Tùy tiện dùng máy xông mũi: Nhiều nguy hại

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Nếu sau khi xông từ 2-3 lần, tình trạng bệnh không giảm thì nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Khí hậu ẩm ướt, dễ gây bệnh đường hô hấp. Một số gia đình đã trang bị máy xông mũi để bảo vệ sức khỏe. Theo các bác sĩ, việc sử dụng máy xông không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều nguy hại.

Nguyên liệu xông: thích gì dùng nấy

Khi xông mũi, họng, thuốc, nguyên liệu xông sẽ được máy đẩy ra tạo thành hạt sương, đi vào đường hô hấp và tác động trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm. Nhờ đó, người bệnh có cảm giác dễ chịu. TS.BS. Trần Việt Hồng - Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, chính vì cảm nhận rõ công dụng, nhiều người bị bệnh hô hấp xem máy khí dung là dụng cụ hỗ trợ đắc lực. Tuy nhiên, việc tự ý dùng máy khí dung ở nhà rất nguy hiểm vì không phải người nào cũng có thể sử dụng máy xông khí dung.

Nguyên liệu được nhiều người lựa chọn xông là nước muối. Tiếp đến là dùng các thảo dược theo truyền miệng như tỏi, bạc hà, gừng tươi, vỏ quýt, tía tô, quế chi… Thậm chí một số người còn tự ý trộn thuốc cảm cúm, giảm đau vào nước muối sinh lý hoặc pha thuốc kháng sinh để xông.

Tùy tiện dùng máy xông mũi: Nhiều nguy hại

Ảnh minh họa

Theo TS.BS. Trần Việt Hồng, tự ý dùng nguyên liệu để xông sẽ rất nguy hiểm. Thuốc kháng sinh, kháng viêm, nếu dùng lâu ngày có thể gây xơ cứng cuống mũi, dễ bị hư các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi, dễ nhiễm trùng và mắc các bệnh về hô hấp. Nếu dùng không đúng hoặc quá liều, người xông sẽ gặp một số tác dụng phụ như tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, tăng nhịp tim, hồi hộp, thậm chí một số thuốc co mạch xông cho trẻ em dưới 10 tuổi sẽ gây co thắt, gây bệnh tim mạch, có thể tử vong… Riêng với các loại thảo dược càng nguy hiểm, bởi với những người có cơ địa dị ứng như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu nguyên liệu xông và liều lượng không phù hợp có thể gây kích ứng, bộc phát cơn suyễn cấp gây co thắt phế quản.

Coi chừng mắc thêm bệnh

Tại các bệnh viện, máy khí dung được chỉ định điều trị bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm xoang và đường hô hấp dưới như hen suyễn, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm tiểu phế quản và phế quản… Thực tế, có người dùng máy xông khi chỉ cảm mạo, khàn giọng; thậm chí một số người còn xông nước muối hàng ngày cho trẻ với mục đích giúp sạch mũi, ngăn ngừa các bệnh hô hấp. Ngoài ra, việc điều chỉnh máy khí dung như thế nào, số lần xông trong ngày, thời gian xông bao lâu… đều phải có chỉ định của bác sĩ.

Vùng mũi mỗi người đều có tế bào lông chuyển và niêm mạc tiết ra dịch nhầy. Lớp tế bào lông để cản trở bụi và vi khuẩn khi hít vào, còn dịch nhầy sẽ cuốn một phần bụi xuống họng theo thức ăn và tống ra ngoài. Vì vậy, mũi đều có cơ chế tự làm sạch; lạm dụng nước muối để xông hàng ngày chỉ làm khô mũi, khô miệng. Chưa kể, mỗi gia đình chỉ dùng một máy khí dung, không được hấp, tiệt trùng và ai bệnh cũng áp mặt nạ này vào mũi nên việc lây lan vi khuẩn, vi-rút là không tránh khỏi.

Mỗi đối tượng người lớn, trẻ lớn, trẻ sơ sinh... có mức áp lực xông khác nhau. Vòm mũi họng có lỗ thông qua hai bên tai gọi là lỗ vòi nhĩ. Việc dùng mức áp lực xông của người lớn cho trẻ nhỏ, có thể gây kích thích, làm ù tai, tổn thương màng nhĩ, dẫn đến viêm tai giữa.

Với bệnh ở đường hô hấp trên thì hạt khí dung phải lớn, các bệnh đường hô hấp dưới thì hạt khí dung nhỏ. Nếu sử dụng không đúng, việc chữa trị sẽ không đem lại kết quả.

‘Chỉ nên sử dụng máy khi có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Nếu sau khi xông từ 2-3 lần, tình trạng bệnh không giảm thì nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Ở trẻ nhỏ, nghẹt mũi, khò khè có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ trực tiếp vào mũi, không nên tự ý xông cho trẻ. Với các nguyên liệu thảo dược, chỉ nên xông hơi theo cách dân gian. Không nên cho thảo dược không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vô trùng vào máy xông khí dung, chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ’ - TS.BS. Trần Việt Hồng hướng dẫn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!