MERS 'nhắm' tới người mắc bệnh mãn tính

Sống khỏe mạnh - 05/15/2024

Đây là một điểm khác của căn bệnh này với SARS.

Ngày 13/5/2014, sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố trường hợp thứ hai mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) tại Mỹ, đã có những câu hỏi cũng như quan ngại về căn bệnh này. Sau đây là 8 điều bạn nên biết về MERS.

1. MERS là gì?

MERS là một bệnh hô hấp do một loại vi-rút gây ra mà gần đây mới gặp ở người. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Các trường hợp nhiễm MERS đầu tiên xuất hiện vào tháng 9 năm 2012 tại Ả-rập Xê-út, và vi-rút đã gây bệnh cho hơn 500 người ở 14 quốc gia. Gần 30% số người nhiễm bệnh đã tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở Trung Đông, đặc biệt là ở Ả-rập Xê-út. Vi-rút gây ra MERS được gọi là coronavirus MERS.

MERS 'nhắm' tới người mắc bệnh mãn tính

Tính đến thời điểm tháng 5/2014, 30% số người nhiễm bệnh đã tử vong (Ảnh minh họa: Internet)

2. MERS có giống như SARS?

Câu trả lời là không. Cả MERS và SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) đều có cùng họ vi-rút, còn được gọi là vi-rút corona, nhưng hai loại vi-rút này không giống nhau.

Không giống như SARS, có xu hướng ảnh hưởng đến những người trẻ và khỏe mạnh, MERS tấn công những người đang mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim hoặc bệnh thận.

3. MERS bắt nguồn từ đâu?

Các nhà nghiên cứu không biết chắc chắn điều này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, coronavi-rút MERS được tìm thấy trong cơ thể lạc đà ở Ai Cập, Qatar và Ả-rập Xê-út. Nhưng các nhà nghiên cứu không thể chắc chắn liệu có phải con người bị lây bệnh từ lạc đà hay không. Có thể là một loài vật khác lây nhiễm vi-rút này cho cả người và lạc đà. Vi-rút MERS cũng đã được tìm thấy ở loài dơi.

4. MERS đã đến Mỹ?

MERS 'nhắm' tới người mắc bệnh mãn tính

Từng có 2 bệnh nhân nhiễm MERS tại nước Mỹ (Ảnh minh họa: Internet)

Đúng vậy. Đã có hai trường hợp được xác nhận nhiễm MERS ở Mỹ. Cả hai trường hợp đều đã nhiễm bệnh ở nước ngoài và đi tới Hoa Kỳ.

Trường hợp đầu tiên là một người xuất phát từ Ả-rập Xê-út đến Chicago vào cuối tháng 4, sau đó đi xe buýt đến Indiana. Bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, và không ai trong số những người tiếp xúc gần với bệnh nhân có dấu hiệu của MERS.

Trường hợp thứ hai là một nhân viên y tế, cũng đi từ Ả-rập Xê-út đến Orlando vào ngày1 tháng 5, và được nhập viện từ ngày hôm đó. Các quan chức y tế đã theo dõi những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân.

5. MERS có khả năng lây lan ở các nhà ga?

Các quan chức y tế cho biết nguy cơ lây lan MERS ra cộng đồng từ trường hợp trên là cực kỳ thấp. Để MERS lây lan, đòi hỏi có sự tiếp xúc gần gũi. Hầu hết các trường hợp lây truyền từ người sang người xảy ra ở những người chăm sóc cho người bệnh.

6. Đã có sự gia tăng về số lượng người nhiễm MERS trong thời gian gần đây?

MERS 'nhắm' tới người mắc bệnh mãn tính

Số lượng người nhiễm MERS ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa: Internet)

Đúng vậy. Kể từ cuối tháng 3/2014 đến tháng 5/2014, đã có 330 trường hợp nhiễm MERS mới trên toàn thế giới, hầu hết ở Ả-rập Xê-út. Trước đó, đã phát hiện gần 200 trường hợp nhiễm MERS trong thời gian 1,5 năm từ tháng 9/2012 đến tháng 2/2014.

7. Lý do làm tăng số người nhiễm bệnh là gì? Là do vi-rút đột biến?

Lý do làm tăng số trường hợp nhiễm bệnh MERS vẫn chưa được hiểu rõ. Theo WHO, đa phần các trường hợp mới mắc xuất hiện trong các ổ dịch ở bệnh viện, nhưng cũng có những trường hợp mắc bệnh 'lẻ tẻ' khi bệnh nhân không tiếp xúc với bất cứ ai nhiễm MERS.

Theo tiến sĩ Tom Frieden, Giám đốc CDC, sở dĩ có sự gia tăng như vậy có thể là kết quả của những nỗ lực kiểm soát bệnh tốt hơn, có nghĩa là các quan chức y tế đã phát hiện nhiều ca bệnh hơn. Phát biểu tại một cuộc họp báo, tiến sĩ Frieden cũng cho biết, các quan chức y tế đã giải mã bộ gen của vi-rút, và cho đến tháng 5/2014, nó không bị đột biến.

8. Sau khi nhiễm vi-rút, triệu chứng sẽ xuất hiện sau bao lâu?

Theo CDC, thời gian từ khi tiếp xúc với vi-rút đến khi có những triệu chứng mệt mỏi, thông thường khoảng 5 ngày, và nhiều nhất là 14 ngày.

Những người bị sốt và ho hoặc khó thở trong vòng 2 tuần du lịch đến các nước trong hoặc gần bán đảo Ả-rập nên đến gặp bác sĩ và nói rõ về lịch sử đi lại của mình.

  Xem chuyên đề về MERS tại đây

 

 Khánh Hiền (Livescience)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!