Trí thông minh nhân tạo: Phụ tá đắc lực hay kẻ thù tối tân?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Không chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, trí thông minh nhân tạo có thể kề cận ngay bên cạnh bạn như một phụ tá trong hình hài của chiếc điện thoại. Tuy nhiên, nhiều tin đồn lại cho rằng trí thông minh nhân tạo có thể trở thành kẻ thù hủy diệt con người trong tương lai!

Không chỉ xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, trí thông minh nhân tạo có thể kề cận ngay bên cạnh bạn như một phụ tá trong hình hài của chiếc điện thoại. Tuy nhiên, nhiều tin đồn lại cho rằng trí thông minh nhân tạo có thể trở thành kẻ thù hủy diệt con người trong tương lai!

Trí thông minh nhân tạo mới nghe tưởng chừng xa vời nhưng thật ra có thể nằm trong chính chiếc điện thoại mà bạn luôn mang bên mình. Bạn có thật sự hiểu về lợi ích hay nguy cơ của vật dụng thân thiết này? Siri của Apple hay Cortana của Window liệu sẽ giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn hay mang đến nhiều hiểm họa?

Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về trí thông minh nhân tạo để tìm câu trả lời nhé.

Trí thông minh nhân tạo là gì?

Trí thông minh nhân tạo hay còn gọi là Artificial Intelligence (AI) có thể bao gồm các công nghệ tối tân từ thuật toán tìm kiếm của Google cho đến vũ khí tự động.

Mặc dù các bộ phim khoa học viễn tưởng thường miêu tả AI là những robot hình dáng giống con người có khả năng hủy diệt thế giới, nhưng trí thông minh nhân tạo gần gũi hơn vậy nhiều. Nếu bạn đã từng dùng chức năng điều khiển bằng giọng nói trên TV thì bạn đã tiếp xúc với AI rồi đấy.

AI cũng có thể là Siri bạn thường dùng để điều khiển iPhone, chế độ lái tự động của một chiếc xe hơi hay những chiếc máy bay không người lái. AI hiện đang trên đà phát triển nhanh chóng và thu hút được khá nhiều sự chú ý.

Trí thông minh nhân tạo ngày nay thường được gọi là Narrow AI (tạm dịch “AI hẹp”) hay còn gọi là AI yếu. Đây là AI được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ nhất định. AI hẹp thường chỉ nhận dạng khuôn mặt, chỉ tìm kiếm trên internet hoặc chỉ lái xe. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn của nhiều nhà nghiên cứu là tạo ra General AI (tạm dịch “AI rộng”) hay còn gọi là AI mạnh có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.

Nếu như AI hẹp có thể vượt trội hơn con người ở một nhiệm vụ cụ thể như chơi cờ, giải phương trình hoặc lái xe, AI rộng sẽ vượt trội hơn con người ở hầu hết mọi nhiệm vụ.

Những tin đồn về trí thông minh nhân tạo

Trí thông minh nhân tạo: Phụ tá đắc lực hay kẻ thù tối tân?

Trí thông minh nhân tạo khơi dậy tò mò của nhiều nhà nghiên cứu, nhưng kéo theo đó là rất nhiều tin đồn chưa được kiểm chứng mà có thể bạn đã từng nghe.

1. Tin đồn về tốc độ phát triển của AI

Cho đến nay có rất nhiều lời tiên đoán rằng rằng các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra được AI với độ thông minh gần bằng con người chỉ trong thế kỷ 21 này. Cũng giống như dự đoán chúng ta sẽ có xe hơi bay trong thế kỷ này, dự đoán về AI cũng không có cơ sở chắc chắn.

Cũng giống như niềm tin sai lầm trên, niềm tin rằng AI còn rất lâu mới bắt kịp trí thông minh của con người cũng không đúng.

