Nếu không bé sẽ chậm bình phục hoặc gặp các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm tai giữa.
Dưới đây là một số hướng dẫn và lưu ý dành cho các mẹ khi làm sạch mũi họng cho bé.
Giữ bé đúng tư thế
Thao tác giữ và hướng dẫn trẻ trong quá trình vệ sinh mũi có ý nghĩa trong việc đảm bảo hiệu quả của việc làm sạch.
Trẻ dưới 2 tuổi, các mẹ nên bế bé. Với trẻ không quá nghịch ngợm, có thể quấn trẻ bằng một tấm chăn mỏng để tránh bé khua chân tay. Giữ yên đầu trẻ và xịt dung dịch nước muối loãng vào mũi bé, ấn nhẹ 2 cánh mũi trẻ trong vài giây, sau khi thấy nước mũi chảy ra thì lấy khăn sạch lau nhẹ.
Trẻ trên 2 tuổi, mẹ hướng dẫn bé nghiêng đầu dùng bình pha dung dịch xịt nhẹ từng bên hốc mũi để nước mũi chảy ra. Lặp lại thao tác 2 - 3 lần để làm sạch niêm mạc mũi.
Sử dụng đúng sản phẩm
Các mẹ cần lựa chọn đúng sản phẩm để làm sạch mũi cho trẻ. Với các bé sơ sinh 4-5 tháng tuổi, chỉ nên sử dụng các sản phẩm nước muối sinh lý dạng ống nhỏ như Natri clorid 0,9 %.
Các bước vệ sinh mũi cho trẻ (Ảnh: Afamily)
Trẻ lớn hơn các bé có thể sử dụng các loại chai xịt với thành phần nước muối biển với các tinh thể bạc để làm sạch mũi hiệu quả.
Không vệ sinh mũi quá mạnh
Việc lau chùi mũi quá kỹ khiến vùng da mũi trở nên nhạy cảm và kích ứng như rát đỏ, bong da.
Việc thường xuyên nhỏ mũi cho trẻ không phải là biện pháp khắc phục bệnh hữu hiệu và có lợi cho bé. Ngược lại, lau chùi mũi quá nhiều và mạnh còn khiến màng nhầy ở mũi bé dễ kích thích và tình trạng nghẹt mũi trở nên nặng hơn.
Với trẻ sơ sinh, sau khi đã vệ sinh đúng cách cho bé nhưng mũi bé vẫn ra nhiều dịch và có dấu hiệu khó thở thì nên cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
Vệ sinh định kỳ
Bạn không cần thiết vệ sinh mũi cho bé quá nhiều lần hoặc quá thường xuyên trong ngày. Với trẻ sơ sinh chỉ làm vệ sinh tối đa 2 lần/ngày và chỉ nên vệ sinh hút mũi khi bé chị chảy nước mũi.
Lựa chọn thuốc nhỏ mũi cần có chỉ định của thầy thuốc và cũng không nên lạm dụng dùng nước muối sinh lý quá nhiều lần trong ngày mặc dù chúng không gây hại cho trẻ nhỏ.
Với các bé lớn, khi làm sạch mũi cho bé các mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu mục đích của việc vệ sinh, giữ gìn đường hô hấp cho bé. Giúp bé chủ động có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và hợp tác cùng mẹ trong quá trình vệ sinh.
Vệ sinh mũi sạch giúp bé nhanh khỏi bệnh (Ảnh: Internet)
Sử dụng hơi nước
Một mẹo nhỏ để làm sạch mũi cho bé trong những ngày mùa đông chính là sử dụng hơi nước. Mẹ có thể đưa bé vào nhà tắm, tránh gió lùa và chuẩn bị sẵn chậu nước nóng đang bốc hơi. Bạn có thể tranh thủ lau rửa và thay quần áo trong khoảng 10 phút trong thời gian này cho bé.
Ngoài ra, các gia đình nên sử dụng máy phun sương hoặc máy tạo hơi ẩm trong phòng khi nhà có trẻ nhỏ. Hơi ẩm tự nhiên sẽ làm ẩm niêm mạc mũi, giúp dịch nhầy trong mũi bé chảy ra và bé dễ thở hơn. Bên cạnh đó, độ ẩm trong phòng cũng giúp bé tránh các hiện tượng khô da trong những ngày gió lạnh, hanh khô.
Lưu ý tổn thương tai
Tai mũi họng có liên quan mật thiết đến nhau. Trong quá trình vệ sinh mũi cho bé, các mẹ cần thao tác nhẹ nhàng để không tạo áp lực đến khoang mũi vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến tai của trẻ, thậm chí gây viêm tai giữa.
Với trẻ lớn đã có ý thức, mẹ cần hướng dẫn bé hỉ (xì) mũi từng bên. Khi hỉ mũi cần dùng tay giữ lại một bên mũi, tránh hỉ quá mạnh gây tác động đến tai.
Thời điểm vệ sinh mũi cho bé
Thời điểm làm sạch mũi cho bé tốt nhất là sau khi bé tắm xong vì độ ẩm hơi nước đã giúp các dịch nhầy trong mũi bé thông thoáng hơn.
Tránh xa thời điểm trước và sau khi bé vừa ăn xong để vệ sinh mũi (điều này có thể kích thích hệ tiêu hóa làm bé nôn trớ).
Ngoài ra, các mẹ cần lưu ý trong quá trình thực hiện cần trấn an để bé không hoảng sợ. Có thể kết hợp sự hỗ trợ cùng người thân trong gia đình để bé phân tâm nếu bé chưa quen với việc vệ sinh mũi.
>> Xem thêm: Sai lầm trong chăm sóc tai mũi họng cho bé
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!