Rất nhiều người mẹ có con 1 – 3 tháng tuổi băn khoăn không biết nên tiêm phòng cho bé vắc-xin ComBE five, Pentaxim, Infanrix hexa hay Hexaxim. Mẹ nên lựa chọn loại vắc-xin nào tốt nhất cho bé đây?
Từ tháng 12/2018 khi bộ y tế đưa vắc-xin 5 trong 1 mới ComBe Five do Ấn Độ sản xuất thay thế vắc-xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc-xin hiện nay được chia làm 2 nhóm:
- Vắc-xin 5 trong 1 tiêm chủng mở rộng: ComBe Five
- Vắc-xin 5 trong 1 (hoặc 6 trong 1) dịch vụ: Pentaxim, Infanrix hexa, Hexaxim
Bạn nên chọn ComBe Five hay các loại vắc-xin dịch vụ như Pentaxim, Infanrix hexa hay Hexaxim để tiêm phòng cho bé? Hello Bacsi sẽ giải đáp những băn khoăn phổ biến của các bà mẹ trong cuộc hành trình tìm hiểu về loại vắc-xin tốt nhất cho con.
1. Vắc-xin 5 trong 1 tiêm chủng mở rộng và vắc-xin dịch vụ giống và khác nhau ở điểm nào?
Dưới đây là các điểm giống nhau và khác nhau giữa các loại vắc-xin:
Điểm giống nhau của các loại vắc-xin tiêm phòng cho bé
Các loại vắc-xin tiêm phòng cho bé giống nhau về thời điểm tiêm và tác dụng phòng ngừa bệnh.
• Thời điểm tiêm: Cả 4 loại vắc-xin trên đều được chỉ định lịch tiêm phòng cho bé vào thời điểm 2 tháng tuổi, tiêm 3 mũi cho trẻ sơ sinh vào tháng thứ 2, 3, 4 hoặc tháng thứ 2, 4, 6 tùy từng cơ sở tiêm chủng. Khoảng cách giữa các mũi tiêm phòng cho bé tối thiểu là 4 tuần.
• Tác dụng phòng ngừa bệnh: Cả 4 loại vắc-xin đều là vắc-xin tổng hợp giúp phòng ngừa các bệnh nguy hiểm ở trẻ bao gồm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh do Hib gây ra. Một số đặc trưng ngừa bệnh của từng loại như:
– Vắc-xin ComBe Five: Có tác dụng ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do Hib gây ra. Sau tiêm, bé cần được uống thêm vắc-xin bại liệt.
– Vắc-xin Pentaxim: Có tác dụng ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib gây ra. Sau tiêm, bé cần được chủng ngừa thêm mũi viêm gan B đơn giá.
– Vắc-xin Infanrix hexa và Hexaxim: Có tác dụng phòng ngừa cả 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh do Hib gây ra. Vì thế sau khi sử dụng, bé không cần tiêm thêm.
Điểm khác nhau giữa các loại vắc-xin tiêm phòng cho bé
Các loại vắc-xin tiêm phòng cho bé khác nhau về tác dụng phụ sau tiêm và nơi sản xuất thuốc.
• Tác dụng phụ sau tiêm: Do thành phần các vắc-xin này dẫn đến tác dụng phụ khác nhau sau tiêm cho trẻ.
– Vắc-xin ComBe Five thành phần ho gà toàn tế bào.
– Ba loại vắc-xin dịch vụ đều có thành phần ho gà vô bào.
Vắc-xin ComBe Five toàn tế bào thường gây các phản ứng nhẹ sau tiêm như sốt, đau chỗ tiêm cao hơn vắc-xin còn lại. Tuy nhiên, cả 4 loại vắc-xin này đều có tỷ lệ phản ứng nặng tương đương nhau và đều rất thấp.
• Nơi sản xuất:Nơi sản xuất của các loại vắc-xin cũng khác nhau:
- Vắc-xin Infanrix hexa do Bỉ sản xuất.
- Vắc-xin ComBe Five do công ty Biological E. Limited của Ấn Độ sản xuất.
- Vắc-xin Pentaxim và Hexaxim do công ty của Pháp Sanofi Pasteur sản xuất.
2. Nếu có điều kiện, mẹ có nên tiêm phòng cho bé bằng vắc-xin dịch vụ?
Vì thành phần ho gà trong vắc xin 5 trong 1 ComBE Five là toàn tế bào nên thường gây các phản ứng nhẹ sau tiêm (sốt, đau chỗ tiêm) cao hơn so với các vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào. Sau 2 tháng được đưa vào tiêm chủng, một số trẻ đã bị sốt cao 39-40 độ C sau tiêm và phải nhập viện điều trị. Một số phản ứng phụ khác như đau chỗ tiêm, quấy khóc sau tiêm vắc xin ComBE Five cũng cao hơn so với vắc xin dịch vụ.
