Vui buồn thất thường? Cẩn thận với rối loạn lưỡng cực!

Sống Khỏe - 11/24/2024

Rối loạn lưỡng cực có thể gây khó khăn trong đời sống hằng ngày của bạn. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ được nguyên nhân và cách điều trị bệnh.

Chứng rối loạn lưỡng cực hay vẫn thường gọi là chứng hưng – trầm cảm gây ra những thay đổi đáng kể trong tâm trạng của người bệnh. Các bệnh nhân thường cảm thấy cực kỳ sung sướng (hưng cảm, hưng phấn) trong một vài tuần trước khi rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Cường độ dao động tâm trạng của mỗi người khi mắc phải chứng bệnh này là khác nhau.

Thế nào là rối loạn lưỡng cực loại I và loại II?

Những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực loại 1 thường có thời gian hưng cảm ít nhất 1 tuần và có thể kèm thêm các giai đoạn trầm cảm.

Còn đối với những người mắc chứng này ở loại 2 thường có những cơn trầm cảm nặng và thay vì kèm theo những cơn hưng cảm (một tâm trạng hứng khởi cao bất thường, dễ bị kích thích, cáu kỉnh, khuấy động hoặc giàu năng lượng), họ thường có những cơn hưng cảm nhẹ kéo dài dưới 1 tuần. Sau đó, họ có thể cảm thấy khỏe hơn nhưng những người xung quanh vẫn thấy được sự thay đổi đáng kể trong tâm trạng của họ.

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn lưỡng cực là gì?

Các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chứng rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, những giả thuyết gần đây cho rằng chứng bệnh này có thể là kết quả của sự kết hợp giữa gen di truyền và các nhân tố sinh học khác cũng như tác động của mội trường. Ngoài ra, rối loạn lưỡng cực cũng có thể xảy ra khi bạn dùng sai thuốc đặc trị hoặc đổi liều thuốc mà chưa được sự cho phép của bác sĩ. 

Những ai có nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực?

Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể mắc chứng bệnh này. Trong phần lớn các trường hợp, các triệu chứng thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi. Ngoài ra, trẻ em cũng có thể mắc chứng bệnh này nhưng trường hợp này là rất hiếm gặp.

Ảnh hưởng của chứng rối loạn lưỡng cực đến đời sống hằng ngày như thế nào?

Khi bạn không thể kiểm soát chứng rối loạn lưỡng cực, căn bệnh này có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng trong đời sống bao gồm công việc, các mối quan hệ, giấc ngủ, sức khỏe và cả tài chính. Hơn thế nữa, chứng bệnh này còn có thể khiến bạn có những hành động nguy hiểm và làm cho người thân cảm thấy bối rối thậm chí là hoang mang vì không biết tâm trạng của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng nào.

Nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường có vấn đề với các loại thuốc và rượu. Họ có thể uống hoặc thậm chí là lạm dụng thuốc để làm giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của những lần thay đổi tâm trạng đột ngột.

Bác sĩ chẩn đoán rối loạn lưỡng cực như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để xác định rằng bạn có đang trong thời gian điều trị căn bệnh nào hay không. Việc này giúp bác sĩ biết được liệu là bạn đang bị ảnh hưởng của thuốc đặc trị hay đang mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác để chắc chắn rằng các triệu chứng người bệnh đang mắc phải không phải là do một bệnh lý khác.

Các loại thuốc đặc trị chứng rối loạn lưỡng cực là gì?

Bác sĩ sẽ kê riêng cho bạn một số loại thuốc để điều trị chứng bệnh này. Các đơn thuốc này bao gồm các loại thuốc an thần giúp ngăn ngừa những cơn hưng cảm hay trầm cảm cũng như thuốc chống suy nhược và thuốc chống loạn thần. Khi không mắc bệnh nữa, bạn sẽ phải uống những loại thuốc duy trì để tránh bệnh tái phát. 

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn lưỡng cực?

Bạn nên ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa và tập luyện thể dục đầy đủ. Ngoài ra, bạn không nên uống rượu và dùng các chất kích thích vì chúng có thể làm các triệu chứng nặng thêm. Hơn nữa, bạn nên báo ngay với bác sĩ nếu thấy tâm trạng mình trở nên tồi tệ một cách đột ngột. 

Cuối cùng, bạn nên chia sẻ tình trạng bệnh với những người xung quanh và nhờ cậy vào sự giúp đỡ của họ. Nếu bạn mắc phải chứng bệnh này, bạn nên tâm sự với những người thân yêu. Ví dụ như người bạn đời hoặc người thân trong gia đình để họ có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng bệnh. Tốt nhất là bạn hãy cố gắng giải thích với họ căn bệnh này ảnh hưởng đến bạn như thế nào và bạn cần họ giúp những gì. Như vậy, nhờ vào sự hỗ trợ từ những người xung quanh, bạn sẽ cảm thấy bản thân có sự kết nối và có thêm động lực để kiên trì với kế hoạch điều trị bệnh.

Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng lớn đến đời sống của bạn và thậm chí là những người thân xung quanh. Bạn nên đặc biệt chú ý tâm trạng của mình và đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có ý định xấu, ví dụ như muốn tự tử, xuất hiện trong đầu.

Bạn có thể quan tâm đến các bài viết sau:

  • 3 bước kiểm soát hiệu quả bệnh rối loạn lưỡng cực
  • 5 cách vượt qua bệnh trầm cảm hiệu quả
  • Làm thế nào để “bắt quả tang” bệnh trầm cảm?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!