Hạn chế các biến chứng của bệnh thủy đậu

Cần biết - 03/29/2024

Để ngừa biến chứng thì khi mới mắc thủy đậu, người bệnh cần đi khám và theo dõi chặt diễn biến của bệnh, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Chồng tôi bị thủy đậu. Tôi nghe nói người lớn bị thủy đậu rất dễ biến chứng nặng. Vậy phòng ngừa biến chứng do thủy đậu thế nào?

Lê Hà An (Hà Nam)

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm, đó là:

Khi nốt đậu bị vỡ hoặc trầy xước do bệnh nhân ngứa gãi, có thể gây viêm tấy, nhiễm khuẩn da gây viêm mủ da, chốc lở thậm chí gây viêm cầu thận cấp...

Viêm phổi thủy đậu: Biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn và thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng: biểu hiện sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực, ho ra máu... dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và nguy hiểm tính mạng.

Tổn thương thần kinh trung ương: Trong trường hợp hiếm gặp, bệnh thủy đậu có thể dẫn đến biến chứng như viêm màng não, viêm não, thường gặp ở người lớn, tỷ lệ tử vong cao chiếm 5-20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.

Biến chứng muộn khác của thủy đậu là bệnh Zona. Đây là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh thủy đậu. Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt...

Để ngừa biến chứng thì khi mới mắc thủy đậu, người bệnh cần đi khám và theo dõi chặt diễn biến của bệnh, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu bất thường, cần tái khám ngay. Mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!