Giải mã cơn đau bụng kinh nguyệt và cách đối phó

Sức khỏe phụ nữ - 11/24/2024

Nếu bạn đang phải chịu đựng những cơn đau bụng kinh nguyệt khó chịu mỗi tháng thì bạn không chỉ có một mình. Có rất nhiều phụ nữ cũng đang trải qua cảm giác giống bạn. Cùng xem lý do vì sao bạn bị đau bụng kinh nguyệt và cách để cơn đau đụng không còn …

Nếu bạn đang phải chịu đựng những cơn đau bụng kinh nguyệt khó chịu mỗi tháng thì bạn không chỉ có một mình. Có rất nhiều phụ nữ cũng đang trải qua cảm giác giống bạn. Cùng xem lý do vì sao bạn bị đau bụng kinh nguyệt và cách để cơn đau đụng không còn “quấy rầy” bạn dưới đây nhé.

Vì sao bạn bị đau bụng kinh nguyệt?

Đau bụng kinh nguyệt xảy ra do axit béo prostaglandin và các hormone nữ khiến các cơ tử cung co rút gây đau. Cơ chế này giúp đẩy máu và mô, hình thành ở nội mạc tử cung trong kỳ kinh nguyệt của bạn, ra ngoài âm đạo. Cơn đau có thể từ khó chịu nhẹ đến cực kỳ đau, thường kéo dài vài ngày. Nếu lần đầu có kinh nguyệt, bạn có thể hoang mang do không rõ nguyên nhân đau bụng. Nhưng đừng lo lắng, đây là một hiện tượng bình thường khi bạn có kinh nguyệt mà phần lớn phụ nữ đều phải trải qua. Theo nghiên cứu, bạn dễ bị đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt nếu bạn:

  • Mới bắt đầu chu kỳ kinh;
  • Có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và ra máu nhiều;
  • Có họ hàng, người thân là phụ nữ bị đau bụng kinh nguyệt;
  • Hút thuốc.

Có lẽ bạn đang phân vân khi nghe đến yếu tố di truyền của chứng đau bụng kinh nguyệt, nhưng đó là sự thật. Nếu phụ nữ trong gia đình bạn có chứng đau bụng kinh nguyệt, bạn rất có khả năng cũng sẽ bị. Do đó, nếu muốn biết trước bạn có thể đau bụng khi có kinh nguyệt hay không, bạn nên hỏi mẹ hoặc dì của bạn. Đồng thời, bạn cũng có thể học cách xoa dịu cơn đau từ kinh nghiệm người nhà.

“Đánh tan” cơn đau bụng kinh nguyệt

Trong kỳ kinh nguyệt, cơn đau bụng không thật sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn, nhưng cũng có khi làm cho bạn đau đến mức chỉ muốn nằm nghỉ. Nếu bị đau bụng dữ dội, bạn có thể uống thuốc giảm đau mua tại nhà thuốc. Tốt nhất là bạn nên kiểm tra với bác sĩ loại thuốc giảm đau và phương pháp điều trị khác nếu có cho chứng đau bụng của bạn. Bạn hoặc ba mẹ bạn cũng có thể sắp xếp lịch trình dùng thuốc giảm đau vào thời điểm thích hợp đề phòng cơn đau xảy ra, ví dụ như trước khi đi ngủ hoặc trước khi đi học. Bạn nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để tính toán đúng thời điểm và liều lượng thuốc thích hợp.

Bạn có biết tập thể dục cũng giúp giảm đau bụng kinh nguyệt không? Khoa học đã chứng minh hoạt động thể chất có thể giảm đau vì khi tập luyện, cơ thể sản sinh ra endorphin giúp giảm đau. Ngoài ra, bạn nên ăn uống đủ chất và ngủ đủ. Một số kinh nghiệm dân gian như chườm nước ấm hoặc ép chặt bụng cũng giúp xoa dịu cơn đau râm ran khi kinh nguyệt đến.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!