Hành trình vượt cạn của mẹ bầu (phần 1)

Chăm sóc mẹ - 11/24/2024

Hello Bacsi - Ai cũng biết được sự đau đớn mỗi khi sinh, nhưng không phải ai cũng biết hành trình vượt cạn thật sự như thế nào. Sau đây là câu trả lời...

Mang thai và sinh con là điều tự nhiên mà mọi phụ nữ đều sẽ trải qua. Thông thường, mọi bà mẹ đều chung cảm giác lo sợ hơn là vui sướng khi trải qua hành trình vượt cạn đầu tiên của mình. Ai cũng biết được sự đau đớn mỗi khi sinh con, nhưng mức độ đau như thế nào, cơn đau này có kéo dài liên tục không thì không một ai có thể trả lời được.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn chuyển dạ? Và bạn cần phải làm gì để cảm giác đau đớn giảm đến mức tối thiểu? Hãy cùng theo dõi bài viết này để có được câu trả lời nhé.

Làm thế nào để biết mình sắp chuyển dạ?

Bạn có thể sẽ chuyển dạ khi cảm thấy bụng mình đau dữ dội. Tuy nhiên, đối với những người lần đầu mang thai, những cơn đau này vẫn có thể chưa nói lênđiều gì và do đó, rất khó để xác định khi nào họ mới bắt đầu chuyển dạ.

Có rất nhiều triệu chứng giả khiến cho bạn lầm tưởng là mình sắp sinh con. Một trong số đó chính là các cơn co thắt tử cung Braxton Hicks. Đây là tình huống rất bình thường và bạn không cần phải quá lo lắng. Thông thường, quá trình chuyển dạ ở những người lần đầu mang thai diễn ra khá chậm. Nếu bạn cảm nhận cơn co thắt diễn ra thường xuyên hơn (trong khoảng hơn 10 phút 1 lần), điều này cho thấy rất có thể bạn sắp chuyển dạ. Khi gặp tình huống này, bạn tuyệt đối đừng quá hoảng sợ mà hãy vận động nhẹ một chút để các cơ thư giãn. Bạn cũng đừng quên ăn sơ trước khi nhập viện để có thêm năng lượng vì quá trình từ chuyển dạ cho đến khi sinh chính thức rất lâu (có thể là 1 giờ, 1 đêm hoặc 1 ngày tùy thể trạng của mỗi người) và đôi khi còn phải sinh mổ. Thậm chí, có lúc bạn còn phải trở về nhà vì chưa đến thời điểm sinh và dĩ nhiên, việc đi đi về về như thế này sẽ khiến bạn mệt mỏi.

Bạn nên báo ngay cho bác sĩ hoặc người hộ sinh biết nếu bạn bị xuất huyết hoặc cảm nhận mình bị vỡ nước ối, thai nhi cử động dữ dội, bị sốt và nhức đầu nghiêm trọng. Chuyển dạ có thể đến từ bất cứ lúc nào nên tốt nhất hãy liên hệ với bác sĩ và những người thân của mình để được hỗ trợ kịp thời nhé.

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bị vỡ ối?

Trong thực tế, có rất nhiều bà mẹ không nhận thức được mình đang vỡ ối. Khi vỡ ối, bạn sẽ có cảm giác như một quả bóng đầy nước bị vỡ ra. Đối với một số người, nước sẽ ào ra cùng một lúc, một số khác thì “rỉ nước” từ từ. Bạn cần lưu ý ghi nhớ thời gian nước ối bắt đầu vỡ vì đây sẽ là thông tin vô cùng quan trọng để các bác sĩ đánh giá nguy cơ nhiễm trùng trong trường hợp chuyển dạ quá lâu.

Xuất hiện dịch nhầy ở cổ tử cung

Các dịch nhầy này còn được gọi là các nút niêm mạc có công dụng bảo vệ và ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào tử cung.

Thông thường trước khi chuyển dạ, tử cung bắt đầu mềm dần và nước ối cũng bắt đầu vỡ ra. Sự kéo giãn này có thể làm rách mạch máu ở tử cung nhưng bạn đừng lo lắng, vết rách này thường khá nhỏ, chỉ khoảng 1cm và đôi khi sẽ bị nhuốm một ít máu. Bạn có thể thông báo cho bác sĩ biết điều này nếu cảm thấy lo lắng.

Bạn sẽ đau đớn đến mức nào?

Những ai đã từng sinh con đều phải trải qua cảm giác đau đớn – đó là quy luật hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, cảm giác này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, một trong số đó chính là vị trí của thai nhi.

