Chương trình có sự tham gia của: GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng.
MC: Trước tình hình khó lường của MERS, Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện như thế nào để đối phó với dịch bệnh nếu MERS vào Việt Nam? Thứ trưởng có lời khuyên gì cho người dân không ạ?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Mặc dù khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới đã đưa ra nhận định việc lây lan của MERS trong cộng đồng là chưa có bằng chứng rõ ràng. Nhưng việc xuất hiện các ca bệnh ở Hàn Quốc chúng tôi khá quan ngại, tốc độ gia tăng MERS rất nhanh, đã có 9 ca bệnh tử vong ở Hàn Quốc. Vì vậy chúng tôi cho rằng cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ đặc biệt là liệu vi-rút có biến đổi về gen, khả năng lây truyền như thế nào, miễn dịch cộng đồng như thế nào với MERS. Thứ 2, MERS lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Ngay khi bắt đầu, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo với người dân để có những biện pháp đối phó với MERS. Đối với người dân, nên hạn chế đến với các vùng có dịch. Và áp dụng các biện pháp đề phòng thông thường như rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, khi hắt hơi, sổ mũi thì phải có che chắn để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Khi có bất kỳ triệu chứng sốt, ho, khó thở và nếu người đó đi từ vùng có dịch thì phải đến ngay cơ sở y tế. Điều này rất quan trọng, người dân phải hợp tác với cán bộ Y tế. Việc này để bảo vệ sức khỏe bản thân và người xung quanh. Vừa rồi, cũng có nhiều trường hợp đi từ vùng có dịch về, khi có triệu chứng đã chủ động đến cơ sở y tế để kiểm tra. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp trả lời người dân về Mers-CoV - Phần 1
MC: Bệnh MERS-CoV lây lan qua đường hô hấp. Việc phòng chống bệnh chủ yếu là đeo khẩu trang. Xin được hỏi PGS.TS Trần Đắc Phu, trong môi trường tụ tập đông người dễ lây lan căn bệnh MERS-CoV như ở sân bay, liệu việc đeo khẩu trang có ngăn ngừa được bệnh lây lan không ạ?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước tiên tôi muốn nói là đeo khẩu trang giúp phòng chống rất nhiều bệnh, không chỉ MERS, mà còn cúm,... Có 2 vấn đề: Khi đến bệnh viện, nơi có nguy cơ lây nhiễm thì cần phải đeo khẩu trang. Cần sự chủ động từ cả người bệnh và cả người phòng bệnh. Những người bị ho, sốt, cúm thì đeo khẩu trang để không lây lan cho người khác. Nếu đeo khẩu trang ở sân bay thì rất tốt nhưng không phải ai cũng đeo được vì họ phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều người. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, bệnh MERS-CoV lây lan qua tiếp xúc gần, chưa có khuếch tán lớn trong không khí, đeo được khẩu trang là tốt nhưng cũng không phải thời điểm nào cũng đeo khẩu trang. Tùy thời điểm, tùy môi trường để đeo, đặc biệt cần ý trong môi trường bệnh viện và khi tiếp xúc với những người có bệnh về hô hấp để phòng bệnh cho những người khác.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế
Nguyên Hà: Thưa các chuyên gia. Tôi được biết Hàn Quốc hiện đang trong tình trạng báo động cao trước sự lây lan của MERS-CoV. Đặc biệt đã có 7 ca tử vong tính đến ngày 9/6. Tuy nhiên, ở nước ta nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về bệnh MERS-CoV và tính nguy hiểm của vi-rút này. Có thể do tâm lý bệnh chưa vào Việt Nam nên chưa chuẩn bị tinh thần. Vậy, xin hỏi Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đối với số đông người dân chưa ý thức về sự nguy hiểm của bệnh khi mà dịch bệnh đã lây lan sang Hàn Quốc, một quốc gia Châu Á rất gần với chúng ta, Thứ trưởng có lời khuyên gì cho họ không ạ?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cũng đã rất nhiều lần đưa ra khuyến cáo người dân, tăng cường cung cấp thông tin đến người dân để dân hiểu, áp dụng các biện pháp và hợp tác với các cơ quan ý tế. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Y tế và các bộ ban ngành sẽ thông tin về bệnh một cách nhanh nhất cho người dân. Chúng tôi cũng mong rằng người dân sẽ để ý đến, nên hiểu về MERS là như thế nào, biết áp dụng các phương pháp pháp chống bệnh thông thường. Đặc biệt những vị khách quốc tế, những người từ vùng có dịch trở về, nếu có những biểu hiện lâm sàng về bệnh, cần khẩn trương đi kiểm tra, hợp tác với cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời. Điều này hết sức quan trọng. Nếu phát hiện sớm, nguy cơ tử vong rất thấp. Nếu phát hiện triệu chứng lam sàng muộn, người bệnh đó sẽ có nguy cơ tử vong cao và lây lan ra cộng đồng. Tôi cho rằng chỉ có ý thức của người dân, hiểu biết một cách rõ ràng về bệnh mới giúp dịch bệnh được phòng tránh tốt nhất.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Hiện tại trên thế giới bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Xin được hỏi PGS.TS Nguyễn Văn Kính, nếu có bệnh nhân mắc MERS, sẽ phải điều trị như thế nào để hạn chế ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể?
PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Như chúng ta đều biết bản chất căn nguyên dẫn đến MERS là vi-rút corona, một vi-rút dẫn đến SARS, và chúng ta đã phải đối phó với SARS năm 2003. Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được dịch này. Vì thế với những kinh nghiệm từ bệnh SARS, chúng ta có khả năng khống chế được MERS nếu bệnh đến Việt Nam. Bệnh chưa có thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm như Thứ trưởng đã nói. Chúng ta không những ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh mà còn làm giảm tỉ lệ tử vong. Đó là điều mà bệnh viện hoàn toàn có khả năng đối phó được. Bởi vì, cách đây 10 năm, khi chúng ta còn đang thiếu thốn về trang thiết bị, kiến thức về căn bệnh nhưng chúng ta vẫn có đủ năng lực để chiến đấu với dịch. Vậy, trong trường hợp dịch xảy ra, với tinh thần quyết liệt phòng chống dịch, chúng ta đều đã sẵn sàng ứng phó.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp trả lời người dân về Mers-CoV - Phần 2
Bệnh MERS-CoV chưa có vắc xin phòng ngừa căn bệnh này. Vậy thưa phó giáo sư, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương đã có những nghiên cứu hay thử nghiệm gì về vắc-xin chống MERS-CoV hay chưa? Việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin mới chống MERS-CoV liệu có gặp khó khăn gì không?
PGS.TS. Trần Như Dương: Việc nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh là mục tiêu rất quan trọng của những người làm công tác phòng bệnh. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào trên thế giới có vắc-xin phòng bệnh. Ở Việt Nam cũng chưa có bệnh nhân nào nhiễm MERS, nên cũng không có chủng vi-rút để nghiên cứu điều chế vắc-xin. Vì vậy việc tìm ra vắc-xin MERS trong thời điểm này là khá khó khăn vì chưa có cơ sở điều chế, có vắc-xin phòng chống sẽ mang lại hiệu quả cao trong phòng tránh bệnh. Nhưng nếu chưa có vắc-xin thì việc phòng chống bằng các hành động đơn giản cũng quan trọng và hiệu quả.
Hải Linh (Hà Nội): Trong trường hợp người mẹ đang cho con bú bị nhiễm MERS thì có phải dừng cho con bú không?
PGS.TS Trần Như Dương: Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra MERS lây qua sữa mẹ. Tuy nhiên, vi-rút này lây qua hô hấp, tiếp xúc, vì vậy cần phải cách ly để điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (bên trái) và PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (bên phải)
Dịch SARS năm 2003 đã ghi nhận 774 ca tử vong. Tuy nhiên, với 6 ca tử vong do SARS, Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Hiện tại, vi-rút gây Bệnh MERS-CoV có cùng họ với bệnh SARS năm 2003 và có biểu hiện bệnh gần giống nhau. Liệu từ dịch SARS, chúng ta rút ra bài học gì ý nghĩa? Chúng ta liệu có khả năng khống chế căn bệnh MERS-CoV không ạ?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cho rằng bài học từ dịch SARS rất ý nghĩa trong việc phòng chống MERS và nhiều dịch bệnh khác. Đầu tiên là sự chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ và các chuyên ngành. Dịch SARS 2003, chúng ta đã cách ly và điều trị rất thành công, ở Bệnh viện Nhiệt đới, chúng ta không để lây nhiễm từ bệnh nhân sang bệnh nhân hay nhân viên y tế. Việc cách ly được làm triệt để. Và chúng ta điều trị thành công ca SARS đầu tiên, khi các nước đang hoang mang. Đây là sự động viên rất lớn.
