Làm sao bảo vệ trẻ khỏi quấy rối và đe dọa trên mạng?

Sống Khỏe - 11/24/2024

Quấy rối và đe dọa trên mạng sẽ gây ra những tác hại nguy hiểm đối với con của bạn. Bài viết sẽ giúp bạn bảo vệ con khỏi tình trạng này.

Quấy rối, đe dọa trên mạng là một hình thức quấy rối mới, liên quan đến việc sử dụng truyền thông điện tử để đe dọa và quấy rối một ai đó. Nó bao gồm việc gửi thư điện tử hoặc văn bản khó chịu, đăng hình ảnh nhục nhã, hoặc phát sóng thông tin đáng xấu hổ. Hiện trạng và cách phòng ngừa vấn nạn này như thế nào? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thật chính xác nhé!

Quấy rối, đe dọa trên mạng dễ lây lan và gây hậu quả xấu

Thật vậy, cộng đồng mạng ngày nay là một nhóm đông đảo những con người không danh tính nhưng rất nguy hiểm. Dạo Facebook một vòng, bạn dễ dàng bắt gặp những group, fanpage mang những cái tên như: Hội những người trẻ cực ghét người A, Hội những người anti nhân vật B, hay Hội những người tẩy chay ca sĩ C…

Không nói đến lí do vì sao họ ghét hay tẩy chay nhưng việc cả một tập thể nhiều người hùa vào công khai nói xấu một người đã là chuyện không đúng. Nhưng tệ hơn, việc nhiều trang điện tử như thế này dùng những lời lẽ để bôi xấu, lăng mạ hay đe dọa người khác là những hành vi trái pháp luật.

Khác với đe dọa thông thường chỉ diễn ra ở một số địa điểm hoặc thời gian nhất định, hăm dọa trên mạng là không tránh né được và diễn ra 24/7. Không ai khác, đối tượng dễ bị tổn thương bởi những lời đe dọa trên mạng chính là các em học sinh. Việc tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội trong giai đoạn tâm lí không ổn định dễ khiến các em bị ảnh hưởng xấu, dù là ở vị trí người đe dọa hay người bị hại.

Những cách đề phòng quấy rối, đe dọa trên mạng

Ngày nay, trong khi luật pháp còn chưa quy định rõ về xử lí quấy rối, hăm dọa trên mạng, cách tốt nhất để bảo vệ con của bạn chính là giữ môi trường mạng an toàn bằng cách:

Dạy con về cách ứng xử có văn hóa trên mạng

Con bạn thường không được dạy về cách hành xử trên mạng như thế nào cho đúng đắn, và thậm chí ngay cả người lớn cũng vậy. Bạn nên răn dạy con:

  • Không được chuyển thư/tin nhắn của một người cho người khác mà chưa có sự cho phép;
  • Không nên  giả vờ là một người khác, đăng nhập tài khoản của họ và viết những lời đùa cợt;
  • Không nên nói xấu người khác trên mạng xã hội, vì lời nói trên mạng không được kiểm soát, dễ bị lan truyền và xuyên tạc;
  • Không đăng kí thông tin cá nhân tùy tiện cho bất cứ trang web nào không chính thống.

Giám sát và thiết lập giới hạn truy cập Internet 

Ít nhất cho đến trước trung học, trẻ cần phải được giám sát và bảo vệ khỏi những mối nguy trên Internet. Các nghiên cứu cho thấy trẻ em có tiền sử bị quấy rối, hăm dọa hay tẩy chay ở tuổi dậy thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong những năm trung học và đại học.

Nếu trẻ được phép sử dụng điện thoại, hãy hạn chế các chức năng giải trí tối thiểu và không nên để con bạn nhắn tin cả đêm với bạn bè.

Ngoài ra,  bạn hãy chia sẻ với con về các mối quan hệ trên lớp và ở câu lạc bộ, để chắc chắn rằng con bạn đủ hiểu về các mối nguy hiểm cũng như biết cảnh giác trước người lạ.

Bạn cũng nên tìm hiểu những gì con mình chia sẻ trên mạng xã hội. Ít nhất là bạn hãy định kì kiểm tra các hoạt động truy cập trên máy tính mà con bạn sử dụng. Tuổi vị thành niên cần được tôn trọng và bảo vệ hơn ai hết, vì vậy hãy trao đổi thẳng thắn với con bạn để có kết quả tốt nhất nhé!

Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:

  • Rối loạn tâm lý ở trẻ em – đừng xem thường!
  • Cảnh báo nguy cơ về bệnh trầm cảm ở sinh viên
  • Cảnh báo: thanh niên cũng bị sa sút trí tuệ
  • Xử lý tình trạng bạo hành trẻ em

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!