BS CK2 Đặng Thị Kim Huyên, BV ĐH Y Dược, cho biết mỗi tháng khoa này vẫn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh hen suyễn, tuy nhiên việc kiểm soát bệnh hen suyễn ở nước ta còn gặp một số khó khăn trong chẩn đoán, điều trị và tuân thủ điều trị ở bệnh nhân.
Thông tin từ Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng công bố mới đây cho thấy tỉ lệ trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 12-13 có tỉ lệ mắc bệnh hen phế quản cao nhất châu Á với 29,1% và đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở độ tuổi 6-12 trở về sau. Bệnh nhân chỉ có thể kiểm soát được bệnh mà không thể điều trị dứt vĩnh viễn do ảnh hưởng từ cơ địa, yếu tố từ gia đình.
Hen suyễn là một bệnh lý của đường phế quản có hai đặc điểm cơ bản đó là co thắt đường thở và hiện tượng sưng viêm trong lòng phế quản, vì vậy để nhận biết người bệnh từ ban đầu rất khó, chỉ khi nó thể hiện ra triệu chứng người bệnh mới đến bệnh viện khám, đôi lúc còn lầm lẫn, lo lắng khi thấy mình có triệu chứng ho, khó thở nhưng lại không phải là hen suyễn, nhiều người lại nhầm lẫn hen với các bệnh lý đường hô hấp khác.
BS CK2 Đặng Thị Kim Huyên, khoa Hô hấp BV ĐH Y Dược, khám cho bệnh nhân. Ảnh: Hà Phượng
Một trong những lo lắng làm con số ghi nhận bệnh nhân mắc hen suyễn tăng kỷ lục ở TP.HCM hiện nay là do thói quen điều trị của người bệnh, họ không hiểu bản chất thật sự của căn bệnh này. Khi bệnh nhân tới khám và xác định bị hen, các bác sĩ sẽ cho uống thuốc, xịt thuốc để ổn định hết triệu chứng khó thở sau một thời gian dài do đó không quan tâm điều trị nữa. Tuy nhiên, hiện tượng sưng viêm vẫn còn trong đường thở nhưng không được nhận biết và bệnh tiếp tục tái phát.Vì vậy người bệnh cần phải điều trị với các loại thuốc chống viêm, chống sưng trong thời hạn lâu dài mới có thể chống sưng viêm mạn tính. Trung bình trong một năm mới giảm tần suất khó thở, khò khè, ngoài ra có tới 88% người bệnh không biết hen suyễn có thể kiểm soát được vì vậy họ bỏ mặc không chú tâm đến.
BS Huyên cho biết hiện tại chưa có biện pháp nào dứt hẳn suyễn thật sự (giai đoạn 12 tuổi trở lên) và chưa có phương thuốc nào đặc trị cả về Tây y lẫn Đông y. Do đó, để giảm bớt gánh nặng của bệnh này, quan trọng nhất bệnh nhân hen suyễn cần kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh tác nhân gây ra triệu chứng bệnh trong môi trường như tránh trực tiếp tiếp xúc với bụi, khói, nhất là thuốc lá và các chất kích thích, tránh hoạt động thể lực mạnh và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành, khi xịt nước hoa, thuốc muỗi cần tránh xa để người bị hen không phải tiếp xúc, không cho trẻ ôm thú cưng, thú nhồi bông vì lông có thể ảnh hưởng đến hô hấp...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!