Hàn Quốc cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm. Thứ nhất phải giám sát chặt chẽ. Hàn Quốc mất cảnh giác trong việc giám sát trường hợp đầu tiên, bệnh nhân đi qua 4 bệnh viện mà không phát hiện ra. Thứ 2 là việc lây lan trong cơ sở y tế, mặc dù Hàn Quốc là nơi có điều kiện y tế rất tốt. Vì vậy, cần phải cách ly càng sớm càng tốt. Chúng tôi đã khuyến cáo tới các đơn vị về việc cách ly ca bệnh đầu tiên. Không chỉ MERS mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng cần phải làm tốt khâu này. Từ những bài học này, chúng tôi rất tự tin khi kiểm soát dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp trả lời người dân về Mers-CoV - Phần 3
Vậy trong trường hợp khẩn cấp có dấu hiệu của bệnh MERS-CoV, người bệnh phải làm gì khi chưa có sự can thiệp kịp thời của nhân viên y tế?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước tiên, chúng ta đang ở giai đoạn chưa có ca bệnh, nên yếu tố dịch tễ rất quan trọng, tức là bạn có đi từ vùng có dịch như Trung Đông hay Hàn Quốc về hay không. Nếu có triệu chứng bất thường thì phải đến ngay cơ sở y tế. Có những số điện thoại người dân có thể nghe tư vấn, xét nghiệm. Thứ 2, bạn phải phòng bệnh để không bị lây nhiễm từ người khác. Thứ 3 là cố gắng cập nhật thông tin, khuyến cáo y tế để có kiến thức bảo vệ sức khỏe.
Ngô Văn Đình, Vĩnh Phúc: Có lưu ý đặc biệt gì về chế độ ăn uống đối với bệnh nhân nhiễm MERS hay không? Đối với người khỏe mạnh bình thường chưa bị nhiễm bệnh, thì chúng ta nên ăn uống thế nào để tăng cường sức đề kháng chống lại việc bị nhiễm MERS?
PGS.TS Trần Như Dương: Hiện nay, nói chung, vấn đề đảm bảo sức khỏe, giữ thể trạng tốt cũng là cách phòng tránh bệnh tật. MERS hay bất cứ bệnh tật nào cũng cần thể trạng sức khỏe tốt. MERS hiện tại vẫn chưa có một chế dộ ăn uống cụ thể nào. Vì vậy, mọi người cần phải có chế độ ăn uống đảm bảo, thói quen sinh hoạt tốt ngay từ đầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp trả lời người dân về Mers-CoV - Phần 4
Nguyễn Thị Nga (Nam Định): MERS có lây từ động vật như chó mèo, động vật nuôi sang người hay không? Đặc biệt nhà em làm nông, nuôi rất nhiều gà vịt, lợn, trâu bò thì có nguy cơ gì về căn bệnh này hay không?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Bạn quan tâm đến một điều rất đúng vì giờ có nhiều bệnh lây từ động vật sang người. Hiện nay cũng chưa có bằng chứng hay thông báo nào, ngoài việc căn bệnh này lây từ dơi sang lạc đà, từ lạc đà sang người. Việc lây từ lạc đà sang người, như ăn thịt lạc đà, uống sữa lạc đà, cũng chưa có bằng chứng cụ thể. Hiện nay, Việt Nam có nhiều bệnh lây từ động vật sang người, như dại, cúm A H1N1, nên việc hạn chế lây truyền từ động vật sang người là rất cần thiết.
Trước những diễn biến khôn lường của bệnh MERS, tổ chức WHO đã có nhiều nỗ lực phòng chống bệnh. VIệt Nam tuy chưa phải nằm trong báo động đỏ của bệnh nhưng cũng đã có những giải pháp kế hoạch cụ thể đề phòng dịch bệnh lây lan. Tôi được biết Bộ Y Tế đã chuẩn bị đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh MERS-CoV tại các khu vực: miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Nhiệm vụ cụ thể của 'Đội đáp ứng nhanh' là gì? Tôi xin cảm ơn.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Được sự chỉ đạo lãnh đạo bộ, chúng tôi triển khai nhiều việc cần thiết dựa trên khuyến cáo của các tổ chức quốc tế. Chúng tôi phối hợp với các bộ ngành liên quan để có bản kế hoạch phù hợp và hướng dẫn giám sát toàn hệ thống để không bị bối rối trước từng tình huống. Kể cả vấn đề ứng phó với trường hợp nhiễm bệnh hay truyền thông để cung cấp thông tin cho người dân. Chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành dưới sự chỉ đạo của chính phủ, trước từng diễn biến sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!