Nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ

Nuôi dạy con - 04/26/2024

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn vì hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và sức đề kháng kém.

Việt Nam là một nước có khí hậu nóng ẩm mưa nhiều rất thuận lợi cho các bệnh nhiễm khuẩn phát triển. Cùng tìm hiểu những bệnh nhiễm khuẩn mà trẻ thường gặp khi thời tiết không thuận lợi.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính

Vi-rút hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân phổ biến và dễ lây nhất của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới ở trẻ sơ sinh và trẻ em. RSV gây ra các triệu chứng cảm lạnh và gây khó thở mãn tính nếu có sự liên quan đến phổi.

RSV xảy ra như một loại bệnh dịch diễn ra theo mùa, kéo dài từ mùa thu đến mùa đông. RSV khởi đầu bằng sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, ho nhẹ, nghẹt mũi và viêm tai. Dấu hiệu nghiêm trọng hơn bao gồm thở khò khè, khó thở, khó ăn uống hoặc ngủ.

Nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ

Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến trẻ dễ bị mắc bệnh

Ban đỏ nhiễm khuẩn

Ban đỏ nhiễm khuẩn là một loại nhiễm khuẩn phổ biến ở trẻ em tuổi đi học. Nguyên nhân nhiễm trùng là do parvovirus B19 gây ra. Bệnh có các triệu chứng như sốt nhẹ, các triệu chứng giống cúm và đau đầu, sau đó da mặt nổi phát ban đỏ, giống như vừa bị tạt tai. Vùng da phát ban còn lan ra cánh tay, đùi và toàn thân. Bệnh dễ lây qua nước bọt và dịch cơ thể. Trẻ có thể bị lây bệnh khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Đa số trẻ có thể miễn dịch với parvovirus B19 sau khi đã bị nhiễm một lần.

Bệnh tay - chân - miệng

Bệnh tay-chân-miệng (TCM) là hội chứng bệnh ở người gây ra bởi vi-rút đường ruột thuộc họ Picornaviridae. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh gồm sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Những triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn và đau họng. 1-2 ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng.

Ban da xuất hiện trong vòng 1-2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên và một số có thể hình thành bọng nước. Những ban này không ngứa và thường khu trú ở xung quanh miệng, lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Ngoài ra, một số trường hợp ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.

Nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ

Biểu hiện của bệnh chân tay miệng

Viêm thanh khí phế quản

Viêm thanh khí phế quản cấp là một bệnh lý viêm nhiễm cấp tính vùng hạ thanh môn. Những trẻ bị viêm thanh khí phế quản cấp thường khởi đầu bằng những triệu chứng của cảm như ho, sổ mũi, sốt nhẹ. Sau 1 - 3 ngày bắt đầu xuất hiện triệu chứng khàn giọng, khó thở, thở rít, nặng hơn khi thời tiết trở lạnh.

Đặc biệt lứa tuổi thường mắc phải bệnh này là dưới 5 tuổi, do đường thở của trẻ hẹp nên khi bị nhiễm sẽ gây phù nề làm cho đường dẫn khí càng trở nên hẹp hơn và gây nên triệu chứng khó thở.

Sốt tinh hồng nhiệt

Bệnh tinh hồng nhiệt là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em từ 2 - 10 tuổi, còn được gọi là bệnh ban đỏ. Đặc trưng của bệnh là những vùng đỏ trên da khiến toàn thân của trẻ có màu đỏ tươi. Bệnh gây ra do liên cầu khuẩn Strepxococcus nhóm A. Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp, qua không khí hoặc sử dụng chung một số đồ dùng với người bệnh. Ban đầu, các mảng ban đỏ có thể xuất hiện trên cổ và ngực rồi sau đó lan trên toàn bộ cơ thể trẻ kể cả ở lưỡi.

Bệnh chốc lở ngoài da

Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da do 2 loại vi khuẩn thường gặp nhất đó là tụ cầu vàng và liên cầu. Biểu hiện của bệnh rất phổ biến và dễ dàng nhận biết bao gồm những nốt mụn đỏ nổi trên da. Chúng thường xuất hiện ở vùng mặt, đặc biệt ở quanh mũi, miệng và tay chân đồng thời gây ngứa nên làm cho trẻ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thường xuyên gãi, tạo điều kiện vi khuẩn phát tán đến các phần khác của cơ thể. Đây không phải là một bệnh nghiêm trọng ở trẻ em nhưng nó có thể lan rộng ra một vùng da lớn trên cơ thể trẻ và làm cho bệnh nặng hơn.

Nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ nhỏ

Nên cho trẻ đi khám định kỳ

Ho gà

Ho gà do một loại trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vào giai đoạn đầu, bệnh thường biểu hiện bằng ho nhẹ và sẽ nặng dần theo từng cơn sau 7 - 10 ngày, có thể kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị.

Trong thời kỳ này trẻ có những cơn ho rũ rượi kéo dài dẫn đến nôn oẹ, chảy nước mắt và nước mũi. Sau cơn ho mặt trẻ đỏ bừng hoặc tím tái cả người vì bị suy hô hấp. Cuối mỗi cơn ho thường có tiếng rít và xuất hiện nhiều đờm dãi. Ngoài ra, trẻ có thể tử vong do bị ngẹt thở.

Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!