'Xót' khi thấy con học vất vả
Chị Thanh (Hưng Yên) chia sẻ, con gái chị năm nay sẽ thi đại học, cao đẳng. Chị không khỏi xót lòng khi thấy con ngày đêm miệt mài học. Nhiều lần chợt tỉnh giấc, chị hốt hoảng khi thấy con vẫn bên bàn học lúc 3 giờ sáng. 'Nhìn con học hành vất vả như vậy, dẫu sắp đến kỳ thi đại học nhưng tôi vẫn không khỏi sốt ruột. Vóc dáng ngày càng gầy gò, làn da sạm lại vì thức đêm nhiều...', chị Thanh lắc đầu nói.
Theo chị, bé Tâm (con chị) vì thức quá khuya, lại không được bồi bổ thêm chế độ ăn đêm nên sáng nào cũng thấy con phờ phạc, mệt mỏi. Chị cũng muốn bồi bổ cho con nhưng mỗi người nói một kiểu, chị rất hoang mang không biết tin ai để con khỏe mạnh hơn.
Bác sĩ nói gì?
Theo TS.BS. Phan Bích Nga (Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia), những ngày thời tiết oi bức, do áp lực ôn tập với cường độ tăng cao, cùng với tâm lý căng thẳng, lo lắng, hồi hộp nên nhu cầu năng lượng và một số các chất cần thiết sẽ tăng cao hơn nhiều so với lúc bình thường để giúp cho não hoạt động hiệu quả, không bị mệt mỏi và quá tải. Lúc này não tăng công suất hoạt động gấp 3 - 4 lần so với thông thường nên cần dưỡng chất cao so với lúc bình thường.
Ảnh minh họa: Internet
Khi lao động trí óc nhiều, cần đảm bảo đủ năng lượng: chế độ ăn thích hợp là ngày 4 lần, cần ăn vào những giờ nhất định, bữa ăn cuối nên ăn trước khi đi ngủ tối thiểu 3 tiếng đồng hồ. Nên đảm bảo các bữa ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nhưng cũng không nên ăn quá dư thừa, đặc biệt là không nên ăn quá nhiều thịt mỡ và glucid tinh chế (như bánh ngọt, bánh mỳ trắng...), nên tránh ăn nhiều đường, nên tăng cường các loại rau củ quả trái cây vì cung cấp nhiều vitamin. Việc cung cấp đủ vitamin cho các sĩ tử lúc ôn thi là vấn đề rất quan trọng. Vì vitamin là thành phần cần thiết bắt buộc trong khẩu phần để đảm bảo chuyển hóa và các hoạt động bình thường của cơ thể, đặc biệt là các hệ thống thần kinh trung ương, tim mạch, tiêu hóa và nội tiết.
Các loại vitamin giúp cho não hoạt động tốt như vitamin nhóm B có trong ngũ cốc và các loại đậu, vitamin C có trong trái cây, rau quả, vitamin E có trong đậu phộng, giá sống, trứng, vitamin A có trong cà chua, bí đỏ, đu đủ, các khoáng chất như can-xi, kẽm, i-ốt chứa trong các loại hải sản, tôm, cua...
Các nguyên tố vi lượng kẽm, selen ở mầm lúa mạch, hành, tỏi, trứng, tôm, cua, nhộng, ngũ cốc, các loại rau xanh... có thể làm tăng trí nhớ. Còn vitamin B1 có trong men bia, gạo, các loại hoa quả sấy khô... đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo cho việc sử dụng đường chậm, cung cấp đủ chất glyxemie cho một ngày hoạt động. Vitamin B2, B3, B9 có nhiều trong các loại thực phẩm như: trứng, thịt nạc, men bia, hoa quả khô… có thể giải độc tố khi não có hàm lượng độc tố quá tải. B12 có nhiều ở các loại hải sản… bổ sung máu, tốt cho thần kinh. Vitamin C có trong cam, quýt, cải xoong, su hào, bắp cải…; vitamin E có trong dầu mầm, lúa mạch, hoa quả cây có dầu... giúp chống lão hóa và bảo vệ các hoạt động trong cơ thể.
Về chất lượng protein cần đảm bảo tính cân đối các acid amin nhất là 3 a-xít amin chính: methionin - cystin, trytophan và lysin. Các a-xít amin này có đầy đủ và cân đối trong thịt gà, thịt bò, trứng, nhiều loại cá... đặc biệt trội trong thịt gà với hàm lượng các acid amin quý này cao hơn gấp 1,5 lần trong những thức ăn nguồn gốc động vật được đánh giá cao khác (ví dụ như pho-mát..).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!