Vắc-xin 6 trong 1 thế hệ mới như Hexaxim ít gây sốt cao, đau chỗ tiêm mà còn có nhiều đặc điểm ưu việt là ở dạng hỗn dịch tiêm pha sẵn:
- Góp phần đơn giản hóa việc tiêm ngừa
- Giảm thiểu tối đa sai sót trong tiêm chủng
- Giúp thời gian tiêm phòng cho bé được rút ngắn
- Tiện dụng cho đối tượng tiêm chủng, mang lại hiệu quả miễn dịch cao
Nếu gia đình có điều kiện và nơi ở có thể tiêm phòng cho bé vắc-xin dịch vụ, bạn nên chọn loại vắc-xin này. Đồng thời bạn nên liên hệ và đăng ký tiêm sớm để có thể tiêm phòng cho bé đúng 2 tháng tuổi.
3. Năm 2019 Việt Nam có vắc xin 5 trong 1 (hoặc 6 trong 1) dịch vụ nào, giá thành, tiêm ở đâu?
Hiện nay, có 3 loại vắc-xin dịch vụ tiêm phòng cho bé đang được lưu hành tại một số cơ sở trên cả nước bao gồm:
- Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim
- Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim
- Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix hexa
Giá thành tham khảo tại công ty cổ phần vắc-xin Việt Nam VNVC (công ty dịch vụ vắc-xin lớn nhất Việt Nam có hệ thống tiêm chủng cho bé tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) như sau:
- Vắc-xin Pentaxim: giá 785.000 VND / mũi, tiêm 3 mũi
- Vắc-xin Hexaxim: giá 1.015.000 VND / mũi, tiêm 3 mũi
- Vắc-xin Infanrix hexa: giá 915.000 VND / mũi, tiêm 3 mũi
Do nhu cầu vắc-xin dịch vụ tiêm phòng cho bé hiện nay quá lớn nên các vắc-xin này khan hiếm và giá thành có thể tăng lên tới 1.500.000 – 1.700.000/mũi.
4. Mẹ tiêm phòng cho bé trễ sau 2 tháng có sao không?
Tháng 2/2019 nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ đã báo hết vắc-xin vì vậy một số bé sẽ phải chờ một tới vài tháng mới có thể tiêm vắc-xin này. Một số tỉnh xa không có vắc-xin dịch vụ khiến một số phụ huynh phải đưa bé tới các thành phố lớn để tiêm phòng cho bé.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh cảnh báo: “Những trẻ không được chích vắc-xin trong thời gian lý tưởng 6 tháng đầu thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn”. Đặc biệt, tỷ lệ mắc phải và tử vong vì bệnh ho gà rất cao ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm vắc-xin muộn, bạn nên chăm sóc trẻ hạn chế nguy cơ mắc bệnh và tiêm các mũi nhắc lại lần 2, 3 đầy đủ.
Trước khi quyết định sử dụng vắc-xin tiêm phòng cho bé, bạn nên xin tư vấn từ các nhân viên y tế có chuyên môn về điều kiện tiêm vắc-xin và thời điểm.
5. Nếu địa phương không còn vắc-xin dịch vụ thì mẹ có thể tiêm ComBe five cho bé không?
Vì nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ ngày một gia tăng nên vắc-xin này càng trở nên khan hiếm, khó tìm. Chi phí tiêm phòng cho bé dịch vụ cho 3 mũi tiêm trên 2 triệu đồng là một số tiền lớn với nhiều gia đình có kinh tế khó khăn. Vì vậy, nếu không thể sử dụng vắc-xin dịch vụ, bạn có thể đưa bé đi tiêm vắc-xin ComBe Five tại trạm y tế xã, phường theo chương trình tiêm chủng cho bé mở rộng.
PGS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến 6/1/2019 đã có 101.862 trẻ em tại 19 tỉnh thành trên cả nước tiêm vắc-xin ComBe Five theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc-xin ComBe Five đã đạt tiêu chuẩn thẩm định của tổ chức Y tế thế giới từ năm 2012, tới nay vắc-xin này đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên thế giới với hơn 400 triệu liều tiêm.
6. Trẻ có thể gặp những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin ComBe Five?
Một số phản ứng nhẹ thường gặp sau tiêm phòng cho bé vắc-xin ComBe Five như sốt, quấy khóc, đau, đỏ và sưng chỗ tiêm… thường sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn 1-3 ngày, bạn chỉ cần theo dõi và chăm sóc tốt cho bé.
Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, khi tiêm bất kỳ một loại vắc-xin gì cũng có một tỷ lệ rất nhỏ 20/1 triệu liều tiêm gặp phản ứng quá mẫn và gây ra sốc phản vệ. Trong trường hợp này trẻ cần được cấp cứu và hỗ trợ y tế kịp thời để đảm bảo an toàn.
7. Mẹ nên chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBe Five như thế nào?
Trước khi tiêm vắc-xin ComBe Five trẻ cần được khám sức khỏe đầy đủ để đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Trong quá trình tiêm chủng, bạn hãy hỏi nhân viên y tế nếu có bất kỳ thắc mắc về trình tự tiêm phòng cho bé (loại vắc-xin, vị trí tiêm…). Bạn hãy chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin ComBe Five:
– Sau khi tiêm vắc-xin, bạn nên cho trẻ ở lại địa điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi, đề phòng sốc phản vệ sau tiêm xảy ra. Nếu trẻ không có biểu hiện gì bất thường và được cán bộ tiêm chủng cho phép thì có thể về nhà.
– Bạn hãy tiếp tục theo dõi trẻ thật cẩn thận ít nhất 24 – 72 giờ sau tiêm, chú ý về nhiệt độ cơ thể, chỗ tiêm, trẻ có bị nổi mẩn, hạch, phát ban, tiêu chảy, nôn, tím tái, ngủ li bì, quấy khóc…hay không.
– Bạn nên cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ, đúng cách và phải thường xuyên kiểm tra, quan sát trẻ đặc biệt là ban đêm.
– Khi trẻ bị sốt dưới 38,5 độ C, bạn nên chườm nước ấm, nới rộng quần áo và dùng thuốc hạ sốt được nhân viên y tế hướng dẫn trước tiêm chủng. Bạn cũng có thể liên hệ với cán bộ y tế để được tư vấn và hỗ trợ nếu cần.
– Tránh không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm vắc-xin, không dùng các loại thuốc lá, cây cỏ, thuốc bôi không rõ nguồn gốc cho trẻ.
Bạn hãy báo cho nhân viên y tế và đưa trẻ đi bệnh viện nếu phát hiện các dấu hiệu sau:
- Tím môi
- Chân lạnh
- Da nổi vân tím
- lừ đừ bất thường
- Co giật, phát ban, tím tái
- Vật vã, quấy khóc dai dẳng
- Khó thở, thở ậm ạch, khó khăn
- Nôn trớ nhiều, bỏ bú, bỏ ăn hoặc bú kém
- Sốt cao trên 39 độ C khó hạ sốt hoặc sốt kéo dài trên 24 giờ
8. Lịch tiêm vắc xin 5 trong 1 cho bé sinh non thiếu tháng, nhẹ cân như thế nào?
Quyết định tiêm vắc-xin là nỗi lo của các bà mẹ có con sinh thiếu tháng, nhẹ cân vì các bé thường yếu và dễ bị ốm trong khi vắc-xin ComBe Five có khả năng gây tác dụng phụ. Theo quy định, trẻ em nên được lên lịch chủng ngừa theo độ tuổi được tính từ ngày sinh. Trẻ sinh non có khả năng đáp ứng tốt với vắc-xin để sản xuất kháng thể cho các bệnh đã được chủng ngừa. Nếu trẻ không gặp các vấn đề sức khỏe và cân nặng không dưới 2kg, bạn nên tiêm chủng cho bé đúng thời điểm 2 tháng tuổi.
Nếu bạn quá lo lắng trẻ bị sốt, quấy khóc… mà trì hoãn tiêm chủng cho bé có thể khiến bé bị mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do không được bảo vệ bởi vắc-xin.
Cha mẹ nào cũng lo lắng khi thấy đứa con bé bỏng của mình khóc sau tiêm vắc-xin. Tuy nhiên vắc-xin đã được tổ chức Y tế thế giới WHO nghiên cứu cẩn thận và được tiêm chủng trên toàn thế giới. Chỉ cần bạn thực hiện đúng hướng dẫn, theo dõi và chăm sóc bé tốt sau tiêm chủng, các vắc-xin này đều an toàn và hiệu quả cao. Vì thế, bạn hãy đưa trẻ đi tiêm phòng cho bé được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhé!
Hồng Nhung | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Vắc-xin 5 trong 1
- Tổng quan về các loại vắc-xin và phân loại vắc-xin
- Giải đáp thắc mắc về loại vắc-xin 6 trong 1
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!