Theo BS. Nguyễn Thị Vân và ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, dị ứng thuốc đúng nghĩa xảy ra khi có một phản ứng dị ứng sau khi sử dụng một loại dược phẩm nào đó. Lần đầu tiên khi sử dụng một loại dược phẩm nào đó, hệ miễn dịch sẽ có một đáp ứng, lần kế tiếp sử dụng loại dược phẩm ấy, lại sẽ xảy ra một đáp ứng miễn dịch.
Khi ấy cơ thể chúng ta sẽ tạo ra kháng thể và histamin. Đa số những trường hợp dị ứng thuốc sẽ gây mẫn đỏ da, tuy nhiên có một số trường hợp nghiêm trọng thì những phản ứng dị ứng xảy ra toàn cơ thể và có thể nguy hại đến tính mạng.
Khị bị dị ứng thuốc, nhiều người vẫn chưa biết cách xử lí khoa học nên đê lại nhiều hậu quả đáng tiếc, vì vậy các bác sỹ sẽ giải đáp các thắc mắc của độc giả để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này.
Câu hỏi 1:
Tôi là nam giới, năm nay 41 tuổi, thưa bác sĩ mỗi khi tôi dùng thuốc tây hay bị dị ứng ngứa trong cơ thể thì có liên quan gì đến lá gan không bác sĩ. Em nhờ bác sĩ tư vấn cho em biết cách điều trị. Em cảm ơn!
Ảnh minh họa
BS. Nguyễn Thị Vân trả lời:
Chào anh,
Dị ứng thuốc là phản ứng của thống miễn dịch cơ thể với vật lạ (dị nguyên), tức là phản ứng giữa kháng thể sẵn có trong máu với dị nguyên lạ, đây là một loại phản ứng quá mẫn và biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Dị ứng thuốc xảy ra ở mọi lứa tuổi, bất kỳ lúc nào và với mọi loại thuốc, qua các con đường: uống, tiêm, truyền, thậm chí cả thuốc bôi ngoài da.
Tùy theo cơ địa, loại thuốc và liều lượng thuốc đưa vào cơ thể, mà người dùng thuốc có thể bị dị ứng nặng hay nhẹ. Nhẹ thì nổi ban, mày đay. Nặng thì sốc phản vệ, có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Khi bị dị ứng do thuốc, cần dừng thuốc đó ngay và sử dụng thuốc chống dị ứng, tránh tình trạng nặng lên. Nhớ nhóm thuốc gây dị ứng để tránh dị ứng những lần sau.
Dị ứng thuốc không liên quan đến gan, chỉ có tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Tuy nhiên, tác dụng phụ không nguy hiểm như dị ứng thuốc, nếu xảy ra chỉ cần dừng thuốc hoặc giảm liều là hết.
Anh có cơ địa dị ứng thuốc, do vậy không nên lạm dụng thuốc hoặc tự ý mua thuốc để điều trị, cho dù đó là thuốc uống hay thuốc bôi… Khi uống thuốc thấy có biểu hiện khác thường, anh đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Khi đi khám cần uống, tiêm thuốc, anh cũng nên thông báo cho bác sĩ biết những thuốc anh hay bị dị ứng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chúc anh sức khỏe!
Câu 2
Cháu năm nay 21 tuổi, nữ. Cháu bị mụn vài năm gần đây nhưng mụn không nhiều lắm. Tuần trước cháu có đi khám và bác sĩ kê đơn thuốc cho cháu uống gồm acnotin 20mg, berofine, azitomex 250mg và thuốc bôi, sữa rửa mặt. Cháu uống được 3 ngày thì mặt bắt đầu bong da và có hiện tượng hơi ngứa. Cháu uống thêm 3 ngày thì thấy da bong nhiều hơn, ửng đỏ, ngứa, khô môi, sưng mí mắt, rát. Cháu không dám rửa sữa rửa mặt và bôi thuốc do da quá khô. Bây giờ cháu chỉ rửa bằng nước muối pha loãng.
Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu có nên tiếp tục uống thuốc hay không và hiện tượng của cháu có ảnh hưởng gì không ạ. Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Cháu xin chân thành cảm ơn!
Ảnh minh họa
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai trả lời:
Chào cháu!
Theo như cháu mô tả nhiều khả năng cháu bị dị ứng với các thuốc uống trị mụn trứng cá.
Hai thuốc acnotin 20mg và berofine đều là những thuốc có thành phần vitamin A, dùng điều trị các dạng mụn trứng cá nặng, nhất là dạng mụn bọc. Việc uống đồng thời cả hai thuốc này có thể dẫn đến quá liều vitamin A. Quá liều vitamin A có thể gây khô da, nhạy cảm với ánh sáng: khô môi, buồn nôn, đau bụng, chán ăn, viêm lợi, viêm kết mạc, kém thích nghi bóng tối, đục thủy tinh thể, rối loạn thị trường, nhức đầu, trầm cảm.
Thuốc azitomex 250mg là một kháng sinh uống dùng điều trị nhiễm trùng hay gặp gây mụn trứng cá. Thuốc có thể gây dị ứng ở những người mẫn cảm với azithromycin hoặc kháng sinh nhóm macrolid.
Do cả hai tình trạng quá liều vitamin A và dị ứng thuốc đều rất nguy hiểm nên cháu cần ngưng ngay việc sử dụng thuốc, đồng thời đi khám tại chuyên khoa da liễu để các bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc điều trị cho phù hợp.
Chúc cháu chóng khỏe!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!