Tuy các nhà nghiên cứu đã ước tính chế tạo AI có trí thông minh siêu phàm, nhưng không ai có thể chắc chắn rằng xác suất một trí thông nhân tạo siêu phàm xuất hiện ngay trong thế kỷ 21.

2. Tin đồn về những người lo ngại AI

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là chỉ những ai lạc hậu và không biết nhiều về AI mới lo lắng rằng trí thông minh nhân tạo sẽ gây nguy hiểm. Thật ra, chính những chuyên gia nghiên cứu AI cũng có rất nhiều nỗi lo lắng nên đã thực hiện nhiều nghiên cứu về sự an toàn của trí thông minh nhân tạo.

3. Tin đồn về sự an toàn của siêu AI

Nỗi sợ các máy móc thông minh sẽ trở nên nguy hiểm không phải là chỉ là tưởng tượng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của máy móc không nằm ở việc chiếc máy đó sẽ có những “suy nghĩ xấu xa” muốn làm hại con người.

Sự nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo nằm ở cách máy móc thực hiện lệnh từ con người.

Ví dụ, nếu bạn giao nhiệm vụ xây một công trình kiến trúc thật đẹp cho một chiếc máy, chiếc máy vẫn sẽ tuân thủ mệnh lệnh của bạn. Tuy nhiên khi thực hiện lệnh, máy móc cũng sẽ tàn phá thiên nhiên, đập phá nhà cửa đang nằm trong khu xây dựng hay làm bị thương cho những ai vô tình cản trở công việc xây dựng.

Nguy cơ của trí thông minh nhân tạo

Trí thông minh nhân tạo: Phụ tá đắc lực hay kẻ thù tối tân?

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng siêu AI sẽ không thể có cảm xúc yêu hay ghét như con người. Vậy nên, nguy cơ trí thông minh nhân tạo tự mình nảy ra ý định muốn xóa sổ loài người rất khó thành hiện thực. Thay vào đó, AI sẽ có những nguy cơ sau đây:

• AI được lập trình cho mục đích xấu: Vũ khí tự động là một ví dụ cho việc AI được dùng với mục đích không tốt đẹp. Nếu AI ở trong tay kẻ xấu, họ có thể dùng vũ khí tự động để gây thương vong hàng loạt một cách dễ dàng. Hơn nữa, một cuộc chạy đua vũ trang AI giữa các quốc gia có thể dẫn đến thương vong lớn ngoài vòng kiểm soát.

• AI thực hiện sai mệnh lệnh của con người: Điều này có thể xảy ra nếu con người không hoàn toàn kiểm soát được cách AI thực hiện lệnh mình đưa ra. Nếu bạn yêu cầu một chiếc xe thông minh tự lái đưa bạn đến công ty nhanh hết sức có thể vì đang trễ làm, chiếc xe có thể vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ hay lấn làn để thực hiện mệnh lệnh.

Trí thông minh nhân tạo hỗ trợ y học

Trí thông minh nhân tạo: Phụ tá đắc lực hay kẻ thù tối tân?

Bên cạnh những nguy hiểm tiềm ẩn, trí thông minh nhân tạo cũng có thể giúp đỡ nền y tế rất nhiều nếu được sử dụng đúng cách.

1. Kiểm tra sức khỏe bằng các thiết bị cá nhân

Hiện nay, hầu hết mọi người đều có các thiết bị thông minh có khả năng thu thập những thông tin sức khỏe rất có giá trị. Nếu có điện thoại hay đồng hồ thông minh, bạn có thể đếm bước chân mỗi ngày, theo dõi nhịp tim liên tục hay tính toán giờ tập thể dục cho mình. Điều này không những tốt cho việc theo dõi sức khỏe bản thân và còn rất có ích khi bác sĩ chẩn đoán bệnh tình cho bạn.

AI có thể vừa phân tích những thông tin về sức khỏe vừa ghi nhận để đưa ra lời khuyên hay cảnh báo về sức khỏe. Bạn có thể phát hiện sớm dấu hiệu những bệnh nguy hiểm nhờ điện thoại thông minh của mình đấy.

