến ngày thi là vô cùng quan trọng, đôi khi quyết định thành - bại của cuộc thi. Trang bị những kiến thức cần thiết để biết cách xử trí trước những tình huống trớ trêu ngoài mong đợi là điều cần thiết cho thí sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Kỳ thi đại học diễn ra trong những ngày hè nắng nóng, thí sinh có thể gặp sự cố về sức khỏe khi đi thi. Ảnh: Trần Minh.
Trước và trong mỗi kỳ thi quan trọng, như thi đại học chẳng hạn, các thí sinh phải chịu áp lực rất lớn cộng với khối lượng bài vở nhiều và việc học tập không khoa học cũng dẫn đến những căng thẳng thần kinh nhất định. Bên cạnh đó, những sai sót không đáng có trong khi làm các bài thi trước đó hoặc những yếu tố về môi trường như phòng thi quá chật chội, nóng nực, thời tiết bất thường... là nguyên nhân của các chứng như đau đầu, mất ngủ, choáng ngất, cơn hystery trước và thậm chí ngay trong khi thi.
Đau đầu mất ngủ với các biểu hiện như đau buốt vùng thái dương, đỉnh đầu, đau theo tiếng mạch đập, căng thẳng kéo dài làm cho cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng “lơ mơ”, muốn ngủ mà không ngủ được, ăn uống kém ngon, mệt mỏi hốc hác, bơ phờ...
Tình trạng này làm cho các em không thể tập trung vào việc chuẩn bị tốt cho ngày thi sắp đến. Để tránh tình trạng này, ngoài việc chuẩn bị tốt kiến thức từ trước đó, thí sinh nên thư giãn 24 tiếng trước thi, nếu đau đầu mất ngủ và căng thẳng quá mức có thể uống các thuốc giảm đau (paracetamol 500mg, 1 viên/lần, không quá 6 viên/ngày) hoặc một chút thuốc gây ngủ nhẹ như sen vông, rotunda, nặng hơn có thể dùng seduxen theo chỉ định của thầy thuốc).
Trường hợp thí sinh bị ngất xỉu trong khi thi, nên nhanh chóng đưa các em tới chỗ thoáng mát, cởi nới bớt trang phục nếu quá chật gây chèn ép lồng ngực và đường hô hấp trên. Có thể làm các động tác như lau mặt bằng nước lạnh, day nhân trung, cấu véo... để kích thích bệnh nhân tỉnh lại. Sau đó, cho các em uống nước mát, nước đường, sữa... và chuyển khám chuyên khoa tim mạch để loại trừ ngất do nhóm nguyên nhân này.
Rối loạn thần kinh chức năng hay cơn hystery cũng hay gặp trong các kỳ thi, nhất là ở các học sinh nữ. Cơn hysteria thường biểu hiện bằng các cơn co giật, co cứng. Bệnh nhân kích thích, giãy giụa, la hét, kêu khóc... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và vẫn nhận biết được xung quanh, mạch huyết áp bình thường. Khi có bệnh nhân bị cơn hysteria, cần cho bệnh nhân nằm nơi thông thoáng. Tuyệt đối tránh nhiều người vào thăm hỏi gây ồn ào, tỏ thái độ quá quan tâm lo lắng làm tăng thêm sự tự ám thị cho bệnh nhân dẫn đến cơn hysteria kéo dài thêm. Có thể điều trị bằng các biện pháp tâm lý như ám thị, thôi miên hoặc dùng giả dược cho bệnh nhân.
Các sĩ tử phải chịu rất nhiều áp lực.
Cơn hạ đường huyết: Việc ăn uống thất thường, không đảm bảo chất lượng là nguyên nhân của những cơn hạ đường huyết. Hạ đường huyết thường xảy ra vào lúc gần trưa hoặc cuối bài thi lúc buổi chiều. Các biểu hiện của hạ đường huyết bao gồm cảm giác cồn cào trong bụng, hoa mắt chóng mặt, bủn rủn chân tay, mạch nhanh, vã mồ hôi, nặng hơn có thể bị co giật. Nếu có biểu hiện như trên, cho các em uống ngay một cốc nước đường, sữa ngọt hoặc ăn kẹo, bánh ngọt để cắt cơn.
Rối loạn tiêu hóa là căn bệnh thường gặp ở sĩ tử khi đi thi. Đau bụng, tiêu chảy cấp là biểu hiện đầu tiên. Bệnh nhân có thể bị sốt nếu có nhiễm trùng, mất nước nặng, sốc tụt huyết áp khi tiêu chảy nhiều lần và kéo dài. Xử trí cấp cứu bao gồm cho bệnh nhân uống oresol theo lượng nước đã mất, pha đúng theo hướng dẫn vì nếu pha sai, uống vào sẽ phản tác dụng, kèm theo uống smecta 2 gói/ngày, chia 2 lần. Kháng sinh dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu rối loạn tiêu hóa đơn thuần (không do nhiễm khuẩn, nhiễm độc) thì có thể dùng thuốc cầm để hạn chế tiêu chảy giúp cho bệnh nhân khỏi mất nước điện giải để có thể tham gia tiếp cuộc thi.
Say nắng nóng: Các thí sinh từ các tỉnh xa về nơi thi dưới trời nóng nực và việc tập trung đông người khi chuẩn bị thi dễ bị chứng say nắng nóng hoặc mắc các bệnh lây nhiễm như sốt virut... Say nắng, say nóng có các biểu hiện như vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác ngẹt thở, thở nhanh nông, đau bụng, nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít, sốt cao có khi tới 440C, da và niêm mạc khô, trụy mạch. Xử trí cấp cứu bằng cách đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm lạnh bằng nước đá khắp người hoặc phun nước lạnh. Sau đó nếu không đỡ, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.
Sốt virut bắt đầu bằng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, chảy nước mắt, hắt hơi sổ mũi. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém do sốt cao, mất nước và điện giải. Xử trí bằng cách cho nằm nơi thông thoáng, hạ sốt bằng chườm mát. Có thể cho các thuốc hạ sốt như paracetamol uống. Cho bệnh nhân ăn cháo, sữa, uống nước mát hoa quả, vitamin C... Xử trí đúng có thể giúp thí sinh tiếp tục tham dự kỳ thi với kết quả như mong muốn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!