1. Tập thể dục phòng tránh ngã
Tập thể dục cải thiện sức bền, tính linh hoạt và sự cân bằng - giúp bạn đứng chắc trên đôi chân của mình. Gắn bó với các bài tập vận động nhịp nhàng như đi bộ hoặc bơi lội. Bỏ qua các môn thể thao phải uốn cong và vặn người như golf hoặc những môn có nguy cơ cao bị ngã như trượt tuyết.
2. Nói chuyện với bác sĩ
Nhiều loại thuốc và sự kết hợp thuốc có thể khiến bạn rất buồn ngủ hoặc chóng mặt. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn. Liệu bạn vẫn cần dùng tất cả các loại thuốc đó? Bạn có thể dùng liều nhỏ hơn? Bạn có nên thay thuốc khác? Ngoài ra, hỏi thêm về tình trạng sức khỏe khác có thể khiến bạn không thể đứng vững. Đặc biệt các bệnh về mắt và tai có thể ảnh hưởng tới khả năng thăng bằng của bạn.
3. Cẩn thận với bước đi
Nếu vỉa hè trơn, hãy đi bộ trên bãi cỏ. Sàn đá cẩm thạch hoặc sàn gạch được đánh bóng có thể rất trơn, vì vậy hãy thử đi lên thảm nếu có thể. Chú ý tới những nơi có bề mặt không bằng phẳng, lề đường hay ngưỡng cửa cao.
4. Chọn giày thích hợp
Đi chân trần hoặc đi tất có thể làm tăng nguy cơ té ngã, vì vậy hãy đi giày ngay cả trong nhà. Chọn giày dép có gót thấp và đế chống trượt. Chắc chắn chọn giày đúng số chân của bạn. Phụ nữ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giày đủ rộng để vừa chân có thể thử giày của nam. Thay dép đi trong nhà khi đã cũ và lỏng chân.
5. Sắp xếp đồ đạc gọn gàng
Sắp xếp đồ đạc sao cho có thể dễ dàng đi lại trong nhà của bạn. Để bàn thấp, kệ đựng tạp chí, ghế đẩu và các chậu cây cảnh ra khỏi đường đi. Loại bỏ chướng ngại vật như hộp, báo chí hay quần áo. Hãy chắc chắn dây điện và đường dây điện thoại nằm ngoài lối đi của bạn. Đừng quên quét lá ngoài sân để giữ lối đi được sạch sẽ.
6. Đi chậm
Ở nhà, cần có thời gian cho việc rời khỏi giường hoặc ghế. Không nên vội vã trả lời chuông cửa hoặc điện thoại. Nhiều tai nạn xảy ra khi bạn vội vàng. Khi ra ngoài, không chạy đua với thang máy hoặc cố gắng để chặn cửa thang máy bằng cánh tay hoặc chân của bạn.
7. Sử dụng thiết bị an toàn
Lắp đặt các thanh vịn và thảm cao su trong phòng tắm. Gắn tay vịn ở hai bên cầu thang. Hãy chắc chắn sử dụng thảm chống trượt. Nếu bạn cần sử dụng ghế gấp, hãy chọn loại vững chắc với tay vịn. Không bao giờ mượn gậy của người khác hoặc khung tập đi. Hãy chắc chắn chúng phù hợp với bạn.
8. Đảm bảo đủ ánh sáng
Thị lực thay đổi khi chúng ta già đi, sẽ khó khăn hơn để tránh chướng ngại vật và định hướng trong ánh sáng yếu. Vì vậy, giữ cho phòng của bạn đủ ánh sáng. Lắp đặt công tắc đèn gần lối vào phòng, ở trên cùng và dưới đầu cầu thang. Sử dụng nhiều đèn ngủ và để đèn pin ở vị trí thuận tiện trong trường hợp mất điện. Mở rèm cửa suốt ngày để có nhiều ánh sáng hơn.
9. Chú ý vật nuôi
Chó và mèo là những người bạn đồng hành tuyệt vời, nhưng rất hay quấn quýt dưới chân của bạn. Mỗi năm, ước tính có khoảng 21.000 người cao tuổi bị đưa vào phòng cấp cứu do vấp ngã phải vật nuôi. Đừng để vật nuôi ngủ bên cạnh giường hoặc ghế, những nơi là đường đi của bạn. Đặt đồ chơi và bát của chúng ra khỏi lối đi. Đeo chuông cho thú cưng để cảnh báo bạn khi chúng tới gần.
10. Hạn chế uống rượu
Không có gì đáng ngạc nhiên khi uống nhiều rượu có thể tăng nguy cơ bị ngã. Khi uống rượu, bạn không còn đứng vững trên đôi chân của mình. Tuy nhiên, uống nhiều rượu còn ảnh hưởng đến xương. Rượu có thể hạn chế sự hấp thu canxi, làm cho xương giòn và dễ bị gãy hơn. Nếu bạn khát nước, hãy uống 1 ly sữa không béo giàu canxi, nước trái cây bổ sung hoặc sinh tố sữa chua ít béo.
11. Cân nhắc việc thay kính
Kính hai tròng hoặc ba tròng đôi khi có thể làm cho bạn khó nhìn thẳng phía trước. Đeo kính đơn tròng khi đi bộ, leo cầu thang và các hoạt động ngoài trời có thể giúp bạn nhìn rõ hơn và tránh vấp ngã. Nếu bạn không hoạt động nhiều, việc thay kính có thể khiến bạn mất phương hướng. Hãy tới gặp bác sĩ nhãn khoa hàng năm để được tư vấn.
12. Học cách ngã
Ngay cả khi bạn ngã, có nhiều cách để giảm nguy cơ chấn thương. Hãy nhớ điều này: lăn mình, đừng để ngã trực tiếp. Nếu bạn bắt đầu trượt và không có gì để bám lấy, bước nhanh 1 hoặc 2 bước để lấy lại thăng bằng. Nếu không ngăn được việc ngã nhào, thả mình và cố gắng lăn người khi ngã. Cố gắng tránh va đập vào hông của bạn.
Vân Doãn (Theo webmd)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!