Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về quá trình chuyển dạ của mẹ trong hành trình vượt cạn. Trong phần này, chúng ta sẽ đến với giai đoạn bắt đầu sinh con và giai đoạn sau khi bé đã ra khỏi bụng mẹ.
Bé có thể đại tiện trong lúc bạn đang “lâm bồn”
Nếu bé con của bạn cảm thấy khó chịu khi đang chào đời, bé sẽ có thể đi vệ sinh đấy. Các phân này gọi là phân su, chúng có thể làm cho nước ối có màu rơm, màu xanh lá cây hoặc màu đen. Đây là các hợp chất mà thai nhi đã hấp thụ khi còn ở trong bụng mẹ như nước ối, chất nhầy… Phân su khá dính và khó làm sạch. Hầu hết các bé sẽ bài tiết hết lượng phân su này trong 2 ngày đầu tiên sau khi sinh. Hiện tượng này cũng giúp cho bạn thấy rằng đường ruột của bé đã bắt đầu hoạt động.
Bạn cũng có thể đi vệ sinh trong quá trình chuyển dạ
Đa phần, động tác co thắt trong quá trình chuyển dạ khá giống với những co thắt khi bạn đang đi vệ sinh. Vì thế mà đa phần các mẹ bầu đều có thể ra phân một chút khi đang sinh con và điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn muốn tránh trường hợp này, bạn nên làm sạch ruột (như đi vệ sinh chẳng hạn) trước khi chính thức sinh con nhé.
Dây rốn có thể quấn chặt vào cổ của em bé
Khi hộ sinh đỡ đầu em bé, họ có thể sẽ yêu cầu bạn ngừng rặn trong giây lát khi thấy dây rốn quấn quanh cổ em bé. Bạn cũng đừng quá lo lắng vì hiện tượng này khá bình thường và sẽ không làm bé bị nghẹt thở. Khi còn trong bụng mẹ, bé con của bạn vẫn chưa hít thở bằng mũi hoặc bằng miệng. Do vậy, việc có dây rốn quấn quanh cổ cũng sẽ không gây ngộp cho bé. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khiến cho lượng oxy cung cấp cho bé bị giảm đi ít nhiều.
Hãy sẵn sàng cho một cơn đau “chí tử”
Trong quá trình sinh con, hầu hết phụ nữ sẽ phải trải qua nỗi đau thấu trời khi âm đạo bị kéo giãn hoặc bị rách bởi áp lực đè nặng lên khung xương chậu. Thậm chí, một số người còn bị chấn thương vùng tầng sinh môn dẫn đến bị trĩ. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện cắt tầng sinh môn để ngăn ngừa cơn đau dữ dội này. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ cắt tầng sinh môn hoặc sử dụng môt số dụng cụ y khoa trợ sinh (như kẹp forceps hoặc giác hút sản khoa ventouse) nếu bạn sinh ngược, thai nhi quá lớn, thời gian chuyển dạ kéo dài hoặc sức khỏe người mẹ không đủ tốt để sinh thường.
Mức độ đau đớn trong khi sinh có thể chia ra làm 4 cấp độ như sau:
- Cấp độ 1: cơn đau chỉ mới lan tỏa ở đáy xương chậu và phía sau âm đạo. Mức độ đau này khá nhỏ và có thể hồi phục nhanh chóng;
- Cấp độ 2: âm đạo và các cơ ở xương chậu có thể bị rách và bạn cần phải nhờ đến bác sĩ để khâu chúng lại;
- Cấp độ 3: âm đạo, các cơ ở xương chậu, các cơ ở hậu môn có thể bị rách một phần hoặc rách toạc và bạn cần phải nhờ đến bác sĩ khâu chúng lại;
- Cấp độ 4: giống cấp độ 3, nhưng vết rách có thể kéo dài đến cả trực tràng.
Nếu bạn bị rách một trong các bộ phận trên hoặc bị cắt tầng sinh môn, bạn sẽ phải chịu cảm giác đau âm ỉ kéo dài sau khi sinh, vết rách càng lớn thì thời gian bình phục càng lâu. Bạn có thể chườm đá để giảm đau nhưng hãy tránh để vết thương dính nước. Bạn cũng có thể dùng các loại thuốc giảm đau và chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.
Nhau thai sẽ ra khỏi cơ thể bạn
Khi sinh con, dây và nhau thai sẽ có khối lượng bằng đến 1/3 lượng máu và 2/3 trọng lượng cơ thể bé. Dây nhau khá dày và có độ đàn hồi như cao su. Chúng có tác dụng truyền máu đến thai nhi. Trong hầu hết các trường hợp, nhau thai sẽ theo em bé ra ngoài khi bạn co thắt tử cung. Quá trình này có thể sẽ khiến bạn cảm thấy đau nhưng bạn sẽ nhanh chóng vượt qua chúng thôi.