Vị trí thường thấy nhất chính là đầu của đứa bé phải hướng xuống và mặt phải hướng về phía cột sống người mẹ. Đây là vị trí giúp bạn sinh nở dễ dàng nhất mà lại không gây ra đau đớn quá nhiều. Trong một số trường hợp, người mẹ sẽ không gặp khó khăn hay đau đớn gì khi sinh nhưng cũng có không ít người thậm chí phải dùng thuốc giảm đau để vượt qua giai đoạn này.

Thời gian sinh em bé sẽ quyết định người mẹ có nên được gây tê ngoài màng cứng hay không, do thời gian sinh càng lâu thì người mẹ càng mất nhiều năng lượng. Ngoài ra, sự sợ hãi và lo lắng cũng sẽ khiến cơn đau trầm trọng thêm. Ngược lại, tinh thần thoải mái sẽ giúp tử cung co thắt nhịp nhàng hơn và giảm mức độ đau đớn. Do vậy, điều cần nhất là phải giải thích cho người mẹ hiểu cơn đau này thật ra chỉ là sự co thắt của cơ bắp để em bé mau chóng được thoát ra ngoài. Càng đau nhiều có nghĩa là thời gian bạn gặp mặt thiên thần nhỏ của mình càng được rút ngắn. Mức độ đau của mỗi người là khác nhau. Một số phụ nữ sẽ cảm giác như có một vật thể gì đó rất nặng đang đè lên xương chậu và chân của mình. Do đó, bác sĩ thường khuyên các sản phụ thư giãn và đừng quá quan tâm đến các cơn co thắt.

Gây tê ngoài màng cứng không phải là phương pháp duy nhất để giảm đau

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp gây tê cục bộ được tiêm vào lưng của người mẹ để làm tê dây thần kinh tủy sống. Đối với một số người, đây là phương pháp hiệu quả để giảm đau khi mẹ bầu đang trải qua hành trình vượt cạn. Ngoài ra còn có một số cách khác có thể giúp người mẹ sinh con một cách dễ dàng hơn như sinh dưới nước, massage nhẹ nhàng trên lưng người mẹ, châm cứu (dù chưa có nhiều bằng chứng cụ thể về cách làm này).

Điều quan trọng nhất cần nhớ khi thực hiện các biện pháp giảm đau chính là phải giúp sản phụ cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, dùng thuốc gây tê entonox cũng là một cách giúp người mẹ quên đi cảm giác đau. Đây là một loại khí không màu, không mùi có 50% là oxy và 50% là oxit nitơ (N2O). Loại khí này có thể nhanh chóng phát huy dược tính của mình trong vòng từ 20 – 30 giây. Ngoài ra còn có một số loại thuốc giảm đau khác được tiêm vào đùi bao gồm pethidine, diamorphine và meptid. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể sẽ được dùng máy TENS truyền xung điện nhẹ để giảm các cơn đau.

Sẽ có rất nhiều chuyện ngoài ý muốn xảy ra

Mỗi bà mẹ đều hình dung trong đầu viễn cảnh sinh con mà họ muốn. Đa số hy vọng họ sẽ sinh con một cách suôn sẻ mà không cần nhờ vào bất kỳ loại thuốc phụ trợ nào. Tuy nhiên, nếu sức khỏe không cho phép, bạn phải trông cậy vào các phương pháp giảm đau này. Trên thực tế, có rất nhiều cách sinh khác nhau tùy tình hình bạn lâm bồn. Những gì bạn cần làm vào lúc đó là thả lỏng cơ thể và phối hợp nhịp nhàng với các bác sĩ ở phòng sinh.

Đừng lo lắng khi không thấy nữ hộ sinh nào bên cạnh bạn

Đây là điều rất bình thường vì rất có thể trong thời gian bạn nằm trong phòng chờ sinh, các hộ sinh đang bận chăm lo cho sản phụ khác đang trải qua hành trình vượt cạn của mình. Tuy nhiên, nếu bạn thấy quá trình chuyển dạ nhanh hơn mức bình thường hoặc cảm thấy quá đau, hãy báo ngay cho bác sĩ để quá trình hạ sinh được diễn ra suôn sẻ.

Trên đây là các giai đoạn đầu trong hành trình vượt cạn của mẹ bầu, sau đó sẽ như thế nào? Mời bạn đón đọc phần 2 của bài viết nhé.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Hành trình vượt cạn của mẹ bầu (phần 2)
  • 10 bí quyết để mẹ bầu không lúng túng trước khi sinh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!