Nhân vật “con nhà người ta” có lẽ là “kẻ thù không biết mặt” của rất nhiều người. Bởi “người này” luôn là ví dụ được các bậc phụ huynh mang ra so sánh với con cái của mình dù chẳng ai thật sự biết tài năng xuất chúng ấy là ai. Để phản ứng lại, có người sẽ cố gắng phấn đấu chứng minh rằng mình giỏi hơn “người vô hình”, nhưng lại có người sẽ cảm thấy mặc cảm, tự ti và thu mình lại. Vậy tâm lý hay so sánh của con người xuất phát từ đâu và liệu nó có phải là cú hích tinh thần hữu hiệu?
“So sánh xã hội” là gì?
Hành vi so sánh một người, có thể là bản thân hoặc con cái, với một người khác, thường là người giỏi giang hay nổi tiếng hơn, có tên trong tâm lý học là “so sánh xã hội”.
So sánh xã hội là một điều vô cùng phổ biến. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không thể ngăn mình chú ý đến việc những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, các thành viên trong gia đình, và thậm chí nhân vật hư cấu trong phim luôn thông minh hơn, giàu hơn, khỏe mạnh hơn, hóm hỉnh hơn hoặc hấp dẫn hơn chúng ta. Khi câu hỏi “Hôm nay anh/chị/bạn sao rồi?” được đặt ra, hay mỗi lần chúng ta lướt qua các quyển tạp chí với ảnh bìa là những người nổi tiếng, thành đạt và thầm ngưỡng mộ họ hoặc khi ta chia sẻ về các mối quan hệ của bản thân với người khác thì khi đó chúng ta đang thực hiện so sánh xã hội.
Lợi ích của hành vi so sánh xã hội là gì?
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng so sánh như vậy có thể có ích. Đôi khi chúng truyền cảm hứng cho chúng ta phấn đấu để đạt được mục tiêu, tham vọng hoặc để cải thiện những điểm yếu ở mỗi người. Việc xem một thần đồng piano chơi một bản xô-nát hay có thể động viên một nghệ sĩ nghiệp dư làm việc chăm chỉ hơn. Tại các thời điểm khác, so sánh xã hội có thể làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn về hoàn cảnh riêng của mình. Cha mẹ của một đứa trẻ sơ sinh nhẹ cân nặng có thể cảm thấy an ủi phần nào khi nhận thấy rằng các bé sơ sinh khác thậm chí còn mong manh hơn cả con mình.
Còn tác hại thì sao?
Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp thì quan sát người khác làm như thế nào hay nhận thức về những gì họ có vẫn tiềm tàng khả năng gây nguy hại cho bạn. So sánh “hướng lên” (ví dụ, “Anh ấy đã được trả một mức lương cao hơn”, “Cô ấy ốm hơn”) có thể dẫn đến cảm giác tự ti, đau khổ và mất lòng tự trọng, trong khi so sánh “đi xuống” (ví dụ, “Ông bị sa thải,” “bệnh ung thư của cô ấy đã bị lây lan”) có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi và những lo lắng rằng bạn có thể trải qua cuộc sống tương tự.
Càng thực hiện nhiều so sánh xã hội, bạn càng có nhiều khả năng đụng độ với những so sánh không có lợi và trở nên nhạy cảm hơn, dẫn đến việc bạn phải trải qua những cảm xúc tiêu cực.
Thật vậy, những so sánh xã hội phần lớn sẽ gây ra ác cảm bởi “Núi này cao còn có núi khác cao hơn”, cho dù ta có trở nên thành công, giàu có, may mắn như thế nào thì vẫn sẽ có người hơn chúng ta. Có một câu chuyện trên đài phát thanh về một phụ nữ đã kể lại những lời khuyên chín chắn của cha mình để trả lời các lời phàn nàn của cô ấy về việc cô ấy thua thiệt người khác thế nào: “Cha đã từng nói với tôi, ‘Con hãy nhìn vào hai biệt thự trên đường này xem, chúng đều là những ngôi nhà trị giá hàng triệu đô tuyệt đẹp. Nhưng căn biệt thự ở phía bên trái lại có tầm nhìn ra biển và căn bên kia thì không có. Con có nghĩ rằng người sống trong ngôi biệt thự thứ hai ghen tị không?”
Đối phó với chuyện so sánh như thế nào? Kinh nghiệm từ người “hạnh phúc”
Bạn không thể cùng lúc cảm thấy ghen tị và hạnh phúc. Những người quá chú trọng đến các so sánh xã hội sẽ rất dễ bị tổn thương, luôn có cảm giác bị đe dọa và không an toàn.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều dự án nhằm tìm ra những người được cho là “cực kì hạnh phúc” hoặc “cực kì không hạnh phúc”. Cả hai nhóm người sẽ được phỏng vấn trong cùng một khoảng thời gian. Ban đầu, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những người hạnh phúc sẽ ít so sánh mình với những người khác (do vậy họ cảm thấy mình tốt đẹp hơn), trong khi người không hạnh phúc sẽ có khuynh hướng so sánh mình với những người khác nổi trội hơn (do vậy mà họ luôn không vui).
Tuy nhiên, khi hỏi những người tham gia phỏng vấn về so sánh xã hội, những người hạnh phúc không hề biết các nhà nghiên cứu đang nói về điều gì!
Tất nhiên họ hiểu thế nào là so sánh mình với người khác. Nhưng những người cho rằng mình hạnh phúc lại không quan tâm đến vấn đề này. Họ sử dụng các tiêu chuẩn riêng để đánh giá bản thân (Ví dụ, họ cảm thấy họ tốt ở môn toán hoặc nấu hoặc đàm thoại như thế nào), hơn là để cho thành tích của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc của mình về bản thân (ví dụ, không trở thành nạn nhân của những suy nghĩ như “Bạn hiểu biết hơn tôi, vì vậy tôi rất tầm thường”).
Cảm thấy bất ngờ với những phát hiện ban đầu, các nhà nghiên cứu quyết định xác nhận lại những điều trên bằng bằng các nghiên cứu được kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Trong những năm kế, họ đã thấy rằng người hạnh phúc luôn tìm được niềm vui trong thành công của người khác và cho thấy sự cảm thông của họ khi nhìn thấy người khác thất bại. Tuy nhiên, những người không hạnh phúc thì ngược lại. Họ cảm thấy thất vọng khi nhìn thấy thành tích và chiến thắng của các đồng nghiệp và cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn thấy thất bại hay nguy hại thanh danh của người xung quanh.
Nhìn chung, so sánh bản thân với người khác sẽ là nguồn sức mạnh rất lớn để đạt được thứ hằng mong cầu nếu bạn biết lấy những tấm gương thành công làm làm động lực phấn đấu cho mình. Ngược lại, nếu bạn không tự tin vào bản thân và nhìn thế mạnh của người khác như một mối đe dọa thì bạn nên tránh xa hành vi thực hiện “so sánh xã hội” để giảm thiểu rủi ro mặc cảm và tránh cho bản thân đắm chìm trong xúc cảm tiêu cực.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!