Chị Thương 44 tuổi, ở Cầu Diễn, Hà Nội. Bố chị tham gia kháng chiến chống Mỹ, mẹ là y tá, sau giải phóng mới sinh được chị và cô em gái. Kinh tế khó khăn, bố mẹ chị vất vả nuôi hai chị em ăn học, trưởng thành rồi lấy chồng, ai nấy có cuộc sống đầm ấm. Vậy mà chưa kịp bù đắp công ơn sinh thành thì bố mẹ chị qua đời.
Sau khi mua được một căn hộ chung cư cao cấp, chị Thương vui mừng về nhà mới và chuẩn bị đưa bài vị bố mẹ về thờ cúng cho tròn chữ hiếu. Nhưng mẹ chồng chị biết chuyện, bà mắng, rồi cấm tiệt chị không được thờ bố mẹ đẻ ở nhà mình và chồng chị cũng… nghe theo.
Chị Thương nuốt nước mắt vào trong, nhờ chú ruột ở quê tới nhà bố mẹ đẻ ở lúc sinh thời thay chị hương khói. Từ đó, chị không thấy yêu gia đình chồng, yêu chồng như trước và mỗi khi dịp lễ Tết, giỗ chạp, lòng chị lại trào lên nỗi xót thương người đã sinh ra mình…
Vấn đề 'con gái có thể thờ cúng tổ tiên không và như thế nào?' là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm. Ảnh minh họa
Câu chuyện của gia đình chị Thương cũng là câu chuyện của nhiều gia đình sinh con một bề là gái ở Việt Nam. Là quốc gia châu Á có nền văn hoá truyền thống, người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn; khi cha mẹ qua đời, con trai đứng trước, con gái đứng sau, chỉ có cháu trai mới được bê bát hương ông, bà; con trai mới được vào nơi thờ tự, đóng góp giỗ tổ tiên…
Bất hợp lý là ở chỗ, trong xã hội hiện nay, khi bố mẹ già cả, ốm đau, lễ lạt giỗ chạp thì mọi việc thường là do chị em gánh vác chứ không phải là đàn ông. Nhưng khi chị em muốn thờ cúng bố mẹ đẻ trong gia đình mình thì đâu đó vấp phải sự phản ứng từ chồng và gia đình chồng, số chị em được chồng ủng hộ và cởi mở về vấn đề này không nhiều. Thực trạng này không chỉ phản ánh vấn đề bất bình đẳng giới, coi trọng con trai hơn con gái, mà những rạn vỡ trong gia đình cũng bắt nguồn từ việc không bảo toàn chữ hiếu của đạo làm con dù là trai hay gái.
Thực tế cho thấy, xuất phát từ quan niệm trách nhiệm thờ cúng bố mẹ, tổ tiên là của con trai, nếu không có con trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà qua đời sẽ không có người và nơi thờ cúng nên rất nhiều gia đình Việt vẫn có tư tưởng phải cố đẻ cho được 'thằng cu'. Chính điều này dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đến nay, trong xã hội, việc thờ cúng tổ tiên đã có những chuyển biến rõ nét hơn về tính 'song hệ'. Tuy nhiên, 'con gái có thể thờ cúng tổ tiên không và như thế nào?' vẫn là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn Chu Lai cho biết ông ủng hộ việc đàn bà thờ phụng gia tiên nhà ngoại: 'Việc thờ cúng ông bà, tổ tiên hoàn toàn có thể trông đợi vào cô con gái. Có khi việc thờ cúng này còn được chu đáo, cẩn thận hơn' - ông nói.
Nhà văn Chu Lai.
Cũng theo nhà văn Chu Lai, ông chưa gặp trường hợp nào mà gia đình bên nội cấm đoán thờ cúng bên ngoại vì bản thân trong gia đình ông, vợ ông vẫn đặt ảnh bố đẻ của bà là liệt sĩ trên ban thờ. Và điều này nhà văn Chu Lai hoàn toàn thoải mái. Ông không có chút cảm giác cấm kỵ, phân vân, băn khoăn gì cả. Theo nhà văn, khói hương bảng lản gắn kết những linh hồn con người vào với nhau, bất kể bên nội hay bên ngoại để tạo nên sự thành kính nhân đôi trong lòng những người đang sống.
Bàn về chuyện con gái có được thờ bố mẹ đẻ ở nhà chồng hay không, bà Đặng Cẩm Tú - Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản - Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt từ rất lâu đời. Tuy nhiên, ngày nay khi xã hội phát triển, chúng ta sống trong một thế giới phẳng, có sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa khác nhau. Cho đến thời điểm hiện tại, theo nghiên cứu thì tư tưởng này đã dần được cải thiện. Như luật bình đẳng giới ra đời, vấn đề giới, lồng ghép giới được đề cao trong các lĩnh vực của cuộc sống. Đấy cũng đã góp phần làm giảm thiểu tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong xã hội...
Cũng theo bà Tú, vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi là quan trọng. Áp dụng vào trong một gia đình hay một dòng họ, chúng ta có thể trao đổi với những người có vị trí, uy tín trong dòng tộc, trong gia đình. Từ đó, sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ các thành viên trong gia đình, dòng tộc và xã hội.
Bà Đặng Cẩm Tú cũng chia sẻ, bà là con gái duy nhất trong gia đình, trong khi bố bà cũng là con trai duy nhất của ông bà nội. Hiện tại, gia đình bà Tú và bản thân bà vẫn thờ cúng tổ tiên, ông bà của cả 2 bên nội ngoại của bố mẹ bà.
'Theo tôi, việc thờ cúng là xuất phát từ tâm của mình. Tôi cũng quan niệm trần sao thì âm vậy, miễn là mình tâm sáng, lòng trong thì tổ tiên sẽ hiểu và chứng cho bản thân và gia đình mình' - bà Tú cho hay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!