Học cách chọn đồ chơi an toàn cho con

Gia đình và thai kỳ - 05/14/2024

Đồ chơi là một phần quan trọng trong sự phát triển của bất cứ đứa trẻ nào. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các phương pháp chọn đồ chơi an toàn cho con nhé!

Có hàng triệu đồ chơi được bày bán và hàng trăm loại đồ chơi mới được giới thiệu tại các cửa hàng mỗi năm. Đồ chơi là niềm vui và là một phần quan trọng trong sự phát triển của bất cứ đứa trẻ nào. Nhưng mỗi năm, hàng chục trẻ em phải điều trị tại các khoa cấp cứu bệnh viện vì thương tích liên quan đến đồ chơi. Ngạt thở là một nguy cơ đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em từ 3 tuổi trở xuống khi chơi trò chơi, bởi vì chúng có xu hướng đưa đồ chơi vào miệng.

Các nhà sản xuất tuân theo các quy tắc nhất định và dán nhãn hướng dẫn trên đồ chơi phù hợp với các nhóm tuổi cụ thể. Tuy nhiên, cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chọn lựa đồ chơi thích hợp cho con và luôn giám sát con khi chơi đồ chơi.

Cha mẹ cần chú ý điều gì khi chọn mua đồ chơi cho con?

Dưới đây là một số hướng dẫn chung cần ghi nhớ khi mua đồ chơi ba mẹ nhé :

  • Đồ chơi nên được làm từ các vật liệu có dán nhãn là kháng lửa;
  • Đồ chơi nhồi bông nên được giặt sạch;
  • Đồ chơi phải được phủ bằng sơn không chì;
  • Đồ màu vẽ tranh không độc;
  • Bạn không nên cho con chơi các đồ chơi cũ, thậm chí là đồ chơi được cho từ bạn bè và gia đình. Những đồ chơi này có thể có giá trị tình cảm và giảm chi phí nhưng chúng có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hiện nay và có thể đã bị mòn đi, dễ vỡ và trở nên nguy hiểm;
  • Bạn nên mua đồ chơi không gây tiếng ồn quá lớn. Tiếng ồn của một số chuông lắc, tiếng rít đồ chơi và đồ chơi âm nhạc hoặc điện tử có thể to như còi xe, thậm chí to hơn nếu con bạn giữ đồ chơi gần tai, và có thể gây giảm thính lực.

Bạn hãy luôn đọc nhãn hướng dẫn sử dụng để đảm bảo một món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Bạn nên mua theo quan điểm của bạn và xem xét tính khí, thói quen và hành vi của trẻ khi bạn mua một món đồ chơi mới. Bạn có thể nghĩ con mình có thể chơi được các đồ chơi cho trẻ lớn tuổi hơn, nhưng các đồ chơi có xác định mức độ an toàn cho trẻ theo độ tuổi chứ không phải theo khả năng hay trí thông minh của trẻ.

Chọn đồ chơi cho trẻ mới biết đi

Dưới đây là một số hướng dẫn tuổi cụ thể bạn nên ghi nhớ:

  • Đồ chơi phải đủ lớn, có đường kính ít nhất là 3 cm và có chiều dài ít nhất là 6 cm để trẻ không thể nuốt hoặc làm nghẹt khí quản. Có một thiết bị được gọi là ống kiểm tra đồ chơi. Thiết bị này có thể giúp bạn xác định xem một món đồ chơi có quá nhỏ hay không. Những ống này được thiết kế để có cùng đường kính với khí quản của một đứa trẻ. Nếu có thể chui lọt bên trong ống thì món đồ chơi đó quá nhỏ để cho trẻ chơi. Nếu bạn không thể tìm được một ống kiểm tra nghẹt thở, bạn có thể dùng các cuộn giấy vệ sinh để thay thế;
  • Tránh đưa cho trẻ viên bi, tiền xu, quả bóng nhỏ, và trò chơi với những quả bóng có đường kính 4,4 cm hoặc nhỏ hơn, vì chúng có thể bị kẹt ở cổ họng trong khí quản và gây nghẹt thở;
  • Đồ chơi chạy bằng pin nên có pin được đóng ốc vít để trẻ không thể mở được. Pin và các chất lỏng từ pin có thể gây ra các tai nạn nghiêm trọng, bao gồm nghẹt thở, xuất huyết nội, và bỏng hóa chất.