Nếu sinh thường quá khó, hãy sinh mổ
Trong trường hợp khẩn cấp, người mẹ có thể sẽ phải sinh mổ. Điều này thường xảy ra khi em bé nằm ngược với vị trí tự nhiên hoặc quá trình chuyển dạ quá dài.
Khi sinh mổ, bạn sẽ được gây tê tủy sống. Đối với trường hợp sản phụ đã được gây tê ngoài màng cứng, sinh mổ là phương pháp tiếp theo thường được sử dụng nhiều nhất. Nếu theo đúng trình tự, bạn cần phải thử máu trước khi sinh một ngày nhưng trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ sẽ cho bạn mổ ngay tức thì mà không cần phải kiểm tra gì cả. Em bé của bạn sẽ được lấy ra trong vòng 5 phút, sau đó bác sĩ sẽ làm sạch nhau thai và phải mất khoảng nửa tiếng để vết thương được khâu lại. Đây là phương pháp khá an toàn cho các bà mẹ. Có đến hơn ¼ phụ nữ bây giờ chọn phương pháp sinh mổ thay vì sinh thường. Ngoài ra, còn có một điều thú vị khác về phương pháp sinh này. đó là bạn có thể sinh bình thường ở lần sinh sau mặc dù bạn đã từng sinh mổ trước đó.
Cơn đau sẽ mất đi khi bạn được nhìn thấy con yêu của mình
Trải qua hành trình sinh vất vả, có lẽ bạn đã mệt mỏi và kiệt quệ đến mức muốn ngất đi. Thế nhưng sau tất cả những cơn đau đớn đó, bạn sẽ được trải nghiệm niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được: làm MẸ. Khi bế con, sự tiếp xúc da thịt giữa mẹ và trẻ sẽ giúp tăng sự kết nối với con cái. Trừ khi con bạn quá yếu và cần phải gởi đến phòng chăm sóc đặc biệt, hãy cố gắng bồng bé, vuốt ve bé ngay khi bạn vừa lâm bồn. Bạn sẽ cảm thấy thật nhẹ nhõm, thật hạnh phúc khi được bế thiên thần trên tay, ngắm con yêu của mình và những đau đớn khi nãy sẽ dần tan biến hết. Hơn nữa, việc tiếp xúc trên còn giúp cho tuyến sữa của bạn hoạt động tốt hơn. Bé sẽ rúc sâu vào ngực bạn và sẽ bắt đầu bú sữa theo bản năng của mình.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có những bất thường trong khi sinh?
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất từ phía bác sĩ và cả bản thân, bạn vẫn có thể gặp những trục trặc không lường trước được trong quá trình sinh con. Những tình huống đó có thể là thai nhi quá lớn, cổ tử cung của bạn chưa thích ứng kịp nên không thể giãn nở cho phù hợp… Trong những lúc này, điều quan trọng nhất là bạn không được tự trách bản thân mình mà phải luôn giữ được bình tĩnh, thả lỏng cơ thể và không ngừng hít thở đều đặn.
Chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD) sau khi sinh thường xảy ra khi sản phụ sinh quá khó và sự sống của người mẹ và cả trẻ nhỏ bị đe dọa (như bị mất máu quá nhiều chẳng hạn). Tuy nhiên, không phải ai sinh khó cũng sẽ bị hội chứng này.
Không chỉ phụ nữ mà ngay cả nam giới khi chứng kiến vợ mình sinh khó cũng có thể bị hội chứng PTSD. Đôi khi, các bác sĩ sẽ nhầm lẫn PTSD với bệnh trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, 2 hiện tượng này là hoàn toàn khác nhau. Những người bị PTSD thường sẽ hồi tưởng lại khoảng thời gian khó khăn khi chuyển dạ và sẽ không ngừng lo lắng vì không biết con mình có bị ảnh hưởng gì không. Thông thường, những người bị PTSD sẽ tránh bất cứ điều gì có thể khiến họ nhớ về khoảng thời gian kinh khủng này. Tuy nhiên bạn không chỉ có 1 mình, do đó hãy chia sẻ với người khác và tìm đến bác sĩ hoặc các nhà tâm lý để được tư vấn chữa trị nhé.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:
- Khi nào mẹ có thể dạy trẻ sơ sinh bơi?
- Sau sinh bao lâu thì có thể quan hệ tình dục?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!