2. Hỗ trợ giao tiếp cho bệnh nhân

Sử dụng máy tính để liên lạc hay giao tiếp không phải là ý tưởng mới vì chắc hẳn bạn đã từng gõ email và tin nhắn trên máy tính rất nhiều. Tuy nhiên, giao tiếp qua máy tính mà không cần bàn phím, màn hình và con chuột là một bước tiến đột phá cho một số bệnh nhân mất khả năng nói hoặc vận động.

Các bệnh về thần kinh và chấn thương hệ thần kinh có thể khiến bệnh nhân mất khả năng nói, di chuyển và tương tác với mọi người xung quanh. Các giao diện máy tính – não được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo cho phép tín hiệu não của bệnh nhân tương tác trực tiếp với thiết bị và ra lệnh cho thiết bị giúp mình nói, vận động và thực hiện các tương tác khác.

Người bệnh mất khả năng nói hoặc vận động có thể nhờ trí thông minh nhân tạo mà khôi phục những trải nghiệm cơ bản trong giao tiếp.

Giao diện máy tính – não có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân mắc xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), đột quỵ, hội chứng khóa trong cũng như 500.000 người bị chấn thương tủy sống trên toàn thế giới mỗi năm.

3. Phát triển công cụ xét nghiệm hình ảnh

Hiện nay, bác sĩ vẫn dùng các xét nghiệm dựa vào các mẫu mô có được do sinh thiết, một thủ thuật y tế mà bác sĩ lấy một mẫu tế bào từ cơ thể bệnh nhân để xét nghiệm. Điều này khiến bệnh nhân dễ gặp các nhiễm trùng và biến chứng. Các hình ảnh thu được khi chụp MRI, quét CT và X quang ưu việt hơn vì cho phép bác sĩ quan sát các hoạt động bên trong của cơ thể con người mà không cần lấy mẫu tế bào.

Các chuyên gia dự đoán trí thông minh nhân tạo sẽ cho phép các công cụ xét nghiệm hình ảnh đủ chính xác và chi tiết để thay thế nhu cầu lấy mẫu mô. Khi đó, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán chính xác hơn và bệnh nhân hơn cũng ít gặp nguy cơ nhiễm trùng hơn.

4. Đưa dịch vụ y tế tới vùng sâu vùng xa

Nhiều bác sĩ có tay nghề cao và các thiết bị y tế hiện đại đều tập trung ở các thành phố lớn. Vậy nên, tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp và chất lượng ở một số vùng sâu vùng xa là vấn đề đáng quan tâm.

Trí thông minh nhân tạo có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng bằng cách đảm nhận một số nhiệm vụ chẩn đoán bệnh tình từ xa.

Ví dụ, các công cụ chụp hình của AI có thể giúp bệnh nhân chụp X quang ngực để kiểm tra dấu hiệu bệnh lao với mức độ chính xác tương đương với con người. Khả năng này sẽ giúp giảm thiểu nhu cầu bác sĩ ở những nơi không có điều kiện thuận lợi.

Trí thông minh nhân tạo nếu được dùng đúng mục đích tốt đẹp sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nói riêng và sự phát triển của con người nói chung. Công nghệ vốn dĩ được tạo ra để làm phụ tá đắc lực cho con người. Nếu trí thông minh nhân tạo trở thành kẻ thù gây hại thì cũng là do con người điều khiển đằng sau thiếu kỹ năng kiểm soát hoặc có ý đồ xấu xa. Vì thế, bạn đừng quá lo lắng mà hãy trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để bước vào thời đại của trí thông minh nhân tạo nhé!

Như Vũ | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Điện thoại di động liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống các cặp đôi?
  • Trẻ nghiện công nghệ số: hệ lụy khôn lường và cách giải quyết
  • Những tác hại của công nghệ với gia đình và 9 cách giải quyết

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!