Đề phòng viêm nhiễm khi sử dụng cốc nguyệt san

Sức khỏe sinh sản - 11/28/2024

So với băng vệ sinh, sử dụng cốc nguyệt san trong những ngày “đèn đỏ” có nhiều tiện dụng. Tuy nhiên, việc tự ý can thiệp vào vùng kín không đúng cách hoặc sử dụng cốc nguyệt san trôi nổi có thể gây viêm nhiễm.

Cốc nguyệt san có dạng hình phễu và được dùng vào những ngày “đèn đỏ” để thay thế cho các loại băng vệ sinh thông dụng. Những chiếc cốc này thường được làm bằng chất liệu mềm dẻo có độ bền cao, nhiều kích cỡ và đặc biệt là tái sử dụng được nhiều lần.

Khi đặt cốc nguyệt san vào trong âm đạo, nó sẽ nhẹ nhàng hút lượng máu kinh chảy ra từ tử cung một cách tự nhiên, không để cho máu kinh tiếp xúc với không khí.

Có thể để cốc nguyệt san trong khoảng 6-12 tiếng, phụ thuộc vào việc bạn có nhiều kinh nguyệt hay không. Bạn nên thay cốc nguyệt san mỗi 12 tiếng. Nếu cốc nguyệt san đầy trước thời gian này, bạn cần thay cốc trước khi kinh nguyệt bị trào ra ngoài.

Đề phòng viêm nhiễm khi sử dụng cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san có nhiều ưu điểm nhưng cũng cần lưu ý khi dùng.

Ưu và nhược điểm của cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san có ưu điểm mang đến cảm giác thoải mái chứ không dày cộm như băng vệ sinh nên mọi hoạt động hàng ngày sẽ ít bị ảnh hưởng. Khi sử dụng, cốc nằm sâu trong cơ thể nên hạn chế vi khuẩn tấn công và gây mùi, đồng thời nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm vùng kín cũng giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, việc sử dụng cốc nguyệt san cũng có nhược điểm và không dễ sử dụng.

Nhét cốc không vào:Những ai mới sử dụng cốc nguyệt san lần đầu tiên đều sẽ gặp vấn đề này, thậm chí có người tập nhét cốc qua nhiều kỳ kinh nguyệt vẫn không thành công. Có 2 lý do thường gặp khiến việc nhét cốc vào người trở nên khó khăn hơn:

Thứ nhất là do bạn quá căng thẳng. Khi cơ thể sợ hãi, căng thẳng thì các cơ sẽ bị đông cứng lại, kể cả âm đạo. Nếu âm đạo không giãn nở được thì việc nhét cốc vào sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, khi tập nhét cốc bạn phải để toàn thân thả lỏng và thoải mái. Thứ hai là do bạn làm sai kỹ thuật. Việc đứng, ngồi sai tư thế, gấp cốc không đúng cách cũng khiến cho việc nhét cốc trở nên vất vả hơn.

Lấy cốc không ra: Cũng giống như việc nhét cốc vào, nếu bạn quá lo lắng khiến các cơ bị căng cứng thì việc lấy cốc ra cũng rất khó khăn. Do đó, khi lấy cốc ra thì bạn nên thả lỏng cơ thể, đưa tay nhẹ nhàng vào âm đạo và nắm lấy cuống cốc, bóp nhẹ vào đáy cốc rồi từ từ kéo cốc ra ngoài.

Viêm nhiễm vùng kín:Cốc nguyệt san được bảo đảm và giảm thiểu viêm nhiễm hơn rất nhiều so với các loại băng vệ sinh miếng và tampon. Tuy nhiên, do cốc được đưa hẳn vào bên trong âm đạo nên nếu bạn sử dụng không đúng cách thì có thể gây viêm nhiễm. Từ các vết xước và viêm sẽ là cơ hội cho các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục tấn công và lan sang các bộ phận lân cận trong ổ bụng.

Kinh nguyệt vấy bẩn ra ngoài:Tuy cốc nguyệt san chống tràn hiệu quả nhưng đối với những bạn chưa quen sử dụng thì khả năng máu tràn ra ngoài sẽ rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, việc máu tràn này không hẳn là do cốc chứa không hết mà là do bạn bung cốc chưa đều và không bịt kín được âm đạo khiến máu lọt ra ngoài qua khe hở.

Cách lựa chọn cốc nguyệt san

Các loại cốc nguyệt san tái sử dụng thường được làm bằng một trong 3 chất liệu chính sau: silicon, cao su tự nhiên (latex) và thermoplastic elastomer (TPE). Silicon được cho là chất liệu rất bền, trong khi latex và TPE có thể bị nứt dễ dàng hơn.

Hầu hết các loại cốc nguyệt san được làm bằng chất liệu silicon tiêu chuẩn y tế, nếu bạn có làn da nhạy cảm, bạn nên cân nhắc kỹ về chất liệu. Cao su tự nhiên có thể gây ra những dạng thức kích ứng. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là softcup làm từ polyethylene.

Thông thường, các loại cốc nguyệt san cứng thích hợp cho những phụ nữ cơ sàn chậu chắc khỏe sử dụng. Những loại cốc mềm thì dành cho những người có cơ sàn chậu yếu, lỏng. Vậy làm thế nào biết được mình có cơ sàn chậu như thế nào?

Một cách đơn giản để kiểm tra, đó là cố gắng lặp lại động tác co thắt nín nhịn rồi thả lỏng các cơ khi đi tiểu nhiều lần: nếu việc đó dễ dàng với bạn, cơ sàn chậu của bạn chắc khỏe và bạn sẽ phù hợp sử dụng loại cốc nguyệt san cứng. Nếu bạn không thể dễ dàng nhịn tiểu, điều đó có nghĩa là cơ sàn chậu của bạn lỏng: trong trường hợp này, bạn có lẽ sẽ muốn cân nhắc sử dụng một loại cốc nguyệt san mềm hơn.

Nên chọn cốc nguyệt san có màu hay không màu? Thông thường, cốc nguyệt san có cả loại có màu (được làm từ màu nhuộm thực phẩm an toàn) hoặc loại làm từ silicon trong suốt. Màu sắc của cốc nguyệt san không ảnh hưởng tới công hiệu của nó.

Nếu bạn có vùng âm đạo nhạy cảm dễ bị viêm nhiễm, kích ứng thì cốc dạng silicon trong vẫn là sự lựa chọn hợp lý hơn cả. Điều rất quan trọng là bạn tìm được kích cỡ chuẩn, đảm bảo sự thoải mái cũng như hiệu quả sản phẩm (tránh bị tràn, dây máu ra khi sử dụng).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!