Sống ở Hà Nội, người dân hít những khí độc nào?

Kỹ năng sống - 05/09/2024

Rất nhiều chất khí có hại đang hiện hữu trong cuộc sống người dân Thủ đô, có nguy cơ gây nhiều bệnh về đường hô hấp.

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn là vấn đề nhức nhối tại các thành phố lớn ở các nước đang phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 3,3 triệu người tử vong trên toàn cầu do các bệnh lý gây nên bởi tình trạng ô nhiễm không khí, kể cả nhiễm không khí ngoài trời, tại nơi sinh sống và môi trường làm việc. Tình trạng kẹt xe, khai thác và sử dụng năng lượng, tốc độ đô thị hóa nhanh, hoạt động của các nhà máy, các khu công nghiệp… là những yếu tố chủ yếu gây nên tình trạng này.

Ô nhiễm bụi và một số hóa chất như O3, CO, CO2, NO2, SO2… đang là mối quan tâm của toàn cầu. Bởi lẽ, tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người ngày một rõ ràng hơn. Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do hệ thống hô hấp chưa hoàn thiện, dễ bị tổn thương.

Báo cáo hiện trạng môi trường của Việt Nam năm 2013 cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM ở mức báo động. Hà Nội nằm trong danh sách những thủ đô ô nhiễm không khí nhất Đông Nam Á và châu Á. Những tác nhân hữu hình và vô hình trong bầu không khí ô nhiễm sẵn sàng tấn công sức khỏe ngay cả khi chúng ta đang ngồi trong nhà hay đi ra ngoài trong công việc. 

Sống ở Hà Nội, người dân hít những khí độc nào?

Dưới đây là một số trong rất nhiều các chất, khí có hại trong không khí bị ô nhiễm.

Bụi

Bụi là các hạt có kích thước rất nhỏ lơ lửng trong không khí, theo Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), bụi là các hạt chất rắn có đường kính nhỏ hơn 75µm (1µm = 1/1.000.000m), lắng đọng dưới trọng lượng riêng nhưng có thể còn lơ lửng trong không khí một thời gian. Hạt có kích thước càng lớn thì lắng đọng càng nhanh. Những hạt bụi có kích thước trên 10µm thường bị giữ lại ở mũi và đường hô hấp trên.

Tuy nhiên, những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn (kích thước dưới 5µm) có khả năng thâm nhập vào sâu trong đường hô hấp, gây nên tổn thương phế quản, tiểu phế quản và phế nang. Những loại khẩu trang thông thường được bán trên thị trường chỉ ngăn ngừa được một phần những hạt bụi có kích thước lớn. Do đó, những hạt bụi có kích thước nhỏ vẫn ‘vô tư’ đi vào đường hô hấp của chúng ta mặc khẩu trang, áo choàng hay kính mũ bảo hiểm.

Sống ở Hà Nội, người dân hít những khí độc nào?

SO2, CO

Trong những năm gần đây, nồng độ trung bình của các chất khí như CO, SO2 (trong khói bụi) gia tăng đáng kể. Được sinh ra khi đốt cháy các chất hữu cơ như thuốc lá, xăng dầu, khí thải từ động cơ xe máy, CO (Cacbon monoxit) gây hại cho tim, phổi, mạch máu.

Tiếp xúc với CO nồng độ thấp trong thời gian dài có thể gây nên nhiễm độc CO mạn tính. Nhiễm độc mạn tính CO thường gây suy nhược thần kinh, rối loạn ý thức, mất trí nhớ, lâu dài có thể gây ung thư phổi, đột quỵ, thậm chí tử vong.

SO2 (Ðioxit Sunfua) là chất gây ô nhiễm không khí có nồng độ thấp trong khí quyển, tập trung chủ yếu ở tầng đối lưu. SO2 sinh ra do núi lửa phun, do đốt nhiên liệu than, dầu, khí đốt, sinh khối thực vật, quặng sunfua… Hít khí SO2 trong thời gian dài có thể mắc các bệnh về phổi, khí quản. Ngoài ra, SO2 trong không khí khi gặp oxy và nước tạo thành axit, tập trung trong nước mưa gây ra hiện tượng mưa axit.

O3

Được tạo nên bởi 3 phân tử oxy, khí O3 có nguồn gốc tự nhiên và cũng là sản phẩm do những hoạt động của con người gây nên. O3 ở tầng bình lưu là sản phẩm kết hợp giữa bức xạ tia cực tím trong ánh sáng mặt trời với oxy có tác dụng ngăn chặn những bức xạ tia cực tím tới bề mặt Trái đất.

Sống ở Hà Nội, người dân hít những khí độc nào?

Ở tầng đối lưu, nơi chúng ta hít thở không khí, O3 được tạo nên nhờ sản phẩm của phản ứng giữa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi với Nitrogen oxit (NOx). Nồng độ O3 ở tầng đối lưu tăng cao sẽ gây nên các triệu chứng của tình trạng viêm và kích thích đường hô hấp, đau họng, viêm họng, viêm phế quản, ho, tức ngực, khó thở, tăng khả năng xuất hiện những cơn hen, tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Vì khí ít hòa tan trong nước, nên khi được con người hít vào cơ thể, một lượng không nhỏ khí O3 không hòa tan trong dịch tiết của đường hô hấp trên mà đi thẳng vào đường hô hấp dưới và hấp thu vào lớp màng biểu mô. Tại đây, O3 phản ứng rất nhanh với các phân tử có chứa liên kết các bon chưa bão hòa hoặc các phân tử hữu cơ có chưa liên kết -SH,  gây nên tổn thương tế bào và giải phóng các hóa chất trung gian của phản ứng viêm như cytokine, prostaglandin, leukotrien…

Kết quả nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh hô hấp khá cao trong cộng đồng dân cư ở Hà Nội cho thấy mức độ nguy hại của tình trạng ô nhiễm bụi. Trong đó, không thể loại trừ vai trò của sự gia tăng nồng độ O3 trong không khí với tỷ lệ mắc bệnh hô hấp trong cộng đồng.

>> Xem thêm: Hà Nội: Thủ đô ô nhiễm không khí nhất châu Á

Ảnh minh họa: Internet

Quang Thanh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!