Mẹo để 1-3 phút khám bệnh của bạn có hiệu quả nhất

Sống Khỏe - 05/05/2024

Hello Bacsi -Bạn cảm thấy bực mình khi bác sĩ dường như không quan tâm đến sức khỏe của bạn? Hãy khoan phán xét họ trước khi bạn đọc bài viết này nhé!

Xã hội phát triển kéo theo chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao. Vì nhu cầu có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, con người ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để có thể đến phòng mạch tư, bệnh viện quốc tế hay dịch vụ khám chất lượng cao để có thể nhận được những lời khuyên chi tiết và cụ thể về sức khỏe của mình. Bài viết sau đây sẽ giúp cho bạn tìm cách nâng cao mối quan hệ với những người thầy thuốc để có thể tìm hiểu chi tiết triệu chứng và cách chữa trị đối với bệnh tình của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại phòng khám thông thường.

Tại sao bạn lại cần nói chuyện với bác sĩ?

Nếu không có những cuộc trò chuyện tìm hiểu giữa bệnh nhân và bác sĩ, bác sĩ có thể chẩn đoán sai hoặc đưa ra những xét nghiệm không cần thiết. Và nếu việc trao đổi về bệnh, cách điều trị căn bệnh của bạn và bác sĩ bị hạn chế, bạn có thể rất khó hiểu được hoặc làm theo quá trình điều trị. Chính vì thế, mối quan hệ của bạn với bác sĩ thực sự là nền tảng vững chắc của việc chăm sóc sức khỏe.

Bạn nghĩ rằng các thầy thuốc không quan tâm đến người bệnh?

Sự thật thì hầu hết các bác sĩ đều muốn đem hết khả năng của mình để chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thời gian không cho phép họ làm điều đó. Một bác sĩ hàng ngày có thể khám đến hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân, vì vậy họ chỉ có tối đa 5-10 phút cho mỗi bệnh nhân. Thậm chí một số bác sĩ ở các bệnh viện có thể chỉ có 2-3 phút. Vì vậy, thật khó để các bác sĩ dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, trả lời chi tiết cho mọi câu hỏi của người bệnh. Chính vì thế, việc bạn có thể đưa ra những câu hỏi súc tích, ngắn gọn giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn và mất ít thời gian hơn vô cùng quan trọng.

Làm sao để việc trao đổi giữa bạn và bác sĩ trở nên hiệu quả hơn chỉ trong ít phút khám bệnh?

Những mẹo trò chuyện dưới đây sẽ khiến việc điều trị của bạn trở nên hiệu quả hơn:

  • Liệt kê 3 điều chính mà bạn muốn biết khi đi khám và hãy tập trung hỏi bác sĩ  những điều này;
  • Luyện tập kể chuyện để bạn có thể kết hợp các thông tin có liên quan nhất. Và nhớ cho bác sĩ biết những gì đang xảy ra và tại sao nó liên quan đến bạn;
  • Giả dụ rằng bạn bị đau vai. Thay vì nói “vai tôi đau và tôi muốn làm MRI”. Bạn có thể nói rằng “Em gái tôi bị ung thư mà lan vào trong xương và vai cô ấy. Bây giờ tôi thực sự lo lắng về cơn đau ở vai tôi”. Điều này sẽ giúp tăng khả năng chú ý của bác sĩ đối với bạn;
  • Đặt câu hỏi đồng thời lồng vào quyết định của bạn: “Liệu có phải là tác dụng phụ từ thuốc gây ra các triệu chứng của tôi?” hoặc “Điều trị này sẽ giúp tôi cải thiện tình trạng này được bao nhiêu?”. Hãy đặt mình vào vị trí nhân vật trung tâm của các cuộc hội thoại, thay vì bày tỏ rằng “Tôi nghe nói là…” hoặc thắc mắc: “Sao người khác bị như thế này?”.

Những cách khiến bác sĩ lắng nghe bạn chăm chú hơn

Nếu bạn cảm thấy bác sĩ không thật sự chú tâm nghe những gì bạn đang nói, hãy mạnh mẽ, kiên quyết lên nhưng phải vui vẻ và lịch sự, ví dụ như “Tôi biết bác sĩ đang rất bận rộn và không có nhiều thời gian, nhưng tôi sẽ rất cảm kích nếu bác sĩ cho tôi ý kiến vềtình trạng này”; hoặc “Có vẻ như bác sĩ đang có nhiều bệnh nhân quá. Liệu tôi có cần chờ đợi cho đến khi bác sĩ có thể lắng nghe tôi?”…

Bất kỳ lời bày tỏ nào trong tất cả những điều vừa trình bày cũng có thể đủ để làm cho bác sĩ hiểu được ý nghĩ, cảm xúc của bạn. Nếu không, bạn có thể đề nghị cuộc hẹn lần khác.

Khi nào bạn nên quyết định chuyển sang thăm khám ở một bác sĩ khác?

Các bác sĩ có thể chịu rất nhiều áp lực khi trong một ngày mà phải gặp quá nhiều người trong thời gian quá ít. Nhưng nếu họ không cho phép bạn đặt câu hỏi, chia sẻ trong việc ra quyết định hoặc tham gia vào việc chăm sóc của bạn, đó là lúc bạn nên tìm một bác sĩ khác.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

  • Ai sẽ khám bệnh cho con bạn?
  • Lời khuyên cho người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
  • Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư vú

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!