Con trai của chị Dung năm nay 7 tuổi và đang học lớp 1. Do sinh vào cuối năm và có thời gian bị ốm nên cậu bé đã học muộn 1 năm. Chị Dung tưởng rằng con trai lớn tuổi hơn nên sẽ không bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Thế nhưng sự thật không phải như vậy.
Cách đây không lâu, chị Dung đón con từ trường về nhà và thấy tâm trạng con có vẻ buồn phiền, chán nản. Ngay cả món đồ chơi yêu thích hàng ngày cậu bé cũng không muốn đụng vào. Chị Dung khéo léo hỏi con trai mới được biết rằng bạn nữ lớp trưởng, 6 tuổi, thường xuyên quát mắng, châm biếm, bắt phạt con.
Lúc đầu chị Dung tỏ vẻ không đồng tình với suy nghĩ của con trai. Chị cho rằng con nên tự trọng và chấp nhận việc một bạn nữ làm cán bộ lớp. Tuy nhiên, con chị vẫn khăng khăng không chịu khuất phục. Đến khi chị nghiêm khắc nhìn con, cậu bé mới thay đổi thái độ.
Con trai chị Dung thường bị bạn nữ lớp trưởng bắt nạt, châm biếm, quát mắng. (Ảnh minh họa).
Vào một ngày thứ 6, chị Dung đến đón con về thì được giáo viên thông báo con trai chị phải ở lại trường 30 phút để làm xong bài tập về nhà. Chị Dung bày tỏ không vui vì con học hành ở trường quá tệ. Tuy nhiên, cậu bé sợ mẹ hiểu lầm nên vội giải thích: 'Tiết cuối cùng cô giáo bảo lớp trưởng chọn một người dọn dẹp hành lang. Bạn ấy bắt mình con đi dọn nên bài tập về nhà con không kịp hoàn thành'.
Khi con trai đang giải thích, chị Dung thấy một cô bé buộc tóc đuôi gà đi đến nói với vẻ tự hào:'Tại sao cậu chưa làm xong bài tập về nhà? Bọn tớ làm xong từ lâu rồi. Cậu đúng là học sinh ngu dốt và chậm chạp'.
Lúc này, chị Dung mới biết đây là cô lớp trưởng 6 tuổi con từng kể. Khi chứng kiến toàn bộ sự việc, chị Dung không hài lòng với thái độ miệt thị của cô bé lớp trưởng. Chị thầm nhủ không biết con trai đã bị bắt nạt bao nhiêu lần rồi.
Trên đường về, chị Dung hỏi con tại sao không chống cự. Cậu bé thật thà thú thật là không biết phải làm gì:'Bạn ấy là lớp trưởng và con phải nghe theo. Mẹ đã nói rằng hãy yêu thương con gái, đừng bắt nạt con gái mà'.
Sau lời giải thích của con trai, chị Dung bỗng ân hận, tự trách móc mình. Chị luôn dạy con tôn trọng người khác, không bắt nạt người yếu hơn nhưng cuối cùng con lại trở thành đối tượng bị bắt nạt. Ngay lập tức, chị liên lạc với giáo viên để cô chú ý hơn đến chuyện con mình.
Tại sao bé trai dễ dàng bị bắt nạt?
Nhiều cha mẹ thấy lúng túng khi con trai mình bị bắt nạt, vì trong nhận thức của mọi người các bé trai thường nghịch ngợm hơn. (Ảnh minh họa).
Trong nhận thức của mọi người, con trai thì nghịch ngợm, con gái mới là nhóm yếu đuối, dễ bị tổn thương. Do đó, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ dạy con trai phải nhường nhịn, tôn trọng, bảo vệ các bạn gái. Thế nên khi con trai rơi vào tình huống bắt nạt sẽ không biết giải quyết thế nào, sự nhượng bộ đôi khi chỉ khiến mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.
Bên cạnh đó, công việc bận rộn khiến nhiều ông bố không có thời gian dạy con và nhường hết cho mẹ. Con trai thiếu sự quan tâm của cha cũng trở nên yếu đuối hơn.
Ngoài ra, con gái thường phát triển sớm hơn con trai. Sự so sánh, ưu tiên của giáo viên dành cho các bé gái dễ khiến bé trai nhụt chí.
Hãy dạy con biết tôn trọng người khác nhưng không để mình bị bắt nạt
- Các mẹ nên dạy con không bắt nạt các bạn gái yếu đuối nhưng ai đó bắt nạt mình thì không được nhẫn nhịn chỉ vì vấn đề giới tính và tuổi tác. Nếu con không biết giải quyết thế nào, hãy nói với cha mẹ hoặc giáo viên can thiệp.
- Hình thành nhân cách của con không chỉ là vấn đề của một mình người mẹ. Bố hãy dành thời gian bên con dù công việc có bận rộn thế nào. Từ bố, con trai có thể học được lòng can đảm, sự kiên trì… dễ dàng hơn từ mẹ. Ngược lại, những đứa trẻ thiếu vắng sự quan tâm của bố có thể trở nên yếu đuối, không tự tin.
- Tập thể dục, chơi thể thao không chỉ giúp con ít ốm vặt mà cơ thể cao lớn, mạnh khỏe giúp con mạnh
- Điều quan trọng, khi con trai bị các bạn gái bắt nạt, cha mẹ không nên cười nhạo con mà chủ động nói chuyện, phân tích cho con hiểu. Đừng để nhẫn nhịn trở thành thói quen in hằn trong đầu con.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!