Những sai lầm trong chăm sóc trẻ mắc thủy đậu

Nuôi dạy con - 04/23/2024

Khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ hay mắc một số sai lầm trong chăm sóc con khiến bệnh lâu khỏi hoặc biến chứng nặng hơn.

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh khi nói chuyện, hắt hơi.

Bệnh thủy đậu có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Các triệu chứng khi mắc thủy đậu

Ban đầu, người bệnh bị sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp không có biểu hiện cụ thể.

Khi bị thủy đậu, người bệnh sẽ xuất hiện những nốt tròn nhỏ. Các nốt này còn được gọi là ‘nốt rạ’ hay ‘nốt phỏng’, chúng xuất hiện trong vòng 12 – 24 giờ. Sau đó các nốt tiến triển thành mụn nước, bóng nước.

Nốt rạ có thể mọc toàn thân hay rải rác trên cơ thể. Khi các mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi trong khoảng 4 – 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày.

Các biến chứng của thủy đậu như: viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… có thể để lại di chứng hoặc gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Biến chứng bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

- Viêm màng não.

- Xuất huyết.

- Nhiễm trùng huyết.

- Nhiễm trùng nốt phỏng.

- Viêm mô tế bào.

- Viêm gan.

- Viêm phổi: ít xảy ra nhưng khi đã xảy ra thường bệnh nặng và khó chữa trị.

Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Nếu trẻ em mắc thủy đậu trước 18 tháng tuổi sẽ có nguy cơ bị bệnh Zona lúc về già.

Nếu phụ nữ mang bầu mà bị nhiễm bệnh rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Tùy thuộc vào tuổi thai mà mức độ ảnh hưởng nặng hay nhẹ.

Những bất thường có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Biến chứng lớn nhất là có thể dẫn đến thai lưu.

Những sai lầm trong chăm sóc trẻ mắc thủy đậu

Trẻ mắc thủy đậu. Ảnh minh họa.

Khi trẻ bị thủy đậu, cha mẹ hay mắc các sai lầm sau

- Kiêng gió, kiêng nước và kiêng không tắm cho trẻ. Theo Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bố mẹ nên tắm nước ấm, không tắm lâu cho trẻ như lúc khỏe, giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt để không bị biến chứng viêm da bội nhiễm.

- Tắm lá thuốc nam để trẻ nhanh khỏi bệnh.

Nhiều bậc cha mẹ tắm các loại nước lá cho con theo kinh nghiệm dân gian để nhanh hết các nốt rạ. Tuy nhiên, khỏi chưa thấy đâu nhưng đó lại là nguyên nhân gây nhiễm trùng da ở trẻ.

Bé Nguyễn Trung Đức (trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) nổi các nốt thủy đậu được mẹ tắm bằng lá thuốc nam. Hai ngày sau, các nốt phát ban trên cơ thể phồng rộp, lở loét. Cho con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ kết luận bé bị nhiễm độc da - thủy đậu. Theo Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều gia đình có thói quen tắm lá thuốc nam khi trẻ bị thủy đậu, gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân.

- Bôi xanh methylen cho trẻ khắp người khi nốt phỏng chưa vỡ.

Theo Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi nào nốt phỏng vỡ, mới chấm trực tiếp thuốc xanh methylen vào nốt vỡ làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng khô nhanh. Khi nốt phỏng chưa vỡ, thì không cần thiết bôi xanh methylen.

- Không cách ly trẻ.

Do bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây nên cần cách ly trẻ mắc bệnh với những người chưa có miễn dịch. Nên cách ly trẻ để tránh lây lan. Đồ dùng của người bệnh cần giặt ủi cẩn thận, giặt riêng bằng nước ấm để loại bỏ virus, tránh trở thành vật trung gian truyền bệnh.

Khi trẻ bị thủy đậu, bố mẹ cần tắm rửa sạch sẽ cho bé, bôi thuốc sát trùng đúng cách, không được cậy vỡ các nốt trên da. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, bố mẹ nên cho trẻ đi tới các cơ sở y tế để được thăm khám.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Đối với bệnh thủy đậu, cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm chủng vắc xin.

Trẻ từ 12 tháng tuổi - 12 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau 6 tuần.

Trẻ trong độ tuổi từ 4 – 6: có thể tiêm nhắc lại để gia tăng hiệu quả phòng.

Trẻ trên 13 tuổi, người lớn, tiêm 2 liều cách nhau 6 tuần.

Bạn tránh đưa trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với khu vực xuất hiện dịch bệnh.

Nếu giao tiếp với người mắc bệnh thủy đậu cần đeo khẩu trang y tế. Sau khi đi ra ngoài, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi trẻ chơi đồ chơi nên rửa tay sạch để loại bỏ mầm bệnh.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!