Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chiều cao của trẻ phụ thuộc 20% vào di truyền, còn dinh dưỡng và môi trường chiếm 80%.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, quyết định chiều cao gồm hai nhóm yếu tố chính: Các yếu tố trước khi sinh bao gồm cả yếu tố bên trong (tức là gene) và các yếu tố ngoại cảnh. Đến nay, giới khoa học vẫn tiếp tục tranh luận sự khác biệt chiều cao của các dân tộc khác nhau, nhất là quan điểm cho rằng chủ yếu do di truyền và quan điểm kia đổ cho tác động từ các yếu tố ngoại cảnh. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất là sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh, đặc biệt là dinh dưỡng.
Môi trường và dinh dưỡng quyết định đến 80% chiều cao của trẻ
Theo Mueller (1982), chiều cao cơ thể người cơ bản là do di truyền quy định, nhưng nếu các điều kiện về dinh dưỡng và môi trường không thỏa mãn thì phát triển không tương xứng với tiềm năng di truyền đã đặt ra. Trong các yếu tố ngoại cảnh, quan trọng nhất là dinh dưỡng và bệnh tật (trong đó nhấn mạnh đến vai trò tiêm chủng văcxin).
Các yếu tố bên trong tức di truyền, là những yếu tố không can thiệp được, ít nhất là cho đến nay. Các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt dinh dưỡng là điều có thể cải thiện; trong đó nhấn mạnh vai trò dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, tức là từ khi thụ thai cho đến 2 tuổi. 1.000 ngày 'vàng' của bé được chia như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ hai.
'Đây là giai đoạn cần can thiệp tích cực để sau này người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Bỏ lỡ chăm sóc tốt trong 1.000 ngày vàng đầu đời thì không gì có thể bù đắp được', Phó giáo sư Tuyên nói.
Theo ông, ngay từ khi tiền thai, phụ nữ cần chăm sóc tốt và trẻ sau 1.000 ngày đầu tiên đó vẫn cần chăm sóc đến khi dậy thì, song 1.000 ngày vàng được y học hiện đại và các nghiên cứu khoa học thừa nhận là giai đoạn quyết định. Trong 1.000 ngày đó phải kể đến vai trò của sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng quý giá và là văcxin tự nhiên đầu đời bảo vệ sự sống hiệu quả nhất. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng sữa bò (sữa công thức) là thủ phạm của nhiễm trùng, tiêu chảy và làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ dưới một tuổi. Tỷ suất chết của trẻ em dưới một tuổi cao hơn 12 lần so với nhóm con được nuôi bằng sữa mẹ.
Bên cạnh đó, chiều cao trẻ em lúc 2-3 tuổi quyết định mức chiều cao khi trưởng thành. Suy dinh dưỡng thấp còi là chỉ số có giá trị nhất phản ánh tiềm năng lớn lên và phát triển của một đứa trẻ trong tương lai. Một nghiên cứu được các nhà khoa học tiến hành ở Guatemala cho thấy, một trẻ 3 tuổi bị thấp còi chỉ cao 81,2 cm thì đến khi trưởng thành cao tối đa 158 cm (dù được chăm sóc tốt về sau). Trẻ thấp còi nhẹ lúc 3 tuổi cao 89,3 cm thì sau này chỉ đạt đến tối đa 167,3 cm và trẻ bình thường lúc 3 tuổi cao 94,5 cm về sau trưởng thành cao 170,9 cm.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc là gần 25%. Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,9 triệu trẻ bị suy sinh dưỡng thấp còi nên khi trưởng thành thiếu hụt khoảng 10 cm chiều cao với bạn bè cùng tuổi.
Luyện tập thể dục thể thao là cần thiết nhưng không phải chìa khóa để nâng chiều vào. Nó là yếu tố vô cùng quan trọng làm cho trẻ khỏe, dẻo dai và tạo thành thói quen để tiêu hao mỡ dư thừa. Bên cạnh đó, hoạt động thể lực được xem như một phương pháp điều trị bệnh, làm con người cảm thấy chủ động trong việc điều trị và khuyến khích mọi người có trách nhiệm đối với chính sức khỏe của mình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!