Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Ngày 1/10/2018 vừa qua, giải Nobel Y khoa 2018 đã vinh danh James P. Allison và Tasuku Honjo nhờ thành tựu tìm ra cách kích thích hệ thống miễn dịch tự chống lại tế bào ung thư. Đây là một bước tiến lớn cho liệu pháp miễn dịch có thể thay đổi cách điều trị ung thư hiện nay.

Ngày 1/10/2018 vừa qua, giải Nobel Y khoa 2018 đã vinh danh James P. Allison và Tasuku Honjo nhờ thành tựu tìm ra cách kích thích hệ thống miễn dịch tự chống lại tế bào ung thư. Đây là một bước tiến lớn cho liệu pháp miễn dịch có thể thay đổi cách điều trị ung thư hiện nay.

Khi bị chẩn đoán ung thư, bệnh nhân ung thư có thể phải trải qua phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc thường phải trải qua các phác đồ điều trị để kiểm soát khối u. Các liệu pháp điều trị ung thư phổ biến ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

  • Hóa trị (Chemotherapy)
  • Xạ trị (Radiation)
  • Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy)
  • Liệu pháp điều trị trúng đích (Targeted Therapies)
  • Liệu pháp gen (Gene therapy).

Hóa trị và xạ trị là hai liệu pháp điều trị ung thư truyền thống. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, một số bệnh nhân ung thư Việt Nam đã xem xét và điều trị bằng liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy). Nhiều trường hợp cho thấy điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đem lại kết quả rất khả quan.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là một liệu pháp mới tại Việt Nam và trên thế giới. Nhiều bệnh nhân ung thư băn khoăn liệu mình có đủ điều kiện điều trị bằng liệu pháp miễn dịch hay không, liệu pháp miễn dịch có những ưu điểm gì, có hiệu quả không…

Vì thế, hãy cùng Hello Bacsi giải đáp những thắc mắc này nhằm giúp bệnh nhân và bác sĩ đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp nhất để chủ động hơn khi điều trị ung thư.

Điều kiện để thực hiện liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư

Liệu pháp miễn dịch là liệu pháp dùng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại các tế bào ung thư. Các bác sĩ có thể kích thích để hệ miễn dịch làm việc nhiều hơn hoặc đưa một số protein vào hệ miễn dịch để hệ thống này chống các tế bào ung thư tốt hơn.

Liệu pháp miễn dịch được chia làm nhiều loại, bao gồm:

  • Kháng thể đơn dòng
  • Vaccine ung thư
  • Liệu pháp virus tiêu diệt khối u
  • Liệu pháp tế bào T
  • Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu

Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đã được dùng điều trị cho bệnh nhân ung thư trong một số trường hợp sau:

1. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi

Trong những năm gần đây, liệu pháp miễn dịch đã trở thành công cụ quan trọng trong điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối. Một số loại thuốc trong liệu pháp miễn dịch được chấp nhận trong điều trị ung thư phổi có thể kể đến như:

• Nivolumab (Opdivo): Tháng 3/2015, thuốc Nivolumad đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng trong điều trị ung thư phổi tế bào vảy khi điều trị lần đầu (phác đồ 1) hết tác dụng. Sau đó loại thuốc này cũng được chấp thuận dùng trong điều trị tất cả các loại ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) khi lần trị liệu đầu hết tác dụng.

• Pembrolizumab (Keytruda): Tháng 10/2015, thuốc Pembrolizumad đã được cấp phép sử dụng cho những bệnh nhân có khối u có protein PD-L1 và mới hóa trị lần đầu. Tháng 10/2016, loại thuốc này được FDA chấp thuận sử dụng như liệu pháp điều trị đầu tiên cho một số bệnh nhân.

• Atezolizumab (Tecentriq): Tháng 10/2016, thuốc Atezolizumab đã được chấp thuận dùng trong điều trị cho tất cả các bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn cuối sau khi đã hóa trị. 

2. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư máu

FDA đã chấp thuận liệu pháp miễn dịch có tên là liệu pháp tế bào CAR-T (CAR-T là tên viết tắt của “Chimeric Antigen Receptor T-cell” có nghĩa là tế bào lympho T có chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm) dùng trong điều trị 2 loại ung thư máu. Cụ thể là các loại thuốc sau:

• Tisagenlecleucel (Kymriah): Thuốc này được sử dụng để điều trị cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 25 tuổi bị bệnh ung thư máu cấp tính dòng lympho (ALL) không phản ứng với hóa trị hoặc có phản ứng nhưng bị tái phát tới 2–3 lần sau khi điều trị.

• Axicabtagene ciloleucel (Yescarta): Thuốc này được chấp thuận để điều trị cho người trưởng thành mắc ung thư lympho tế bào B lớn (large B-cell lymphoma), ví dụ như u lympho không Hodgkin không phản ứng với các liệu pháp điều trị khác hoặc bị tái phát sau khi đã được điều trị.

3. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư da

Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch bao gồm: chất ức chế PD-1, chất ức chế PDL-1 và chất ức chế CTLA-4. Các chất ức chế nhắm vào các điểm kiểm soát quan trọng của tế bào lympho T là PD-1 và CTLA-4. Phương pháp này đã được dùng để điều trị một số trường hợp ung thư da. 

4. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị các ung thư khác

Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch gồm có chất ức chế PD-1 và chất ức chế PDL-1 được dùng để điều trị một số trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn cuối, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đầu cổ và u lympho Hodgkin.

Ngoài ra, ứng dụng của liệu pháp miễn dịch trong điều trị các bệnh ung thư khác đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm. 

Bạn hãy lưu ý là liệu pháp miễn dịch không cho kết quả điều trị tốt đối với tất cả các bệnh nhân mắc cùng một loại bệnh ung thư. Có bệnh nhân phục hồi rất nhanh chóng, nhưng một số bệnh nhân lại không đáp ứng với liệu pháp miễn dịch. Bạn hãy xem xét kỹ tiêu chuẩn áp dụng liệu pháp miễn dịch thật kỹ và trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng nhé.

Ưu và nhược điểm của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư

Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ các tế bào bạch cầu và các cơ quan, mô của hệ bạch huyết như tủy xương. Vai trò chính của hệ miễn dịch là chống lại bệnh tật, giúp cơ thể khỏe mạnh. Liệu pháp miễn dịch thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn và hiệu quả hơn, từ đó giúp các tế bào miễn dịch tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả hơn.

Một số liệu pháp miễn dịch đã được cấp phép dùng trong điều trị ung thư, hàng trăm liệu pháp miễn dịch khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nếu bác sĩ đề xuất bạn xem xét dùng liệu pháp miễn dịch, bạn cần trao đổi với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro khi sử dụng liệu pháp này trước khi đưa ra quyết định.

1. Những ưu điểm của liệu pháp miễn dịch

Một số ưu điểm của liệu pháp có thể kể đến như:

• Tác dụng điều trị cao: Liệu pháp miễn dịch có thể có tác dụng trong khi ung thư bạn mắc không phản ứng với các liệu pháp điều trị khác. Một số loại ung thư như ung thư da không phản ứng tốt với xạ trị và hóa trị nhưng lại bị khống chế sau điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.

• Tăng cường hiệu quả các liệu pháp khác: Khi kết hợp với các liệu pháp trị ung thư khác, liệu pháp miễn dịch có thể giúp tăng cường hiệu quả của các liệu pháp điều trị này. Ví dụ, hóa trị có thể có tác dụng tốt hơn nếu được dùng kết hợp với liệu pháp miễn dịch.

• Ít tác dụng phụ hơn: Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch gây ra ít tác dụng phụ hơn bởi vì liệu pháp này chỉ nhắm vào hệ miễn dịch chứ không ảnh hưởng nhiều tới các tế bào khác trong cơ thể.

• Nguy cơ tái phát ung thư có thể thấp hơn: Sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, các tế bào miễn dịch trong cơ thể bạn đã được đào tạo và biết cách tiêu diệt tế bào ung thư khi chúng quay trở lại. Đó là cơ chế đáp ứng miễn dịch nhờ giúp ngăn ngừa tái phát ung thư.

