Xã hội ngày càng phát triển, mọi người ngày càng nhận thức được hơn về chế độ ăn uống lành mạnh của mình. Tuy nhiên, thực phẩm lành mạnh bạn ăn sai cách lại là một vấn đề xảy ra khá phổ biến mà hầu như bất cứ ai cũng gặp phải.
Các loại thực phẩm lành mạnh như thịt, cà rốt, măng tây, bắp cải… cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể giúp tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Vì thế, cách chế biến và sử dụng của bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm lành mạnh này.
Hãy cùng Hello Bacsi xem qua 13 thực phẩm lành mạnh bạn ăn sai cách dưới đây để vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe vừa phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng và hiệu quả phòng bệnh của các loại thực phẩm này.
1. Hạt kiều mạch
Kiều mạch là một thực phẩm rất giàu sắt trong khi sữa giàu canxi. Nếu sử dụng riêng biệt hai loại thực phẩm này đều rất có lợi cho sức khỏe.
Nhiều người mắc sai lầm khi ăn kiều mạch với sữa tươi. Khi uống sữa kèm với ăn kiều mạch, thực phẩm này sẽ cản trở cơ thể hấp thụ sản phẩm kia. Bạn cần tránh ăn kiều mạch với sữa tươi nhé!
2. Thịt
Thịt là loại thực phẩm chứa nhiều protein. Bạn nên ăn thịt vào ban ngày để bổ sung đầy đủ dưỡng chất và cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Đây là loại thực phẩm thường bị ăn sai cách.
Bạn hãy tránh ăn thịt vào buổi tối. Nếu bạn ăn quá nhiều thịt vào buổi tối, hệ tiêu hóa sẽ bị quá tải và gây ra tình trạng mất ngủ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
3. Khoai tây
Những thành phần bổ dưỡng nhất của khoai tây là kali, sắt, phốt-pho và vitamin C thực ra lại nằm trong vỏ khoai tây. Nhiều người không biết ăn khoai tây cả vỏ rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi vỏ khoai tây đã chuyển sang màu xanh (thường là khi khoai tây sắp mọc mầm) thì chất solanine – một độc tố gây hại cho sức khỏe đã được dự trữ ở vỏ khoai tây.
Khi ăn khoai tây, bạn hãy rửa sạch để ăn luôn vỏ. Ngoài ra, bạn nên bỏ những củ khoai tây mọc mầm đi vì khoai tây mọc mầm có thể gây ung thư và gây ngộ độc.
4. Kiwi
Kiwi nếu ăn cả vỏ, bạn có thể cung cấp thêm lượng chất xơ và các chất chống oxy hóa cao gấp 3 lần, thêm vào đó còn có thể tiêu diệt staphylococcus và vi khuẩn E. Coli. Bạn hãy lưu ý tận dụng tuyệt đối công dụng này của vỏ kiwi nhé!
5. Cà rốt
Ăn cà rốt đã qua chế biến sẽ giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn gấp 5 lần so với ăn cà rốt sống. Nguyên nhân là do cà rốt đã được chế biến có chứa hàm lượng beta-carotene và lutein cao hơn, rất tốt cho thị lực, giúp làn da đẹp và trẻ trung.
6. Cà tím
Cách chế biến cà tím mang lại lợi ích tối đa cho sức khỏe là nướng. Khi bạn nướng, nồng độ kali trong cà tím tăng lên, trong khi nồng độ nitrat và nitrit giảm đi. Đây đều là những ion gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
7. Cơm
Gạo là nguồn thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate giúp cung cấp calo cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên ăn nhiều cơm vào ban ngày để cung cấp năng lượng cho cơ thể và cơ thể sẽ có đủ thời gian để tiêu hóa carbohydrate và đốt cháy năng lượng.
8. Măng tây
Măng tây là thực phẩm bạn không nên nấu quá lâu, bạn chỉ nên xào măng tây trong thời gian ngắn từ 5–7 phút. Xào măng tây trong thời gian ngắn giúp bảo tồn vitamin và các chất chống oxy hóa tốt hơn. Nếu bạn đun hoặc hấp măng tây quá lâu, lượng vitamin C trong măng tây sẽ bị hòa tan trong nước.
9. Bắp cải
Cách chế biến bắp cải tốt nhất và phát huy tối đa giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này là làm dưa, muối chua. Khi muối dưa, quá trình lên men sẽ khiến hàm lượng vitamin C và axit lactic tăng lên, axit lactic có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Ngược lại, khi được đun sôi, carotene và các chất chống oxy hóa trong bắp cải sẽ biến mất.
10. Tỏi
Cách chế biến tỏi là sau khi cắt tỏi, bạn nên chờ 5–10 phút rồi hãy cho vào thức ăn. Làm như vậy sẽ giúp một thành phần vô cùng quan trọng trong tỏi là allicin hình thành khi hai enzyme được giữ ở hai phần khác nhau trong củ tỏi được tiếp xúc với nhau.
Khi bạn cắt tỏi, các enzyme trong củ tỏi tiếp xúc, được giải phóng và tạo điều kiện để allicin hình thành. Chất allicin có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư và còn có chức năng kháng khuẩn và chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch.
11. Cà chua
Hầm cà chua là cách chế biến cà chua đem lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Mặc dù hầm cà chua có thể ảnh hưởng tới hàm lượng vitamin C, tuy nhiên cách chế biến này lại giúp tăng hàm lượng lycopene.
Sắc tố lycopene này không chỉ tạo ra màu đỏ đặc trưng của cà chua mà còn là một chất chống oxy hóa rất mạnh. Lycopene trong cà chua giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, ung thư và viêm.
12. Bí ngô
Ăn bí ngô cả vỏ đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Vỏ bí ngô có chứa nhiều khoáng chất, chất xơ (chất xơ và các chất pectin) và vitamin C. Vì vậy, bạn ăn bí ngô cả vỏ sẽ giúp cung cấp nguồn dưỡng chất dồi dào cho cơ thể.
13. Trà đen
Các nhà khoa học cho biết chất casein trong sữa sẽ làm giảm lợi ích của trà đen. Một số người có thói quen cho sữa vào trà đen để tăng hương vị, nhưng đây là một thói quen sai lầm.
Bạn tuyệt đối không nên cho sữa vào trà đen vì thành phần trong trà đen có ảnh hưởng tích cực tới chức năng của hệ tim mạch.
Ăn uống những thực phẩm lành mạnh là một thói quen tốt, nhưng bạn hãy lưu ý sử dụng đúng cách để đảm bảo được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm cho cơ thể và tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!
Hồng Nhung | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 10 thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường năng lượng (Phần 1)
- 10 thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường năng lượng (Phần 2)
- 7 loại thực phẩm ăn kiêng lành mạnh để thon thả hơn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!