Người thân mắc bệnh tiểu đường, bạn nên làm gì?

Tâm lý - 05/09/2024

Bệnh tiểu đường, theo y học còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn trao đổi chất mãn tính rất phổ biến.

Bệnh tiểu đường thường được gọi là một căn bệnh gia đình. Bởi vì khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh thì điều này cũng ảnh hưởng đến các thành viên khác. Theo một nghiên cứu cho biết rằng các thành viên trong gia đình thường lo lắng rất nhiều khi cùng bệnh nhân kiểm soát căn bệnh này. Sau đây là 5 điều mà bạn phải nhớ khi người thân của mình mắc bệnh tiểu đường.

Hãy nhẹ nhàng với họ

Khi nói chuyện với bệnh nhân đái tháo đường, bạn không nên dùng những lời chỉ trích khó nghe về sức khỏe của họ. Những câu nói như thế này có thể ảnh hưởng xấu đến đến cảm xúc và khiến người thân của bạn thấy bực bội cũng như giận dữ hơn. Điều này không giúp sức khỏe của họ khá lên mà có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tệ hại hơn. Khi bạn muốn giúp đỡ người thân mắc bệnh tiểu đường, bạn cần động viên và khuyến khích họ nhiều hơn là cằn nhằn, phê phán hoặc cho họ những lời khuyên vô ích.

Hãy đảm bảo người thân có một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe

Bệnh nhân tiểu đường không cần một chế độ ăn đặc biệt hơn những người khác. Thật vậy, một chế độ ăn uống khỏe mạnh cho các bệnh nhân này dường như giống với khẩu phần ăn uống lành mạnh dành cho tất cả mọi người bao gồm rau xanh, gạo nguyên cám, các loại trái cây, thực phẩm chế biến từ sữa không hoặc ít chất béo, các loại đậu và đạm nạc từ cá và gia súc. Bạn nên giúp đỡ người thân của mình lựa chọn thực phẩm phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên loại bỏ những thức ăn vặt kém dinh dưỡng và những thức uống chứa nhiều đường ra khỏi thực đơn để không những cải thiện tình trạng sức khỏe của người thân mắc bệnh tiểu đường mà còn cho cả gia đình của bạn.

Bạn nên biết triệu chứng hạ đường huyết và cách xử lý nhanh

Đường máu hạ xuống thấp quá mức bình thường lại là một tình trạng cấp tính rất nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường khó kiểm soát. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm chóng mặt, yếu cơ, cáu kỉnh, đói liên tục, tay run rẩy, hoa mắt, nhức đầu nặng và khó ngủ. Trong trường hợp này bạn nên cho người bệnh ăn bánh, hoa quả hay uống sữa. Tuy nhiên, nếu tình trạng hạ đường huyết vẫn tiếp diễn, bạn nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Hỗ trợ người bạn thương yêu bằng cách tập thể dục cùng họ

Những bài tập hoạt động thể chất giúp các bệnh nhân kiểm soát lượng đường huyết dễ dàng hơn và thậm chí có thể làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc trong quá trình điều trị đái tháo đường. Những người bệnh sẽ dễ tiếp nhận những thói quen tốt cho sức khỏe hơn nếu như có nhiều người trong gia đình thực hiện cùng họ. Tập thể dục thường xuyên là một hoạt động tốt cho tất cả mọi người, vì thế bạn cũng nên đi bộ cùng người bệnh sau bữa ăn tối hoặc tập thể dục cùng họ.

Giúp người thân của bạn ngủ đủ giấc

Sự lo lắng và căng thẳng không chỉ gây ra chứng mất ngủ và chính sự thiếu ngủ lại làm cho người thân của bạn trở nên càng căng thẳng hơn nữa. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm tăng đường huyết. Do vậy, hãy khuyên họ ngủ đúng giờ và đủ 8 tiếng mỗi ngày.

Nói tóm lại, nếu người thân trong gia đình của bạn mắc bệnh đái tháo đường thì bạn và những thành viên khác cần giúp họ sống mạnh khỏe hơn, đây cũng là cách bảo vệ chính gia đình bạn khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:

  • Nguy cơ dẫn đến tiểu đường
  • Tổng quan về phương pháp điều trị tiểu đường
  • Insulin dạng hít – phương pháp chữa trị tiểu đường mới

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!