Trẻ thừa cân, béo phì gặp nhiều trở ngại trong vận động và thường bị các bạn trêu đùa. Các bà mẹ luôn cảm thấy khó khăn khi phải giảm béo cho con. Nhìn đứa trẻ ăn uống ngon lành không bố mẹ nào nỡ bắt con ngừng ăn.
Mẹ càng thương, con càng khổ
Thạc sĩ Doãn Thị Tường Vy, phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết thừa cân, béo phì là nguy cơ tiềm ẩn cho việc tăng nhanh các bệnh như huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa... ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành. Ngoài ra, về tâm lý, khi bị béo phì, trẻ hay bị bạn trêu trọc nên dễ mặc cảm, tự ti, không hòa nhập các hoạt động sinh hoạt, học tập, vui chơi...
Trẻ nhỏ thường thích ăn vặt và đồ ăn nhanh
Vì lý do này, như một vòng luẩn quẩn, trẻ càng ít vận động hơn và có thể lại lấy niềm vui là ăn uống và ngày càng quá cân. Mặt khác, những bé càng mũm mĩm thì xương phát triển không kịp, nguy cơ còi xương rất dễ xảy ra, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi.
Theo bác sĩ, sai lầm của nhiều bà mẹ là thích con phải mũm mĩm, tăng cân nhanh mà không biết rằng khi thừa cân, béo phì bé sẽ rơi vào các tình trạng tiêu cực trên. Nhiều mẹ muốn con béo một chút, đề phòng khi ốm sợ bé sút cân sẽ gầy hoặc quá nuông chiều con về ăn uống, ít cho trẻ hoạt động, làm bé tăng cân, đến khi phát hiện tình trạng thừa cân của con mới giật mình tìm cách hãm.
'Cuộc chiến chống tăng cân khó với cả người lớn, nữa là với trẻ con. Hơn nữa, với trẻ tuổi đang phát triển, không thể bắt các em nhịn ăn để hãm cân. Bé nhịn ăn sẽ không chịu được như người lớn. Mặt khác bé còn phải đi học, nếu bé không ăn uống đủ ngồi trên lớp bé hay ngủ gật, không tập trung nghe giảng và tiếp thu bài được. Vì vậy, muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, trước tiên khẩu phần ăn vẫn phải đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, kết hợp chế độ hoạt động thích hợp theo lứa tuổi của trẻ', bác sĩ Vi nói.
Bà cho biết, mục tiêu điều trị thừa cân ở trẻ em không phải là giảm cân mà nên giữ cân hoặc hạn chế mức tăng cân. Vì thế vẫn phải cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và vi chất dinh dưỡng như can-xi, kẽm. Với trẻ thừa cân, khẩu phần ăn vẫn cần đủ năng lượng, chất đạm, béo, đường, vitamin và khoáng chất.
Tuy ăn nhiều chất béo dễ làm trẻ tăng cân nhưng hằng ngày, trẻ vẫn cần có chất béo vì chúng là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K. Vì thế, chỉ nên hạn chế trẻ tiêu thụ các món ăn nhiều chất béo, hạn chế các món xào, rán chứ không cắt bỏ hoàn toàn.
Nước ngọt, đồ ăn nhanh và lười vận động khiến trẻ béo phì
Lưu ý cho trẻ ăn uống
Tùy theo lứa tuổi, tình trạng của bé mà có khẩu phần ăn khác nhau. Tuy nhiên nên lưu ý một số điểm:
- Trẻ vẫn cần uống sữa hàng ngày. Đối với trẻ nhỏ cho bé bú mẹ. Đối với trẻ ăn sữa công thức nên chọn loại sữa có ít đường, ít chất béo.
- Khẩu phần ăn của bé cần đa dạng thực phẩm, chú ý tăng rau xanh, hoa quả tươi ít ngọt. Đảm bảo cho bé ăn đủ bữa, nhất là bữa sáng, bữa tối ăn ít hơn. Không ăn trước giờ ngủ. Hạn chế thức ăn, đồ uống nhiều chất béo, đường. Hạn chế đồ xào rán.
Để hạn chế trẻ béo phì, nên:
- Nuôi con bằng sữa mẹ ngay sau đẻ và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.
- Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, chế độ ăn cân đối hợp lý bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi.
- Cho trẻ ăn đúng giờ theo bữa.
- Khi chế biến món ăn: hạn chế các món xào, rán. Tăng cường các món luộc, hấp. Tăng cường rau xanh, hoa quả ít ngọt.
- Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga.
- Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem sữa đặc có đường. Hạn chế các phủ tạng, các loại thức ăn nhanh giàu năng lượng.
Ăn nhiều rau tốt cho trẻ
- Không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như: Bơ, pho mát, bánh, kẹo, sô-cô-la, kem, nước ngọt trong nhà. Vì để sẵn những thực phẩm này những lúc buồn bé thường nghĩ đến ăn. Khi đó chúng ta nên rủ bé làm một việc gì đó để cho bé quên cảm giác muốn ăn đi.
- Không nên cho trẻ ăn nhiều vào lúc tối trước khi đi ngủ.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở trẻ. Tạo điều kiện giúp trẻ năng động như hoạt động thể thao, đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, cầu lông, đá cầu, bơi lội, đi xe đạp... Hướng dẫn làm các công việc ở nhà: Lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc…
- Hạn chế trẻ ngồi xem TV, video, trò chơi điện tử… Không nên bắt trẻ học quá nhiều, tạo điều kiện để trẻ được vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.
Theo dõi tốc độ tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt của trẻ, nếu cần thiết có thể đưa con đi khám để bác sĩ hướng dẫn cụ thể.
Theo bác sĩ, khi trẻ đã thừa cân, béo phì, các thành viên trong gia đình cần thống nhất và hợp tác với nhau để đảm bảo bé thực hiện đúng chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp... 'Bạn có thể đưa cho ông bà xem các tài liệu nói về mối nguy hiểm khi trẻ thừa cân, béo phì, các cách giúp đỡ trẻ, hoặc nhờ ông bà cùng đưa con đi khám để lắng nghe bác sĩ phân tích', bác sĩ đưa ra gợi ý với các bậc phụ huynh gặp rắc rối vì không được sự ủng hộ của ông bà trong việc hạn chế trẻ ăn.
>> Xem thêm: Vì sao trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm?
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!