2. Nhược điểm của liệu pháp miễn dịch

Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch có thể gây ra một số vấn đề sau:

• Có thể gây ra một số phản ứng: Những vùng chích thuốc có thể bị các ảnh hưởng như đau, ngứa, sưng, đỏ hoặc rộp.

• Có thể gây ra tác dụng phụ: Một số liệu pháp miễn dịch khiến người dùng có các triệu chứng giống như bị cúm bao gồm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi. Một số tác dụng phụ khác bao gồm sưng, tăng cân do thừa dịch lỏng, tim đập nhanh, tiêu chảy. Tuy nhiên, đa số trường hợp các tác dụng phụ sẽ không còn sau lần điều trị đầu tiên.

• Có thể gây ảnh hưởng tới cơ quankhỏe mạnh: Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch có thể khiến hệ miễn dịch tấn công các cơ quan của cơ thể như tim, gan, phổi, thận và ruột.

• Chậm có tác dụng: Trong một số trường hợp, thời gian phát huy hiệu quả của liệu pháp miễn dịch có thể rất lâu.

• Kénbệnh nhân: Không phải nào cũng phản ứng tốt với liệu pháp miễn dịch. Tới nay, liệu pháp miễn dịch chỉ phát huy hiệu quả ở dưới 50% người dùng. Một số người chỉ có phản ứng một phần có nghĩa là khối u có thể dừng phát triển hoặc nhỏ đi nhưng không biến mất. Các bác sĩ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu lý do gây vấn đề này.

• Cơ thể bạn dễ bị lờn:Liệu pháp miễn dịch có thể ngừng phát huy tác dụng trong một số trường hợp do cơ thể bạn bị lờn.

Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư

Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bao gồm:

1. Phản ứng da:Tình trạng da bị đỏ, phồng rộp, khô là những phản ứng thường gặp. Ngoài ra, da sẽ trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời và sẽ dễ bị trầy xước và bị nhiễm trùng. Bạn nên tìm hiểu cách kiểm soát và điều trị các vấn đề về da và phản ứng da để tránh ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.

2. Cáctriệu chứng cúm:Khi dùng liệu pháp miễn dịch, bạn dễ gặp các triệu chứng giống khi bị cúm như mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, ốm yếu, buồn nôn, nôn…Những tác dụng phụ này đặc biệt dễ gặp nếu bạn dùng liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu và liệu pháp sử dụng virus gây tan bào ung thư. Khi bị những triệu chứng này, bạn cần đặc biệt chú ý tránh mất nước và liên hệ với bác sĩ điều trị ngay.

3. Các tác dụng phụ khác:Một số tác dụng phụ khác có thể kể đến như

  • Ho
  • Đau cơ
  • Khó thở
  • Phù nề ở chân
  • Tắc nghẽn xoang
  • Nhức đầu
  • Tăng cân
  • Bệnh tiêu chảy
  • Những thay đổi về nội tiết tố, kể cả suy giáp

Một số tác dụng phụ có thể biến mất, đặc biệt là sau lần điều trị đầu tiên, nhưng một số tác dụng phụ có thể rất nghiêm trọng và cần đặc biệt chú ý. Trước khi điều trị, bạn cần hỏi bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra và cách xử lý nếu bạn gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

Cách kiểm soát tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư

Tác dụng phụ do liệu pháp miễn dịch gây ra còn tùy thuộc vào từng loại liệu pháp điều trị cụ thể, từng loại khối u, vị trí của khối u cũng như tình trạng sức khỏe của người được điều trị. Khi bắt đầu điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, bạn nên trao đổi với bác sĩ về những tác dụng phụ có thể xảy ra.

Kiểm soát tác dụng phụ trong thời gian điều trị bằng liệu pháp miễn dịch là điều đặc biệt cần thiết để đảm bảo sức khỏe.Bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị ngay nếu thấy bất kỳ tác dụng phụ nào để các bác sĩ có thể hướng dẫn cách kiểm soát hoặc giảm các tác dụng phụ này.  