Khi kiểm tra một đồ chơi cho bé hoặc trẻ mới biết đi có an toàn hay không, bạn nên chắc chắn là đồ chơi không thể bị vỡ và đủ mạnh để chịu được lực nhai của trẻ. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng nó không có:

  • Đầu nhọn hoặc các bộ phận nhỏ như mắt, bánh, hay các nút mà có thể bị kéo ra;
  • Các đầu nhỏ mà có thể cho vào tận sâu bên trong miệng;
  • Các chuỗi hạt dài hơn 18 cm;
  • Các phần có thể gây đau cho các ngón tay nhỏ của con;
  • Hầu hết các đồ chơi cưỡi lên có thể dùng để trẻ có thể chơi một mình, tuy nhiên bạn nên kiểm tra các khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngồi lên đồ chơi như ngựa gỗ và các toa xe nên để trẻ sử dụng dây đai an toàn, phải cân bằng và đủ an toàn để không bị lật nghiêng;
  • Bạn nên kiểm tra cẩn thận các đồ chơi tự làm. Các đồ chơi tự làm có thể không được kiểm tra kỹ về độ an toàn. Đừng cho bé đồ chơi có lớp sơn được sản xuất trước năm 1978 vì trong lớp sơn sản xuất vào những năm này có chứa chì;
  • Thú nhồi bông và đồ chơi bằng bông khác được bán hoặc được tặng ở các lễ hội, hội chợ và trong các máy bán hàng tự động không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Bạn nên kiểm tra các loại đồ chơi này cẩn thận, bỏ đi các bộ phận và các cạnh sắc trước khi cho con chơi.

Chọn đồ chơi an toàn cho trẻ từ 5 tuổi

Đối với trẻ đã đến trường từ 5 tuổi trở lên, khi chọn đồ chơi cho chúng, cha mẹ nên chú ý:

  • Không sử dụng xe đạp, xe tay ga, ván trượt, và giày trượt mà không đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn an toàn hiện hành và các thiết bị an toàn khác như găng bảo vệ bàn tay, cổ tay và cẳng chân;
  • Các tấm lưới nên có cấu tạo tốt và gắn chặt vào vành để chúng không trở thành các nguy cơ có thể gây nghẹt thở;
  • Phi tiêu hoặc mũi tên đồ chơi nên có đầu mũi mềm hoặc các giác hút ở cuối, không gây hại cho trẻ;
  • Súng đồ chơi nên dùng loại chiếu ánh sáng màu vì vậy chúng trông không giống các loại vũ khí thực sự. Trẻ em cần được dạy không bắn phi tiêu, mũi tên hoặc súng vào bất cứ ai;
  • Không nên cho trẻ em dưới 16 tuổi chơi súng hơi BB hoặc súng dạng viên;
  • Đồ chơi điện phải được dán nhãn UL, nghĩa là đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn được thiết lập bởi Underwriters Laboratories (nghĩa là sản phẩm đã được kiểm tra đảm bảo an toàn).

Làm thế nào để bảo quản đồ chơi ở nhà của bé?

Sau khi mua đồ chơi an toàn cho trẻ, bạn cũng nên đảm bảo là trẻ biết làm thế nào để dùng chúng. Để đảm bảo con chơi với đồ chơi đúng cách, bạn nên giám sát con khi chơi. Bạn nên chơi cùng con để dạy trẻ cách chơi an toàn mà vẫn làm trẻ thấy vui.

Các bậc cha mẹ nên:

  • Dạy con cách cất đồ chơi sau khi chơi xong;
  • Kiểm tra đồ chơi thường xuyên để đảm bảo rằng chúng không bị hỏng hoặc không sử dụng được;
  • Đồ chơi bằng gỗ không nên có mảnh vụn gỗ;
  • Xe đạp và các đồ chơi dùng ngoài trời không nên bị rỉ sét;
  • Đồ chơi nhồi bông không nên bị rách chỉ hoặc có thể bị xé rách dễ dàng;
  • Bỏ đi đồ chơi đã bị hỏng hoặc sửa chữa chúng ngay lập tức;
  • Cất giữ cẩn thận các đồ chơi dùng ngoài trời khi không dùng để chúng không dính mưa hoặc sương;
  • Giữ đồ chơi sạch. Một số đồ chơi bằng nhựa có thể được làm sạch bằng cách thông thường, nhưng bạn nên làm theo các chỉ dẫn của nhà sản xuất để làm sạch đồ chơi đúng cách. Một cách khác để làm sạch đồ chơi là trộn xà phòng diệt khuẩn hoặc chất tẩy rửa nhẹ bằng nước nóng vào bình xịt để làm sạch đồ chơi và sau đó xả lại.

Các vật dụng gây nguy hiểm nào cần tránh?

Nhiều vật dụng gây nguy hiểm có thể làm trẻ chú ý và thích thú. Bạn nên lưu ý để các vật dụng sau đây cách xa tầm với của trẻ như:

  • Pháo hoa;
  • Diêm;
  • Kéo;
  • Bóng bay (bóng bay bị xẹp hoặc đã bị nổ có thể gây nghẹt thở).

Hello Bacsi hi vọng những bí quyết trên đây sẽ giúp bố mẹ chọn được cho bé những món đồ chơi vừa an toàn vừa mang lại niềm vui cho bé!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!