Viêm tai giữa cấp ở trẻ và những lưu ý khi dùng thuốc

Nuôi dạy con - 04/26/2024

Viêm tai giữa là dạng viêm thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ sau này.

Vì sao bé lại dễ bị viêm tai giữa cấp?

Nguyên nhân gây ra các vấn đề về tai phổ biến ở trẻ 2 tuổi hoặc nhỏ hơn là do các bé tiếp xúc với nhiều loại vi trùng trước khi hệ miễn dịch của các bé phát triển đủ để chống lại sự viêm nhiễm.

Thêm nữa, vòi nhĩ của trẻ nhỏ là ống nối tai giữa với họng, cho phép các chất nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc di chuyển lên khoang của tai giữa. Chức năng của vòi nhĩ suy yếu cũng thay đổi áp suất trong tai. Việc này khiến chất lỏng tích tụ ở tai giữa và làm phồng màng nhĩ. Bệnh này thường tự khỏi khi sự nhạy cảm với bệnh giảm đi và các vòi nhĩ của các bé cũng hoàn thiện hơn.

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa sẽ khác nhau ở các lứa tuổi. Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ viêm tai giữa thường có những dấu hiệu như khóc đêm, sốt, chán ăn hoặc chảy mủ tai. Trẻ lớn hơn có thể chà xát hay giật tai. Và khi con bạn biết nói, bé sẽ nói với bạn nếu tai bé bị đau, bị ù tai và nghe kém.

Nếu bạn nghi ngờ con mình bị viêm tai, hãy đến khám bác sĩ nhi khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp. Nếu được điều trị và theo dõi đúng và kịp thời, các triệu chứng viêm tai giữa sẽ cải thiện.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ và những lưu ý khi dùng thuốc

Cần đưa trẻ đi khám để được dùng đúng thuốc.

Chữa trị thế nào?

Trước đây kháng sinh thường được kê cho tất cả các loại viêm tai. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng kháng sinh cho tất cả các loại viêm tai không còn đúng nữa. Do nhiều bác sĩ nhi khoa đã bàn luận và nghi ngại về việc lạm dụng kháng sinh có khả năng liên quan trực tiếp đến sự gia tăng kháng khuẩn.

Những lo ngại đó dẫn đến Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) hiện nay khuyến cáo các bác sĩ nên sử dụng phương pháp đợi và quan sát đối với những trẻ lớn hơn 2 tuổi bị viêm nhẹ và với các triệu chứng xuất hiện trong vòng 48 giờ. Thời gian này chỉ cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau.

Nếu bé bị viêm nặng, có sốt cao trên 39 độ, đã đợi 48 giờ nhưng triệu chứng càng ngày càng nặng hơn thì nên cho bé uống kháng sinh. Hoặc nếu con bạn bị viêm cả hai tai dưới 2 tuổi cần khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Và nên nhớ một khi đã dùng kháng sinh phải dùng đủ liều và đủ ngày. Nếu không có thể làm vi khuẩn trở nên kháng thuốc.

Cần đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ có các biểu hiện: Chảy dịch tai, sưng xung quanh tai, đau đầu, ói nhiều, rối loạn tri giác, sốt trên 39 độ C mà không đáp ứng với thuốc hạ sốt, chóng mặt hoặc liệt mặt, mất thính lực...

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ

Hiện nay, có nhiều bậc cha mẹ tự ý điều trị viêm tai giữa cho con như: dùng ôxy già nhỏ tai, rắc bột thuốc kháng sinh vào tai... Cách làm này hoàn toàn sai lầm. Việc nhỏ ôxy già có thể làm bong lớp biểu bì bảo vệ trên da ống tai, làm chậm quá trình lành vết thương của tai, có thể làm ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.

Rắc bột thuốc kháng sinh vào tai trẻ sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch dẫn đến tình trạng dịch viêm không được dẫn lưu ra ngoài sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm thậm chí gây biến chứng nội sọ...

Vì vậy, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ, không dùng thuốc theo mách bảo, theo kinh nghiệm... Việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa ở trẻ phải được thực hiện tại các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng để tránh các biến chứng nặng nề của thuốc có thể gây ra cho trẻ.

Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc, phụ huynh cần tuân thủ chỉ định về liều dùng và cách dùng thuốc; theo dõi nếu có bất thường (tác dụng phụ của thuốc) có thể xảy ra, báo cho bác sĩ biết để kịp thời ứng phó.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!