Viêm gan virut A
Bệnh viêm gan virut A do virut viêm gan A (HAV) gây ra. HAV lây truyền từ người sang người qua đường phân miệng, rất hiếm qua đường máu. Viêm gan virut A có thể xảy ra lẻ tẻ hoặc bùng phát thành dịch. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn, sau khi khỏi người bệnh có miễn dịch đặc hiệu lâu bền.
Sau khi xâm nhập cơ thể người, virut được nhân lên, khoảng 30 ngày sau sẽ phát bệnh, các triệu chứng của bệnh kéo dài từ 2-6 tháng, có những trường hợp không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào. Các dấu hiệu của bệnh thường gặp: sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nước tiểu vàng sẫm, vàng da vàng mắt, đau bụng, đau hạ sườn phải, phân lỏng bạc màu... Dấu hiệu bệnh thường mờ nhạt, không rõ ràng do đó xét nghiệm máu là biện pháp tốt nhất để xác định bệnh.
Để phòng tránh bệnh viêm gan virut A, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tiêm phòng vắc-xin viêm gan A; giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để môi trường ô nhiễm. Dùng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn sinh hoạt. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, không dùng chung bát đũa. Không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm gan A.
Hình minh họa, phân biệt các loại virut viêm gan.
Viêm gan virut B
Bệnh viêm gan virut B do virut viêm gan B (HBV) gây ra. HBV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu và chế phẩm từ máu, dịch tiết của cơ thể, qua quan hệ tình dục và có thể lây từ mẹ sang con. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virut viêm gan B cao, chiếm 15-20% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người, chủ yếu là viêm gan mạn tính. Viêm gan B mạn là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan. 90% trường hợp mắc viêm gan b diễn tiến âm thầm nên dễ bị bỏ qua, khi bệnh nhân có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn.
Virut viêm gan B có thể gây ra bệnh cấp tính với các hội chứng kéo dài khoảng vài tuần bao gồm vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, suy kiệt, buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Có thể phải mất vài tháng đến 1 năm mới khỏi các hội chứng này.
Để phòng bệnh, việc tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu, hiện nay đã có vắc-xin viêm gan B, vì thế cách tốt nhất để phòng tránh viêm gan B là tiêm phòng đủ 3 mũi. Với bất kể hình thức quan hệ tình dục nào cũng có thể lây nhiễm viêm gan B. Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn là cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả. Ngoài ra, phải phòng ngừa bệnh lây qua đường máu bằng cách không tiếp xúc máu với người lạ, không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay, hạn chế xăm hình, không dùng chung bơm kim tiêm... Cẩn thận khi truyền máu, các dụng cụ y tế phải được vô trùng kỹ lưỡng. Mặt khác, nên tiêm phòng vắc-xin hoặc huyết thanh cho trẻ để giúp trẻ tránh được căn bệnh nguy hiểm này.
Viêm gan virut C
Bệnh viêm gan virut C do virut viêm gan C (HCV) gây ra. HCV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với máu, chế phẩm từ máu, qua quan hệ tình dục, và từ mẹ truyền sang con. 40-60% bệnh nhân bị viêm gan C sẽ chuyển thành thể mạn tính, có nguy cơ phát triển thành xơ gan và ung thư gan nguyên phát trong tương lai.
Khoảng 70-80% những người bị viêm gan siêu vi C cấp không có bất cứ biểu hiện (triệu chứng) nào. Tuy nhiên, một số người sẽ có những biểu hiện từ nhẹ tới nặng sau khi bị nhiễm virut, bao gồm: sốt; buồn nôn; mệt mỏi; nôn ói; chán ăn; đau bụng; nước tiểu sậm màu; vàng da /mắt.
Nếu có biểu hiện triệu chứng, thông thường những triệu chứng này xuất hiện sau khi nhiễm virut viêm gan C trung bình 6-7 tuần, nhưng cũng có thể dao động từ 2 tuần - 6 tháng. Tuy nhiên, phần lớn người bị viêm gan C không biểu hiện triệu chứng.
Do bệnh lây truyền qua đường máu nên cần phòng tránh lây cho các thành viên trong gia đình bằng cách: không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải răng, đồ cắt tóc, hoặc dũa móng tay... thực hiện tình dục an toàn bằng cách dùng bao cao su, giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa bệnh vì nướu răng chảy máu cũng là một cách lây nhiễm bệnh. Hàng năm nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện biến chứng để chữa trị bệnh kịp thời.
Viêm gan virut E
Bệnh viêm gan virut E do virut viêm gan E (HEV) gây ra. HEV lây truyền từ người sang người bằng đường phân - miệng và qua nước bị nhiễm bẩn. Viêm gan E do cơ thể người nhiễm virut HEV, do sinh sống, tiếp xúc với những khu vực kém vệ sinh, nguồn nước bẩn. Viêm gan virut E có thể xuất hiện lẻ tẻ hoặc thành dịch.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu người bị nhiễm bệnh viêm gan E, với hơn 3 triệu trường hợp có biểu hiện triệu chứng của bệnh viêm gan E và có 56.600 trường hợp tử vong liên quan đến viêm gan E. Tỷ lệ hiện nhiễm HEV cao (số người trong dân số có xét nghiệm HEV dương tính) thường được thấy ở những vùng có tiêu chuẩn vệ sinh thấp, điều này làm tăng nguy cơ lây truyền của virut. Vùng Đông và Nam châu Á bị ảnh hưởng bởi HEV nhiều nhất với tỷ lệ bùng phát viêm gan virut E cao, thường xảy ra trong mùa mưa, khi nguồn nước bị ô nhiễm bởi phân.
Bệnh biểu hiện lâm sàng thường gặp ở trẻ em, hầu như không có triệu chứng hoặc bệnh chỉ rất nhẹ, không có vàng da nên rất khó chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của viêm gan E gồm: vàng da (vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu); biếng ăn (ăn mất ngon); gan to, ấn đau; đau vùng thượng vị; buồn nôn và nôn; sốt.
Để phòng tránh bệnh viêm gan virut E cần thực hiện các biện pháp: giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; quản lý người mắc bệnh và người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân; khi có các biểu hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!