Biếng ăn là tình trạng chung của 40-60% trẻ em. Bữa ăn trở thành cực hình với cả mẹ và bé.
Chị Hòa Thị Dịu, 37 tuổi, ở Bình Dương tỏ ra phiền muộn về vấn đề này. Con chị năm nay 6 tuổi, cao 1m16, nặng 20 kg, rất lười ăn, ăn chậm, tiếng rưỡi mới hết bát cơm. Chị có dùng một số loại thuốc kích thích ăn uống cho bé nhưng bé chỉ ăn nhanh được 1 tuần rồi lại chậm như cũ. Nếu không ép ăn thì chỉ 1 tuần là bé xuống cân, mắt xanh xao, người mệt mỏi. Chị vô cùng lo lắng và không biết phải làm sao.
ThS.BS. Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, xã hội càng phát triển, đời sống nâng cao, nhà nào cũng đầy đủ, nhiều đồ ăn sẵn trong nhà thì trẻ càng biếng ăn.
Trong gia đình, bố mẹ, ông bà càng quan tâm quá mức đến chuyện ăn uống của con thì con càng biếng ăn. Như trường hợp của chị Dịu, chiều cao cân nặng của bé như vậy là hợp lý, bố mẹ không cần quá lo lắng và ép bé phải ăn nhiều. Vì thế việc kéo dài bữa ăn đến 1 tiếng rưỡi thì hoàn toàn không nên. Bữa ăn hợp lý của bé là kéo dài 30 phút, nếu trẻ không ăn thì có thể cho trẻ bỏ bữa đó. Còn nếu cứ kéo dài bữa nọ sang bữa kia, bé lúc nào cũng lửng dạ, không có cảm giác thèm ăn.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Khi bé đã lớn, từ 5-6 tuổi trở lên, bố mẹ hoàn toàn có thể cho bé tự chọn đồ ăn. Có thể bé không thích ăn cơm mà thích ăn bún, phở, bánh mì, bố mẹ hãy đổi món cho bé. Đa dạng thực đơn sẽ giúp bé không thấy nhàm chán mỗi khi ăn.
Nếu bé không chịu ăn, có thể cho trẻ nhịn một vài bữa không sao cả, đừng ép bé ăn thêm bất cứ đồ gì. Trẻ cũng có nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ. Bé không ăn sẽ bị đói và sẽ phải đòi ăn. Lúc đó, bố mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn vặt, ăn đồ ăn thay thế cơm. Hãy bắt trẻ đợi đến bữa cơm và ngồi vào ăn. Cho trẻ biết, nếu con không ăn nhanh, sau 30 phút sẽ không còn đồ cho con ăn nữa, con sẽ bị đói. Một vài lần như vậy bé sẽ không dám ăn chậm hay bỏ ăn.
Trẻ con thường thích ăn vặt và uống nước ngọt. Bố mẹ phải kiểm soát đồ bé ăn trong ngày tránh việc bé lửng dạ, không thèm ăn, bỏ bữa. Trong nhà không cần phải có quá nhiều đồ ăn vặt.
Phần lớn trẻ biếng ăn là do tâm lý của bố mẹ. Bố mẹ muốn con khỏe, mập mạp nên thấy con không ăn hoặc ăn ít thì lo lắng, ép con ăn. Đây được gọi là biếng ăn tâm lý. Trẻ thấy được sự lo lắng của bố mẹ sẽ bị ức chế. Bố mẹ càng ép, con càng phản ứng. Vì vậy bố mẹ cần phải giải tỏa tâm lý trước để trẻ thấy thoải mái mỗi bữa ăn. Hãy để trẻ ăn theo nhu cầu của mình. Đến lúc bố mẹ không lo nữa, không ai để ý, ép trẻ ăn, trẻ đói sẽ tự ăn. Bé ăn, bố mẹ hãy khen, động viên con. Chắc chắn trẻ sẽ không còn biếng ăn nữa.
Xem thêm: Để bữa ăn không còn là nỗi sợ của mẹ và bé
NT
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!