Sau khi thử những biện pháp bác sĩ chỉ, bạn nên cho bác sĩ biết các tác dụng phụ có được cải thiện không hay vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí là trầm trọng hơn.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ, bác sĩ có thể sẽ phải tạm dừng điều trị (kể cả khi thuốc đang phát huy tác dụng) và kê cho bạn thuốc corticosteroid. Nếu tác dụng phụ không có dấu hiệu cải thiện, bác sĩ có thể phải quyết định cho bạn ngừng điều trị hoàn toàn.

Nếu bạn điều trị cấp cứu hoặc ở những nơi không biết rõ phác đồ điều trị của bạn, bạn hãy cho các nhân viên y tế ở đó biết bạn đang điều trị bằng liệu pháp miễn dịch và cung cấp thông tin thuốc, bác sĩ bạn khám và nơi bạn nhận thuốc điều trị. Điều này sẽ giúp các nhân viên y tế ở đó có thể chăm sóc chức khỏe cho bạn tốt hơn và đối phó với các tình huống khẩn cấp nếu có. 

Kết hợp liệu pháp miễn dịch với các liệu pháp khác

Liệu pháp miễn dịch: Thành tựu mới trong điều trị ung thư

Bác sĩ có thể đề xuất sử dụng liệu pháp miễn dịch riêng lẻ hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch sau khi dùng liệu pháp điều trị khác hoặc dùng kết hợp với một số liệu pháp điều trị như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Đối với những căn bệnh diễn biến phức tạp như ung thư, sử dụng phối hợp nhiều liệu pháp điều trị có thể giúp tối ưu hiệu quả điều trị.

1. Kết hợp hai loại liệu pháp miễn dịch

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp 2 liệu pháp miễn dịch hoạt động theo 2 cách khác nhau. Một liệu pháp điều trị có thể ngăn chặn tế bào ung thư trốn hệ miễn dịch, một liệu pháp khác có thể giúp tế bào miễn dịch phát hiện tế bào ung thư hiệu quả. Kết hợp 2 liệu pháp miễn dịch có thể giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả và chính xác hơn.

FDA đã cấp phép sử dụng kết hợp nivolumab (Opdivo) và ipilimumab (Yervoy) trong điều trị ung thư da, kết quả cho thấy kết hợp 2 loại thuốc cho hiệu quả cao hơn.

2. Kết hợp liệu pháp miễn dịch và xạ trị

Xạ trị có thể ảnh hưởng tới một số tế bào miễn dịch của cơ thể nhưng liệu pháp miễn dịch có thể khắc phục được nhược điểm này. Ngoài ra, xạ trị cũng khiến các tế bào ung thư dễ bị tế bào miễn dịch phát hiện và tiêu diệt hơn.

Kết hợp xạ trị và liệu pháp miễn dịch đã cho thấy hiệu quả trong điều trị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư da…

3. Kết hợp liệu pháp miễn dịch và hóa trị

Các nhà khoa học cho biết cũng giống như xạ trị, kết hợp liệu pháp miễn dịch với hóa trị khiến tế bào ung thư dễ phản ứng với liệu pháp miễn dịch hơn. Hóa trị đã được sử dụng kết hợp với 2 liệu pháp tế bào miễn dịch là liệu pháp CAR-T và liệu pháp TCR.

Bác sĩ thường sẽ đề xuất điều trị lần một bằng hóa trị để giảm số lượng các tế bào miễn dịch khác trước khi đưa tế bào T đã được cải biến vào máu. Điều này sẽ giúp tế bào T được chuyển vào có thể tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư dễ dàng hơn.

Liệu pháp miễn dịch Nivolumab cũng có thể được kết hợp với các liệu pháp hóa trị khác trong điều trị một số loại ung thư da, u lympho Hodgkin, ung thư phổi, thận, ung thư đại tràng và ung thư gan.

Cơ hội chữa trị ung thư của liệu pháp miễn dịch ngày càng được củng cố với giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học nghiên cứu về liệu pháp này. Các bệnh nhân ung thư nay đã có thêm hy vọng chữa bệnh có tác dụng cao mà lại gặp ít tác dụng phụ.

Hồng Nhung | HELLO BACSI 

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Liệu pháp massage không chỉ thư giãn mà còn giúp bạn trị bệnh
  • Liệu pháp mùi hương: Tại sao bạn nên thử?
  • Liệu pháp hormone và những điều bạn cần biết

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!