Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM cho biết vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...) sẽ tác động tích cực đến hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, xương và não bộ. Cơ thể của trẻ không tự tổng hợp được vi chất mà chỉ có thể bổ sung thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu cho biết thêm, vì các cơ quan của trẻ chưa hoàn thiện nên nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần đa dạng hơn, nhiều hơn người trưởng thành. Cụ thể, ở giai đoạn 0-12 tuổi, ngoài việc cho con ăn nhiều chất đạm để tạo năng lượng, phụ huynh cần cung cấp vitamin và khoáng chất theo nhu cầu mỗi ngày. Thực tế rất khó để cha mẹ hiểu từng loại vitamin và khoáng chất trong thực phẩm. Vì vậy, khi bổ sung vi chất cho bé, cha mẹ thường mắc phải những sai lầm dưới đây:
Lựa chọn thực phẩm chưa phù hợp
Hiểu chưa đúng các chất có trong thực phẩm có thể khiến mẹ mắc sai lầm khi chọn lựa. Mẹ cứ nghĩ cho con ăn nhiều bí đỏ, cà rốt... để có vitamin A là tốt nhưng thực chất, liều lượng quá nhiều beta caroteen dẫn đến vàng da. Củ dền không có sắt nên bé thiếu máu ăn loại củ này sẽ không hiệu quả.
Nhiều bé hàng ngày phải uống cam để bổ sung vitamin C trong khi nhiều trái cây và rau củ khác cũng rất giàu vitamin này. Phụ huynh cũng cần lưu ý cách cung cấp vitamin C để không ảnh hưởng đến dạ dày còn non yếu của con. Các loại trái cây chua nên dùng sau bữa ăn, chia nhỏ làm nhiều lần với liều lượng vừa phải.
Bên cạnh đó, ngay từ giai đoạn ăn dặm, cha mẹ cần giúp bé xây dựng thói quen ăn uống đúng giờ, đa dạng thực phẩm. Vitamin và khoáng chất có trong nhiều thực phẩm khác nhau, cha mẹ nên ghi nhớ để cho bé ăn thay thế nếu con không thích loại thực phẩm nào đó.
Lựa chọn thực phẩm phù hợp là một trong những cách bổ sung vitamin cho bé. Ảnh: Shutterstock.
Chế biến thực phẩm sai cách
Khi bổ sung vitamin cho trẻ, các mẹ cần lưu ý rằng, phần lớn vitamin rất nhạy cảm với nhiệt, dễ mất đi trong quá trình sơ chế, nấu nướng. Trong khi đó, một số mẹ lại ngâm rửa hay hầm nấu thực phẩm quá lâu, mở vung nhiều lần khi nấu khiến vi chất hao hụt. Nấu nướng không đúng cách có thể khiến vitamin C hao hụt 50%; vitamin B1 giảm 30%; 20% caroten. Cắt rau củ thành miếng quá nhỏ, bằm rau, thịt để sẵn trước khi chế biến còn làm mất đi lượng dinh dưỡng.
Để hạn chế hao hụt chất dinh dưỡng, các mẹ có thể nghiền và xay nhỏ thức ăn sau khi nấu chín, không nên nghiền xay trước khi nấu. Khi nấu, mẹ nên giảm lượng nước, hấp tốt hơn luộc, nướng tốt hơn rán... Trong số cách chế biến, ăn tươi sống hoặc hấp tốt hơn vì giữ nhiều chất dinh dưỡng hơn luộc, hầm, rang... Ăn sống giúp giữ nguyên giá trị các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng với thực phẩm đảm bảo vệ sinh, thực sự tươi ngon.
Nếu biết lựa chọn cách chế biến phù hợp mỗi loại thực phẩm sẽ làm giảm tối thiểu lượng vi chất hao hụt, hạn chế tạo ra các chất bất lợi cho sức khỏe. Thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng phải sử dụng nhiệt độ trên 70 độ C, tốt nhất là 100 độ C để nấu chín.
Đối với chất béo (lipid), khi đun lâu ở nhiệt độ cao, axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng dinh dưỡng. Hạn chế sử dụng dạng dầu giàu chất béo không no (dầu trộn salad) cho mục đích xào, chiên rán vì dạng dầu này sẽ bị biến tính do nhiệt. Các chất khoáng (canxi, photpho, kali, natri, magiê...) trong quá trình nấu có thể biến đổi về số lượng do chúng hòa tan vào nước. Ăn cả cái lẫn nước mới tốt cho sức khỏe.
Tùy theo từng độ tuổi và thể trạng mà bé có nhu cầu vitamin và khoáng chất khác nhau. Ảnh: Shutterstock.
Bổ sung vitamin, khoáng chất chưa theo nhu cầu
Nhu cầu vitamin và khoáng chất ở trẻ bình thường, không có bệnh lý đặc biệt thường giống nhau, phụ thuộc chủ yếu vào lứa tuổi do đặc điểm phát triển của trẻ và theo nhu cầu khuyến nghị .Tuy nhiên, trẻ em có tình trạng dinh dưỡng khác nhau và cần bổ sung thêm khi có nhu cầu tăng hay dự trữ thiếu.
Trẻ suy dinh dưỡng, sinh non có nhu cầu các chất, khoáng và vitamin cao hơn các bé bình thường. Trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu hụt nhiều chất khoáng và vi lượng, do đó ngoài cung cấp theo nhu cầu hàng ngày còn phải bù thêm cho phần dự trữ. Trẻ sinh non thường bị mất muối qua thận nên trong sữa sinh non phải bổ sung nhiều natri bên cạnh đạm, canxi, photpho, vitamin.
Những bé thiếu máu, thiếu sắt sẽ được cung cấp thêm vitamin C để dễ hấp thu, thêm đạm để tạo máu tốt so với nhu cầu hàng ngày. Trẻ còi xương có chiều cao thấp do thiếu canxi và vitamin D. Các bé này cần bổ sung canxi thiếu hụt trong xương, thêm các khoáng chất hỗ trợ xương khác nhau như magiê, photpho... hay các vitamin giúp xương khỏe hơn như vitamin D, A, K2...
Bên cạnh việc cung cấp vitamin cho con qua bữa ăn hằng ngày, vitamin tổng hợp cũng là một giải pháp đơn giản được các mẹ lựa chọn để cung cấp vi chất cho sự phát triển của con. Tuy nhiên, chúng có thể gây hại bé nếu phụ huynh thiếu chú ý đến nguồn gốc, đặc tính sản phẩm. Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chứa chất bảo quản, liều lượng phù hợp là những điều cha mẹ cần quan tâm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!